Vụ mới nhất vào chiều 12-5, chiếc cần cẩu ở công trình đường sắt đô thị đoạn qua quận Cầu Giấy gãy, đổ xuống 1 tiệm vàng, đè 2 người đi đường bị thương. Cũng may, chiếc cẩu gãy không trúng nhiều người, nếu trúng - với sức nặng của nó - thì nạn nhân khó mà toàn mạng.
Trước đó, những tai nạn bất ngờ từ trên cao như thế từng gây chết người rất thương tâm: Ngày 6-11-2014, thanh sắt từ công trình đường sắt đoạn qua đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) rơi trúng một người chạy xe máy khiến nạn nhân chết tại chỗ. Sáng 5-5, cần cẩu thi công cầu Hồng Ngự 2 (Đồng Tháp) bất ngờ đứt cáp đè chết 3 mẹ con...
Chẳng có gì bảo đảm những tai nạn “trời ơi” như vậy sẽ chấm dứt; trong khi đó, người dân đang phải phập phồng sống chung với tử thần đang ngày đêm lơ lửng trên đầu họ.
Cứ mỗi lần xảy ra tai nạn thì chủ đầu tư, đơn vị thi công cùng các đơn vị hữu trách lại vào cuộc điều tra nguyên nhân và tuyên bố “sẽ đình chỉ dự án”, “sẽ đuổi nhà thầu thiếu năng lực”, “sẽ xử lý nghiêm”... Đình chỉ rồi cho làm lại, cũng như không! “Nhà thầu thiếu năng lực” mà sao trúng thầu, nay đòi đuổi? Hứa “xử lý nghiêm” mà có thấy nghiêm đâu, chẳng thấy quan chức hữu trách nào mất ghế hay bị truy tố; có chăng cũng chỉ là “thí chốt”, ví như vụ đứt cáp cần cẩu ở Đồng Tháp: Mỗi tài xế bị bắt giam, mà tài xế chỉ là người thừa hành, trong khi nguyên nhân chính nằm ở chỗ công trình thiếu rào chắn, máy móc không an toàn.
Nhìn vào thực tế những công trình xây dựng ở ta so với cách thức tổ chức về an toàn và kỷ luật lao động của các nhà thầu nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc..., thấy cách biệt một trời một vực. Một bạn đọc gửi phản hồi đến Báo Người Lao Động, kể: “... Có một thời gian tôi làm cho D. (Hàn Quốc) ở Khu Kinh tế Dung Quất, việc thực hiện an toàn lao động trong công ty này hết sức nghiêm túc, đáng ngưỡng mộ. An toàn viên đi kiểm tra mọi lúc mọi nơi.
Có lần, xe chở dầu vào công ty, làm đổ ra đường (nội bộ) một ít dầu không đáng kể. Thế mà cả ban an toàn, kể cả trưởng ban, chạy đôn chạy đáo, mỗi người một tay dọn dẹp sạch vết dầu trong thời gian nhanh nhất. Sau đó tôi có cơ hội làm việc với N. và M. của Nhật, kỷ luật (tự giác) trong an toàn lao động của họ không còn gì để nói, một sợi rác cắt ra từ tie (sợi buộc nhựa) họ cũng không để nó có cơ hội rơi xuống sàn trước khi nằm trong bịch rác...”.
Mẫu số chung của các đơn vị thi công nội địa là dối và ẩu, xem nhẹ các quy tắc an toàn lao động, coi thường mạng sống của người khác, thậm chí cả tính mạng các công nhân tham gia thi công. Để xảy ra tai nạn chết người rồi mới xử lý trách nhiệm, mà chưa chắc xử lý được, thực tế ấy thể hiện sự vô cảm tột cùng. Thắc thỏm và đã bao lần gióng lên lời khẩn cầu được sống bình yên song tiếng dân dường như chưa ai thấu!
Bình luận (0)