Ngày 13-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại thủ đô Hà Nội. Nhiều ý kiến cử tri đề cập đến việc kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM và xử lý đối với các cán bộ cấp cao vi phạm.
Quan chức lớn giàu quá!
Bày tỏ ủng hộ quan điểm "phải xử lý một vài người để cứu muôn người" của Tổng Bí thư, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) đề nghị xem xét công tác cán bộ một cách nghiêm túc. Không thể để xảy ra tình trạng bổ nhiệm ồ ạt, gây bức xúc dư luận như vụ ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, vụ bổ nhiệm cô Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội vào ngày 13-5 Ảnh: TTXVN
Ông Hoàn cũng thẳng thắn nêu cử tri băn khoăn chuyện các quan chức ở cấp cao giàu quá. Ví dụ như Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa có tài sản kếch xù, có cổ phần ở nhiều doanh nghiệp. Rồi tình trạng có lỗi thì hạ cánh rất dễ dàng như ông Võ Kim Cự xin thôi đại biểu Quốc hội, cô Trần Vũ Quỳnh Anh xin thôi công chức. Việc quản lý cán bộ quá lỏng lẻo, cán bộ vi phạm trốn ra nước ngoài cũng không hay biết như ở Bộ Công thương có Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Trung Dũng. "Liệu có người bố trí cho họ trốn không? Cử tri chúng tôi rất muốn biết Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt chưa?" - ông Hoàn nói.
Nói thêm về trường hợp ông Đinh La Thăng, cử tri Đinh Vũ Khuynh (phường Kim Mã, quận Ba Đình) cho rằng Ban Chấp hành Trung ương quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng với hình thức cảnh cáo rồi về giữ chức phó Ban Kinh tế Trung ương là nhẹ. "Làm kinh tế gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng rồi về giữ chức phó Ban Kinh tế Trung ương có phù hợp không? Đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét lại" - ông Khuynh nêu.
Kiên quyết trị tham nhũng
Trả lời các câu hỏi của cử tri, Tổng Bí thư nhìn nhận về công tác phòng chống tham nhũng gần đây có nhiều tiến bộ, nhất là từ năm 2016 tới nay nhiều vụ việc đã được đưa ra xử lý. Đã kết luận điều tra 11 vụ, xét xử sơ thẩm nhiều bị cáo và tuyên phạt 2 án tử hình, 4 án chung thân.
"Xem trên thế giới có nước nào không chống tham nhũng, có thời nào không chống tham nhũng? Đến tổng thống Hàn Quốc vừa rồi cũng bị xử vì tham nhũng. Trung Quốc cũng xử đến mấy ủy viên Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị. Chúng ta phải bình tĩnh, làm từng bước một" - Tổng Bí thư đánh giá.
Tổng Bí thư cho hay từ năm 2016 đến nay, bao nhiêu vụ việc đã được đưa ra xét xử, có vụ công bố, có vụ không công bố... Gần đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thành lập các đoàn kiểm tra phòng chống tham nhũng ở các địa phương. Đã chỉ đạo các tỉnh xử lý 265 vụ án, hiện đã xử lý 100 vụ, còn 165 vụ đang làm.
Tổng Bí thư cho biết các bước kỷ luật trong Đảng cũng có các mức khác nhau. "Tội này thì ứng mức án ra sao, kỷ luật thế nào, lấy căn cứ gì để nói vụ này nặng, vụ khác nhẹ? Mong muốn phải nghiêm nhưng cũng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Pháp luật của chúng ta cũng nhân văn, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Nói thế không phải vin vào cớ đó để xử nhẹ mà là làm rất nghiêm, đúng luật pháp, đúng tinh thần dân tộc ta là nhân ái, nhân văn" - Tổng Bí thư nói.
Xử lý nhiều cán bộ cao cấp
Giải đáp các câu hỏi của cử tri về việc xử lý cán bộ cấp cao, Tổng Bí thư nêu rõ: Thời gian qua, trung ương đã tiến hành xử lý một loạt cán bộ cao cấp, kể cả về hưu. Trong đó có nhiều cán bộ nguyên là ủy viên trung ương mấy khóa như Vũ Huy Hoàng; Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trong vụ Formosa; Trần Lưu Hải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức trung ương; Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang; rồi Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương... "Mấy thứ trưởng bị cách chức hết. Sắp tới công bố các vụ khác nữa, một số nơi khác đang làm. Đặc biệt, vừa rồi là vụ của đồng chí Đinh La Thăng, rất cảm ơn cử tri đã đồng tình với xử lý của trung ương" - Tổng Bí thư gợi mở.
"Riêng trường hợp của đồng chí Đinh La Thăng, nhiều đồng chí cho rằng ta đụng tới một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM lớn như thế, mới xử về trách nhiệm. Nhưng đây mới là xử lý về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về mặt hình sự chúng ta đang làm, các vụ khác cũng đang làm. Vừa rồi ở Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, một loạt nhân vật chỉ mới bị xử lý về mặt Đảng" - Tổng Bí thư lưu ý.
Về một số ý kiến của cử tri cho rằng hình thức xử lý còn "nhẹ" quá, Tổng Bí thư trả lời phải căn cứ vào tội danh nằm trong khung nào thì xử lý theo mức đó. "Tập đoàn kinh tế đóng góp cho nhà nước lớn như thế, ông Đinh La Thăng mới chỉ có giai đoạn lãnh đạo dầu khí thôi. Thừa nhận đồng chí cũng năng nổ, quyết liệt khi làm giao thông, "miệng nói, tay làm" cũng được lòng dân lắm chứ! Thế nhưng có cái làm không nắm vững luật pháp, để lại hậu quả thì chúng ta xử lý" - Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư khẳng định: "Kết quả Hội nghị Trung ương 5 cho thấy dư luận rất tốt. Còn bên ngoài nói xấu, kích động về việc đấu đá nội bộ, phe này phe kia thì chúng ta phải cảnh giác. Trung ương xem xét, tỉnh táo, tính toán nhiều mặt và sắp tới chúng ta còn làm tiếp. Còn làm thế nào chưa thể nói trước nhưng sẽ làm đúng luật pháp, trách nhiệm, lương tâm".
Nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng).
Buổi tiếp xúc ghi nhận tinh thần phấn khởi của cử tri bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Chính phủ về kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là những nỗ lực xuyên suốt của Thủ tướng và tập thể Chính phủ sau 1 năm xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cử tri cũng chất vấn về việc xử lý trách nhiệm những cá nhân, tổ chức liên quan đến các dự án kinh tế thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng; xử lý các cán bộ cao cấp sai phạm trong thời gian qua để củng cố lòng tin của nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của cử tri và cho rằng các ý kiến đã đề cập tương đối toàn diện và sâu sắc đến nhiều lĩnh vực từ xây dựng pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch... của đất nước và địa phương.
Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Thủ tướng đã giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến cơ chế chính sách, hỗ trợ kinh phí một số công trình, đặc biệt là dự án đường ven biển nối liền 6 tỉnh, thành phía Bắc. Thủ tướng nhấn mạnh đây là quyết tâm lớn của lãnh đạo TP, Chính phủ, là dự án có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, qua đó sẽ thúc đẩy Hải Phòng không chỉ phát triển mạnh về nông - công nghiệp mà còn cả về dịch vụ, du lịch, thực sự trở thành một trung tâm của vùng kinh tế phía Bắc.
Nhắc lại chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ phải làm sao để hệ thống chính trị, các cấp chính quyền phải đáp ứng tốt hơn nguyện vọng, tình cảm và sự tin tưởng của nhân dân. Chính vì vậy, "các cấp chính quyền phải sát dân, lo cho dân để dân với Đảng, Đảng với dân gắn bó, cùng chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi trong xây dựng Đảng, xây dựng đất nước". Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền các cấp phải quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh để sao cho "người dân thấy chính quyền gần gũi, doanh nghiệp thấy thủ tục thuận lợi, nhanh chóng".
Đề cập bài học từ vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) gần đây, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân của sự việc chính là do chính quyền không sát dân, gần dân. "Vừa rồi chúng ta đau buồn vì vụ việc ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm vì chúng ta không sát dân, không nắm được dân; giải quyết sai những quy định của pháp luật nên đã gây ra hậu quả" - Thủ tướng nói.
Cũng trong chiều 13-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi động dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển TP Hải Phòng và tỉnh Thái Bình dài gần 30 km.
Trọng Đức
Bình luận (0)