Có thể do nuôi nhốt lâu nên cả hai con tê giác đều dạn dĩ với người. Chúng thản nhiên đi lại và nhai cỏ chỉ cách chúng tôi vài sải tay. Người dân ở khu vực này cho biết chủ trang trại đưa hai con tê giác này về từ châu Phi với chi phí hàng tỉ đồng. Những con tê giác mà chúng tôi gặp ở đây có hai sừng (một ngắn, một dài nơi đầu mõm).
Cuối tháng 4-2010, cơ quan chức năng phát hiện một con tê giác Java bị giết ở khu bảo tồn Nam Cát Tiên. Đây là loài tê giác Java Việt Nam (tên khoa học Rhinoceros sondaicus annamiticus), một trong hai quần thể tê giác còn sót lại trên trái đất. Riêng hai con tê giác tại Nghệ An, theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, là loài tê giác trắng hay tê giác môi vuông (Ceratotherium simum), có nguồn gốc ở đông bắc và miền nam châu Phi. |
Xung quanh việc nhập khẩu tê giác, Tuổi Trẻ đã trao đổi với cơ quan hữu quan liên quan đến lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã.
● Ông Đỗ Quang Tùng (phó giám đốc cơ quan quản lý về Công ước buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp - CITES):
Thủ tục nhập tê giác trắng rất đơn giản
Đây là hai con tê giác châu Phi, thuộc phụ lục 2 của Công ước CITES, tức là được phép buôn bán. Loại tê giác trắng này được gây nuôi sinh sản ở châu Phi (Đông Phi và Nam Phi) và nhiều nước mua chứ không chỉ riêng VN.
Việc cá nhân sở hữu, nuôi, trưng bày tê giác trắng là hoàn toàn được phép nếu đảm bảo các điều kiện nuôi nhốt an toàn cho người, đảm bảo vệ sinh môi trường, thú y, dịch bệnh... Đây không phải là loài nguy cấp quý hiếm.
Đến nay ở Nghệ An, Cục Kiểm lâm chỉ cấp phép cho nhập khẩu hai con tê giác từ năm 2008. Thủ tục nhập hai con tê giác trắng này rất đơn giản, chỉ trong mười ngày cơ quan sẽ cấp giấy phép cho nhập theo quy định.
Không cần phải có quan hệ “đỉnh” mới được nhập như một số báo đưa tin và thực tế trong quá trình chúng tôi cấp phép cũng không có ai can thiệp, vì đây là thủ tục hành chính bắt buộc.
Ngoài Nghệ An thì ở Thảo cầm viên (TP.HCM) và khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) cũng có gần mười con tê giác cùng chủng loại đã được cấp phép, nuôi nhốt từ nhiều năm nay.
● Ông Hà Công Tuấn (phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT):
Kiểm lâm tỉnh có trách nhiệm khảo sát điều kiện an toàn
Nghị định của Chính phủ (số 82/2006/NĐ-CP ngày 10-8-2006) về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đã quy định chi tiết việc này.
Theo đó, cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh là nơi tiếp nhận hồ sơ và thẩm định để xác nhận điều kiện nuôi nhốt đã phù hợp đặc tính vật nuôi chưa, có đảm bảo an toàn và môi trường không, năng lực (lực lượng chuyên môn, kỹ thuật...) của các trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
Trên cơ sở đó Bộ NN&PTNT mới cấp phép cho nhập khẩu và nuôi nhốt các loại động vật quý hiếm đó.
● GS Đặng Duy Huỳnh (chủ tịch Hội Động vật học VN):
Nuôi tê giác phải có mục đích rõ ràng
Đây là thông tin lần đầu tiên tôi được nghe. Việc nuôi tê giác ở VN không phải là chuyện mới vì thực tiễn tại miền Nam đã có công ty nuôi tê giác làm du lịch. Tuy nhiên, việc cho phép tổ chức, đơn vị nuôi tê giác phải làm rõ mục đích nuôi để làm gì và nuôi trong điều kiện như thế nào.
Vì tê giác là một trong những loài động vật quý hiếm nên quá trình cấp phép để được nuôi tê giác phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ về chuồng trại, điều kiện, cảnh quan và môi trường tự nhiên nơi nuôi dưỡng tê giác. Đặc biệt, khi cho phép nuôi tê giác thì điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được quá trình nuôi sau khi cấp phép.
Rất cần phải dè chừng những biến tướng nếu tê giác bị chuyển nhượng với những mục đích không rõ ràng. Cả người nuôi và người được chuyển nhượng đều không được phép giết hại tê giác, thậm chí nếu người nuôi thông báo tê giác chết cũng cần phải xem xét nguyên nhân, động cơ vì tê giác là loài động vật quá quý hiếm.
X.LONG - K.LOAN - Đ.BÌNH |
Bình luận (0)