Thực tế điểm thi môn ngoại ngữ năm nay không khác năm trước bao nhiêu. Điều đó cho thấy việc dạy và học môn tiếng Anh đang giậm chân tại chỗ.
Tại sao phổ điểm môn tiếng Anh quá thấp? Có thể xảy ra 2 khả năng: Đề thi quá khó hoặc trình độ môn tiếng Anh của phần lớn TS chưa đạt mức cơ bản. Các chuyên gia khẳng định đề thi không khó, điều đó cũng có nghĩa là trình độ tiếng Anh của học sinh (HS) phổ thông quá yếu, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Với thực trạng đó, có ý kiến đề xuất không nên đưa môn ngoại ngữ làm môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia. Ngành giáo dục Việt Nam đang tụt hậu về môn ngoại ngữ, nay nếu chấp nhận đề xuất này, chắc chắn lại càng tụt hậu thêm.
Còn nhớ trong một lần thăm Việt Nam từ những năm 1995, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã khuyên đến bậc ĐH, các trường ĐH ở Việt Nam nên giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt nên ưu tiên tiếng Anh, để dễ dàng hội nhập. Ông cũng từng nhận định: “Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ lại kêu gọi học tập Singapore về việc dạy tiếng Anh trong trường học, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các trường ĐH.
Trên thực tế, ngành giáo dục đi quá chậm trong việc đưa tiếng Anh vào trường học một cách hiệu quả dù Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã được triển khai từ năm 2011. Đề án này thực hiện ngay ở bậc ĐH cũng còn rất khó khăn khi ngoại ngữ vẫn được dạy như một môn kiến thức chứ không phải môn học kỹ năng, sinh viên ra trường đa số không sử dụng được tiếng Anh.
Ở bậc phổ thông càng khó hơn. Một trong những mục tiêu của đề án là đến giai đoạn 2011-2015 phải triển khai đại trà chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông, tức là tất cả các trường tiểu học, từ lớp 3, học sinh phải học tiếng Anh ít nhất 4 tiết/tuần nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tính đến năm học 2015-2016, cả nước còn hơn 711.000 HS lớp 3, 4, 5 chưa được học tiếng Anh, chủ yếu vì thiếu gần 10.000 giáo viên. Làm sao có thể đào tạo chừng ấy giáo viên tiếng Anh trong vòng vài năm, đặc biệt về chất lượng? Đó là chưa kể nhiều điều kiện khác để việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả.
Đi chậm, Bộ GD-ĐT lại kéo dài thời gian, phấn đấu từ năm học 2016-2017, 100% HS lớp 3, 4 và 5 trên toàn quốc được học tiếng Anh và đến năm 2018, toàn bộ giáo viên phải đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. Dù đã kéo giãn thời gian như vậy nhưng rất khó để Bộ GD-ĐT đạt mục tiêu này.
Ngành giáo dục đã đi quá chậm và cứ đà này, chất lượng thi môn ngoại ngữ trong những năm tới cũng không thay đổi bao nhiêu.
Bình luận (0)