Khi UBND tỉnh Tây Ninh xóa quy hoạch cụm công nghiệp Bàu Đồn (huyện Gò Dầu),
trả lại đất cho nông dân, anh Lê Công Minh liền đầu tư trồng cây thanh long. Ảnh: NGỌC DIỆU
Long An, Tây Ninh và Bình Phước được xem là những địa phương khởi xướng cho việc hủy bỏ các dự án đầu tư KCN, cụm công nghiệp, sân golf… không hiệu quả, giao lại đất cho nông dân sản xuất. Chủ trương này hiện bắt đầu lan tỏa, chứng tỏ đây là việc mà các địa phương phải làm để người dân thêm phương tiện sản xuất.
Không khả thi là thu hồi
Theo lãnh đạo tỉnh Long An, ngay từ năm 2009, tỉnh đã có chủ trương rà soát và thu hồi các dự án “treo” để trả đất cho người dân sản xuất. Tính đến thời điểm này, tỉnh Long An đã thu hồi tổng cộng hơn 3.000 ha, riêng từ đầu năm đến nay đã thu hồi 1.450 ha đất của 21 dự án “treo”. Trước khi thu hồi, các ngành chức năng tỉnh làm việc với chủ đầu tư, nếu dự án không thể tiến hành thì tỉnh vận động nhà đầu tư xin trả dự án.
Những dự án không khả thi nhưng có liên quan đến đất nông nghiệp thì tỉnh thu hồi ngay để giao đất cho người dân an tâm sản xuất. Từ cách làm này, cuối tháng 8 vừa qua, đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã đến tỉnh Long An tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trong việc xử lý, thu hồi dự án không hiệu quả, trả lại đất cho dân.
Theo UBND tỉnh Long An, hiện tỉnh đang tiếp tục thu hồi 7 dự án đầu tư cụm công nghiệp nhưng “treo” quá lâu, gồm cụm công nghiệp Nhật Quang (30 ha, ở huyện Cần Đước), Thành Tài (70 ha, huyện Cần Đước), Nam Hoa (280 ha, huyện Cần Giuộc), Gemadept (80 ha, TP Tân An), Hoàng Long I (266 ha, huyện Bến Lức), Hoàng Long II (38 ha, huyện Bến Lức) và cụm công nghiệp Bình Tây (36 ha, huyện Cần Đước). Ngoài ra, tỉnh Long An còn đề nghị giảm diện tích từ 557 ha xuống còn 100 ha đối với dự án đầu tư cụm công nghiệp Long Cang giai đoạn mở rộng.
Thu hồi đến đâu, thông báo cho dân đến đó
Tại tỉnh Tây Ninh, tính đến thời điểm này, có 10 KCN, cụm công nghiệp với diện tích gần 1.150 ha quy hoạch “treo” quá lâu đã được tỉnh thu hồi. Ngay sau đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thông báo rộng rãi cho người dân được biết để họ an tâm sản xuất.
“Tất cả đều xuất phát từ tình hình thực tế. Nhà nước quy hoạch đất để làm dự án nhưng lại để quá lâu, trong khi người dân lại không có đất sản xuất. Vì thế, 2 năm qua, tỉnh đã rà soát, bàn bạc kỹ thấy cụm công nghiệp, KCN nào không thu được hiệu quả thì xóa để trả lại cho dân làm ăn” - một lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cho biết.
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Tây Ninh, hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát nhiều cụm công nghiệp còn lại, nếu dự án nào không hiệu quả, đề xuất tỉnh thu hồi để giao đất cho nông dân sản xuất. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 13 cụm công nghiệp, trong đó chỉ có 2 cụm công nghiệp có dự án hoạt động, 4 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư dự án hạ tầng.
Riêng 7 cụm công nghiệp được quy hoạch, gồm: Trường Hòa (huyện Hòa Thành), Tân Phú (huyện Tân Châu), Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh), Bến Củi (huyện Dương Minh Châu), Ninh Điền (huyện Châu Thành), Tân Hà (huyện Tân Châu), Phước Dinh (huyện Châu Thành) với tổng diện tích 573 ha thì vẫn đang… bỏ không. Những dự án này đang trong “tầm ngắm” xóa quy hoạch để người dân yên tâm sản xuất.
Rà soát trên cả nước
Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa có văn bản yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát tình hình sử dụng đất tại các dự án có sử dụng đất, gửi báo cáo về bộ trước ngày 15-12 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, giám sát.
Theo đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường yêu cầu đối với trường hợp chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án thì thu hồi đất, trước hết, lựa chọn thu hồi đất đối với những trường hợp chậm sử dụng đất gây bức xúc trong nhân dân. UBND cấp huyện, xã phải sớm hoàn thiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tăng cường công tác, kiểm tra giám sát việc sử dụng đất của các tổ chức sau khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để bảo đảm sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên đất.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đề nghị các tỉnh, thành kiên quyết không lập dự án mới, mở rộng các KCN nếu không bảo đảm các yêu cầu về quy hoạch tổng thể đã được duyệt. Với cụm công nghiệp, không duyệt quy hoạch mới nếu dự án không bảo đảm về quy hoạch, hạ tầng và môi trường.
L.Trang |
Bình luận (0)