Đất bãi bồi - chỉ ba chữ thôi mà mỗi năm có hàng trăm vụ khiếu kiện liên quan những tranh chấp trên loại đất này. Nước ta có trên 3.200 km bờ biển, hàng trăm ngàn km dọc các bờ sông, quanh hồ, đầm từ Bắc chí Nam cho nên diện tích đất bãi bồi rất lớn.
Chiếm diện tích nhiều nhất vẫn là đất bãi bồi ven biển và ven sông. Đất bãi bồi có đến trên 80% là đất hoang hóa, đất mới do phù sa bồi lấp nên. Trước đây, đất bãi bồi có cho cũng ít người lấy bởi chẳng mấy giá trị.
Từ khi bung mở kinh tế thị trường, phát triển kinh tế nhiều thành phần, chính sách phát triển nông nghiệp đổi mới, đất bãi bồi ngày càng có giá.
Đã được luật hóa nhưng chưa rõ ràng
Thấy rõ tầm quan trọng và những phát sinh mới trên các vùng đất bãi bồi, Nhà nước đã đưa đất bãi bồi vào luật. Theo Luật Đất đai 2003, tại chương 3, đất bãi bồi được đưa vào mục đất nông nghiệp (mục 2).
Điều 80 của luật này ghi rõ: “Đất bãi bồi ven sông, ven biển bao gồm đất bãi bồi ven sông, đất cù lao trên sông, đất bãi bồi ven biển và đất cù lao trên biển… Đất bãi bồi ven sông, ven biển được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hằng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối…
Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất bãi bồi ven sông, ven biển thì được tiếp tục sử dụng theo thời hạn giao đất còn lại… Nhà nước khuyến khích tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đầu tư đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng”.
Vấn đề cần xem lại là trong Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa có định nghĩa hoặc hướng dẫn cụ thể về đặc điểm loại hình đất bãi bồi một cách rõ ràng.
Có nơi lại coi khu dân cư đã ổn định cả gần một thế kỷ ven sông là đất bãi bồi để áp đặt quy định của Luật Đất đai 2003, Nghị định 181/2004/NĐ-CP và Nghị định 84/2007/NĐ-CP để giải quyết về các quyền đất đai, gây ra những bất công, bất đồng, bất bình, nảy sinh nhiều khiếu kiện.
Đất bãi bồi chưa được xác định rõ ràng nên dễ xảy ra tranh chấp. Ảnh: Nguyễn Quyết
Từ nhiều năm qua, đất bãi bồi đã được tận dụng khai thác, đưa vào sử dụng rộng rãi thành “phong trào”, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và Nhà nước. Người ta khai thác đất bãi bồi nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng rừng, mở rộng khu du lịch sinh thái…
Một số tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ và dọc vùng ven biển cực Nam Trung Bộ có các bãi nghêu cũng thuộc đất bãi bồi (đúng ra, bãi nghêu ven biển là nửa bồi, hầu như chưa có luật hoặc những quy định cho rõ và sát thực tế cho loại hình đất bãi nghêu ven biển).
Những cuộc tranh chấp bãi nghêu đã diễn ra liên tục nhưng rất khó giải quyết dứt điểm. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu từng xảy ra nhiều vụ tranh chấp bãi nghêu, có thể vì Luật Đất đai của ta còn thiếu và chưa rõ về xác định đặc điểm, các quyền về quản lý, khai thác, sử dụng những vùng đất “nửa bồi nửa ngập” này.
Dễ lách và vận dụng sai
Theo Luật Đất đai, đất bãi bồi thuộc đất nông nghiệp nhưng có đặc trưng riêng là quyền được phép khai hoang, thuê đất, sử dụng đất theo hợp đồng không bị phụ thuộc nhiều vào “hạn điền”.
Một đặc điểm nữa là do tính chất đặc thù vốn có và những phát sinh mới theo thời gian, địa hạt nên dù đã được đưa vào Luật Đất đai nhưng quyền quản lý, quyền sử dụng, quyền sở hữu đất bãi bồi vẫn chưa rõ ràng.
Hơn nữa, mỗi nơi (do quan niệm còn khác nhau) lại có cách vận dụng để ra những quy định về quản lý, sử dụng đất bãi bồi khác nhau. Điều này đã gây nhiều tranh cãi và trong thực tế cũng phát sinh nhiều hệ lụy.
Ngoài lý do luật chưa rõ ràng còn nguyên nhân nhà chức trách cố tình lờ luật, làm sai luật và dẫn sai luật vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Đối tượng tranh chấp đất bãi bồi có nhiều dạng thức như: Dân tranh chấp với chính quyền, dân tranh chấp với dân, dân xứ này tranh chấp với xứ khác.
Nhiều khi, các câu chữ trong luật, nghị định, chỉ thị hướng dẫn… dù thiếu cơ sở pháp lý, thực tế và cả đạo lý nhưng chính quyền một số địa phương vẫn dựa vào đó để chuyển từ chức năng quản lý Nhà nước sang chức năng được toàn quyền sử dụng, chi phối, làm thiệt hại cho người dân.
Có không ít bãi bồi ven cửa biển, ven sông, ven hồ, đầm do dân khai thác đã mấy chục năm, người dân đã tự khai hoang, chắn sóng, bỏ nhiều công sức quai đê bao, hình thành khu dân cư ổn định nhưng nay chính quyền địa phương lại vin vào đất bãi bồi mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.
Lại có hiện tượng đất bãi bồi trở thành nơi “phát canh thu tô” của chính quyền cấp huyện, xã, phường, thị trấn. Tiền “thu tô” đó trở thành quỹ đen ở địa phương, không phải nộp ngân sách Nhà nước. Từ đó mới sinh ra cán bộ đương chức ở địa phương coi đất bãi bồi là của chính quyền. Người dân, vì thế, nếu canh tác trên đất bãi bồi là lo ngay ngáy.
Qua thực trạng này, cũng nên xem lại điểm 2, điều 80 trong Luật Đất đai 2003 có phải là kẽ hở để chính quyền địa phương lách luật hay không? Xin trích dẫn: “2. Đất bãi bồi ven sông, ven biển thuộc địa phận xã, phường, thị trấn nào thì do UBND xã, phường, thị trấn đó quản lý…”. Trở lại ý đã nêu, người ta vẫn lợi dụng hai chữ “quản lý” để coi như được toàn quyền sử dụng!
Bốn nội dung phải chỉnh lý
Trước khi sửa đổi Luật Đất đai sắp tới đây, cần phải:
- Điều tra, khảo sát thực tế để nắm hình trạng, nguyên trạng và đặc điểm của đất bãi bồi, có phân loại theo địa hình hoặc giá trị cụ thể, xác định cho rõ thế nào là đất bãi bồi. Không để kéo dài sự tùy tiện vận dụng theo quan niệm, nhất là theo ý đồ vụ lợi.
- Nắm chắc điều kiện, khả năng sinh lợi để xác định chính xác giá trị sinh lợi của đất bãi bồi (từng vùng, từng khu vực, từng nơi).
- Sửa lại cả định nghĩa và phân định cho rõ quyền quản lý, quyền sử dụng, quyền sở hữu đất bãi bồi.
- Cần có khung pháp lý rõ ràng để ngăn chặn sự tùy tiện bao chiếm, sử dụng đất bãi bồi sai mục đích, gây thất thoát cho Nhà nước; khen thưởng, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân sử dụng có hiệu quả cao đất bãi bồi; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng, sở hữu, kinh doanh đất bãi bồi. |
Kỳ tới: Năm vấn đề cần sửa gấp
Bình luận (0)