Từ ý tưởng “bắt tay nhau để tạo sức mạnh”, mô hình “Tổ tàu thuyền an toàn” (TTAT) được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên thành lập với điểm đầu tiên tại xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa vào năm 2005.
Lập tổ liên kết, nghiệp đoàn
Bảy năm qua, mô hình nói trên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện toàn tỉnh có trên 100 tổ TTAT với hơn 900 phương tiện và gần 8.000 ngư dân tham gia. Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, mỗi tổ có 10-12 tàu thuyền. Anh Trần Trọng Thoại (ngư dân huyện Sông Cầu) cho biết từ khi thành lập tổ TTAT, việc đánh bắt ngoài khơi được các chủ thuyền liên lạc với nhau qua điện đàm để trao đổi vị trí luồng cá hoặc nếu có sự cố thì dễ dàng giúp đỡ nhau.
Theo đánh giá của Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, các tổ TTAT không chỉ đơn thuần là liên kết làm ăn mà còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển. Khoảng 5 năm trở lại đây, một số tàu lạ khai thác thủy sản trái phép, chở hàng lậu tại ngư trường Phú Yên và các vùng biển lân cận đều bị các tổ TTAT phát hiện, báo cơ quan chức năng xử lý.
Các tàu cá liên kết ở Ninh Thuận bội thu sau chuyến biển dài ngày. Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Tương tự Phú Yên, đến nay ngư dân tỉnh Ninh Thuận đã thành lập được 39 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với hơn 180 ngư dân. Anh Nguyễn Hoàn (xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) nói tham gia tổ đoàn kết, anh em bạn chài cảm thấy an tâm hơn nhiều. Còn ông Phạm Văn Mười (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) cho biết: “Khi ra biển, 4-5 thuyền sát cánh bên nhau thì mình không lo gì cả, ngư trường xa tới đâu cũng không sợ. Gặp sự cố xấu trên biển, mình dựa vào nhau, dễ dàng xử lý”.
Ngoài mô hình tổ, đội đánh bắt trên biển, các nghiệp đoàn nghề cá nhiều tỉnh duyên hải miền Trung liên tiếp ra đời trong gần 2 năm qua cũng giúp ngư dân thêm sức mạnh bám biển dài ngày. Ông Nguyễn Bút, thuyền trưởng tàu hơn 300 CV ở huyện đảo Phú Quý - Bình Thuận, cho biết từ khi có nghiệp đoàn nghề cá, mỗi chuyến biển, ít nhất 4-5 tàu cùng đi nên càng an tâm đánh bắt.
Giúp ngư dân giảm phí, tăng lãi
Ông Huỳnh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, cho biết để phát triển kinh tế biển bền vững, ngoài chú trọng khai thác, huyện đang triển khai kế hoạch đẩy mạnh các loại hình thương mại và dịch vụ trên biển, tạo nguồn thu cho địa phương; đồng thời giúp ngư dân an tâm bám biển dài ngày ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Mô hình chưa thành công Tháng 2-2012, mô hình “tàu mẹ - tàu con” liên kết khai thác và tiêu thụ sản phẩm trên biển giữa Công ty CP Thủy sản Hải Vương với 6 ngư đội (30 tàu đánh bắt xa bờ) ra đời ở tỉnh Khánh Hòa. Mô hình này được kỳ vọng là bước đột phá trong nghề biển vì giúp ngư dân tiết kiệm khoảng 70% nhiên liệu mỗi chuyến ra khơi, tăng thời gian bám biển 7-10 ngày. Doanh nghiệp mua được nguyên liệu tốt hơn để xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng hoạt động, “tàu mẹ - tàu con” đã sớm… chia tay do mâu thuẫn lợi ích. Tàu “con” phàn nàn tàu “mẹ” mua thấp hơn giá bến, sức chứa cũng không đủ, phải chầu chực nhiều ngày để bán cá. Tàu “mẹ” phân bua rằng để có lãi, giá mua trên biển phải thấp hơn trên bờ, ngư dân phải nhìn xa hơn, để hợp tác với tàu “mẹ” bám biển.
L.Trường |
Bình luận (0)