Cả tuần nay, chiều nào anh Phạm Phong Trọng (ngụ phường 6, TP Tuy Hòa - Phú Yên) cũng ra chỗ con tàu đang đóng mới của mình ở bãi biển phường 6 để… vuốt ve như đứa con cưng.
Vay “nóng” đóng tàu
Vào nghề câu cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa từ năm 1999 với chiếc tàu mua lại chỉ có công suất 110 CV nên chỉ gặp gió cấp 6, anh Trọng đã phải vội vã tìm nơi tránh trú. Cuối tháng 3-2012, vừa nghe báo có áp thấp nhiệt đới, anh đã “kéo hết ga” đưa tàu đi trú bão nhưng nó cứ ì ạch, may mà 9 thuyền viên trên tàu đều bình yên.
Sau lần “chết hụt” ấy, anh Trọng quyết định bán tàu với giá gần 500 triệu đồng, vay mượn thêm để đóng tàu lớn với công suất 420 CV, trị giá 1,5 tỉ đồng. Ngoài số tiền bán tàu, cộng thêm tiền dành dụm, anh Trọng còn phải vay 600 triệu đồng, trong đó có 120 triệu đồng vay “nóng” với lãi suất 10%/tháng. “Lỡ rồi, không vay nóng thì không có tiền trả công đóng tàu.
Tranh thủ khoảng 45 ngày nữa cho hạ thủy, ra khơi kiếm tiền trả nợ” - anh Trọng hy vọng. Anh Trọng cho biết chiếc tàu này chịu được gió cấp 7, 8 nên mỗi chuyến biển sẽ kéo dài hơn 2 tháng.
Anh Phan Tấn Mỹ (ngụ phường 6, TP Tuy Hòa) cho biết nhiều chuyến ra khơi với tàu nhỏ, gặp tàu Trung Quốc đánh bắt ngay trong ngư trường của Việt Nam, họ ỷ tàu lớn cứ chạy vòng vòng sát tàu ngư dân mình, làm dậy sóng, không đánh bắt được.
Không chịu thiệt thòi, anh Mỹ đánh liều vay mượn tiền bà con để đóng con tàu 420 CV. “Hoàn thành con tàu này phải tốn khoảng 1,5 tỉ đồng, tôi chỉ mượn được 1,2 tỉ đồng nên số còn lại chắc phải vay nóng” - anh Mỹ nói.
Về việc đóng tàu lớn để vươn khơi, ngư dân tỉnh Bình Định đều kính nể ông Nguyễn Văn Ái (ngụ xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) vì có đến 4 tàu cực lớn, trong đó chiếc lớn nhất có công suất đến 900 CV, được hạ thủy đầu năm 2011. “Phải có tàu lớn mới bám biển được. Đầu năm nay, tôi đánh bắt cá bò ở Trường Sa thì bị tàu nước ngoài rượt đuổi nhưng làm sao đuổi kịp tàu tôi!” - ông Ái kể.
Chiếc tàu trên 1.000 CV của anh Nguyễn Thuận (xã Vĩnh Trường, TP Nha Trang - Khánh Hòa) trị giá hơn 4 tỉ đồng. Ảnh: KỲ NAM
Anh Nguyễn Thuận (ngụ xã Vĩnh Trường, TP Nha Trang) vừa bỏ ra hơn 4 tỉ đồng để đóng chiếc tàu cá công suất trên 1.000 CV bằng vật liệu cách nhiệt công nghệ PU mới. Anh Thuận tâm sự:
“Nếu mang 4 tỉ đồng gửi ngân hàng thì chỉ riêng tiền lãi, gia đình tôi đã đủ sống. Nhưng vốn là con của biển, nghề nghiệp đã ăn sâu vào máu thịt rồi nên tôi nhất quyết phải đóng tàu lớn để bám biển dài ngày, giữ gìn biên cương Tổ quốc”. Chiếc tàu của anh Thuận hiện lớn nhất tỉnh Khánh Hòa với chiều dài 23 m, rộng 6,5 m, cao 4 m.
Khi nhắc đến anh Trần Công Thông, dân chài ở phường Đông Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đều tỏ ra nể phục. Họ bảo Thông “lì” lắm, chỉ với chiếc thuyền công suất nhỏ 90 CV mà dám dong thẳng ra Trường Sa, gọi là “thử” một chuyến.
Đến cuối năm 2011, anh Thông gom góp tiền nhà, rồi vay mượn thêm để nâng cấp thuyền lên 350 CV, quyết tâm bám biển Trường Sa để khai thác. Không chỉ anh Thông “mê” biển mà tất cả 4 anh em trai trong gia đình họ Trần này đều là những ngư dân kỳ cựu, sở hữu những chiếc tàu từ 300 - 400 CV.
Ước mơ có tàu lớn
Khi đi thực tế để tìm tư liệu thực hiện bài viết này, phóng viên Báo Người Lao Động đã gặp gỡ không ít ngư dân các làng biển duyên hải miền Trung. Ước mơ cháy bỏng của bà con là được sở hữu những chiếc tàu lớn, đủ sức vượt trùng khơi, bám biển mưu sinh và giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Thế nhưng đâu phải ai cũng có thể biến ước mơ thành hiện thực.
Ngư dân Phạm Phong Trọng (Tuy Hòa -Phú Yên) phải vay “nóng” để đóng tàu cá công suất lớn Ảnh: HỒNG ÁNH
Theo thống kê của ngành NN-PTNT tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có hơn 7.200 tàu thuyền nhưng số có công suất lớn rất ít. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ đóng được 14 tàu công suất trên 150 CV. Người dân không thể đóng mới, cải hoán tàu thuyền vì lý do duy nhất: Không có tiền! Tỉnh Ninh Thuận được xếp vào hàng tỉnh có năng lực tàu thuyền khá mạnh ở miền Trung với gần 2.500 chiếc nhưng ngư dân chỉ đánh bắt quanh quẩn vùng Bình Thuận, xa hơn là đến Kiên Giang bởi số thuyền công suất lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, chỉ huyện đảo Phú Quý - Bình Thuận đã có hơn 1.200 tàu thuyền, gần 20% trong số này chuyên đánh bắt xa bờ. Nhiều ngư dân huyện đảo này đã phải gom góp nhiều nguồn vốn để đóng tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển.
Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (Tuy Hòa - Phú Yên), cho biết 149 đoàn viên ở nghiệp đoàn luôn mơ ước có được tàu lớn để vươn khơi bám biển nhưng lấy vốn đâu để đóng tàu là câu hỏi khó. “Tàu cá Trung Quốc thấy tàu ta nhỏ nên chèn ép lắm. Có được những con tàu lớn, đi thành đội để đánh bắt, ngư dân mình sẽ yên tâm hơn” - ông Thuẫn nói.
Cần hỗ trợ ngư dân
Hầu hết ngư dân mà chúng tôi tiếp xúc đều cho biết khi đóng những con tàu lớn, họ đã gặp khó khăn vì ngân hàng cho rằng nghề cá bây giờ rủi ro cao, khó bảo đảm nguồn vốn nên không cho vay. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lại Duy Thường, Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Phú Yên, khẳng định ngân hàng không thiếu vốn, nếu ngư dân làm đầy đủ hồ sơ thì sẽ sẵn sàng cho vay.
Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, hiện nay, nhiều ngư dân đang có nhu cầu đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi bám biển nhưng chỉ dựa vào nội lực của họ thì không thể đủ vì đa số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
“Bà con ra khơi bám biển không chỉ nhằm khai thác hải sản mà còn khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ để ngư dân có được những con tàu lớn” - ông Lăng nói. |
Kỳ tới: Hiện đại hóa tàu cá
Bình luận (0)