Chỉ trong hơn 2 tuần, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận 24 ca ngộ độc rượu nấu từ cồn công nghiệp. Phần lớn bệnh nhân sống và làm việc tại Hà Nội. Họ uống những loại rượu mua ở các cửa hàng trên địa bàn thủ đô. Dù các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng đã có 2 người tử vong.
Chén rượu đổi mạng!
Vụ ngộ độc rượu methanol mới nhất đã xảy ra với 12 sinh viên Trường CĐ Sư phạm Hải Dương (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Trong số này, 6 sinh viên bị ngộ độc rất nặng, hôn mê, phải thở bằng máy.
Một sinh viên bị ngộ độc cho biết nhân dịp 8-3, nhóm bạn này đã mua khoảng 1,5 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ (không có nhãn mác) về phòng trọ uống lai rai từ trưa đến khuya cùng ngày. Sáng 9-3, một số người xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 198, sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc vào rạng sáng 10-3.
Cũng đang điều trị tại Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy, tiên lượng rất xấu là ông L.V.M (40 tuổi, ở Sơn La). Bệnh nhân này có triệu chứng đau đầu, mờ mắt sau hơn nửa ngày uống rượu. Khi được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, ông M. đã ngừng tuần hoàn máu do ngộ độc rượu methanol.
Một nạn nhân khác của rượu methanol là ông H.V.Q (40 tuổi, ở Quảng Ninh), đang làm việc tại Hà Nội. Ông Q. uống rượu không rõ nguồn gốc được mua ở quận Cầu Giấy. Sau khi uống rượu, ông bị hôn mê, đã được bệnh viện tỉnh đặt nội khí quản và chuyển đến Trung tâm Chống độc ngày 6-3. Tuy nhiên, do bị ngộ độc quá nặng nên ông vẫn hôn mê sâu. Kết quả chụp não cho thấy ông Q. bị tổn thương nặng, tiên lượng xấu, khó qua khỏi nên chiều 9-3, gia đình đã xin cho bệnh nhân này về nhà.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, trong số hơn 10 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol đang điều trị tại đây có một thanh niên người nước ngoài là Martin, 35 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội. Trước khi nhập viện, anh này đã uống rượu mua tại 2 cửa hàng trên phố Pháo Đài Láng, quận Đống Đa hôm 3-3. Đến ngày 6-3, Martin có biểu hiện mắt mờ nên đến khám tại Bệnh viện Mắt trung ương trước khi chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Nguyên cho biết bệnh nhân bị ngộ độc methanol đều nhập viện trong tình trạng giảm thị lực, hôn mê, tụt huyết áp.
Công an vào cuộc
Theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy - nơi xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu methanol - qua xác minh, rượu mà nhóm sinh viên nêu trên đã uống được mua tại 2 cửa hàng tạp hóa trong ngõ 259, phố Yên Hòa, quận Cầu Giấy.
Kiểm tra cửa hàng đầu tiên, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 2 lít rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Rượu ở đây được nhập từ cơ sở Bắc Hùng (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội). Tại cửa hàng còn lại, cơ quan chức năng xác định đầu mối cung cấp rượu là bà Nguyễn Thị Hảo (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) với sản phẩm mang nhãn mác “Duy Hảo”. Đây cũng là đầu mối cung cấp rượu cho một cửa hàng tại chợ Hợp Nhất, phường Trung Kính, quận Cầu Giấy và nhiều cửa hàng ăn uống, tạp hóa trên địa bàn TP Hà Nội với mức giá chỉ 7.000-8.000 đồng/chai 500 ml.
Bà Hảo đã bị Công an quận Đống Đa mời lên làm việc. Cơ quan chức năng cũng đã lấy 3 mẫu rượu tại 2 cửa hàng nêu trên và khoảng 200 ml rượu đựng trong chai nhựa nhỏ tại phòng trọ của các sinh viên bị ngộ độc đưa đi xét nghiệm.
Trước nhiều vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra, tuần qua, các đoàn công tác thuộc Sở Y tế, Sở Công Thương, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã kiểm tra gần 850 cơ sở sản xuất - kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán lẻ rượu trên địa bàn. Các đoàn đã phạt các cơ sở vi phạm hơn 230 triệu đồng. Ngoài việc niêm phong hơn 6.500 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, các đoàn còn phát hiện 3 mẫu rượu chứa hàm lượng methanol cao gấp 900 - 2.000 lần so với tiêu chuẩn. Trong số này, có một mẫu rượu được lấy tại quán cơm Vĩnh Thành ở quận Hà Đông. Cơ quan công an và đại diện các Sở Công Thương, Y tế đang xác minh truy xuất nguồn gốc rượu tại quán này. Theo nhận định ban đầu, đây là rượu pha chế thủ công.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết cơ quan chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc của các loại rượu, truy tìm loại gây ngộ độc. Sở Y tế đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm; Sở Công Thương tổ chức 33 đội quản lý thị trường rà soát rượu độc. Công an TP Hà Nội cũng chỉ đạo các đội cảnh sát môi trường quận, huyện, thị xã phối hợp rà soát các cơ sở dịch vụ ăn uống có bán lẻ rượu, cơ sở sản xuất - kinh doanh rượu trên địa bàn...
Nghiêm cấm mua bán rượu không nhãn mác, nguồn gốc
Trước thực trạng những vụ ngộ độc rượu methanol liên tiếp xảy ra, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu tăng cường giám sát an toàn thực phẩm, có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm với sản phẩm rượu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên toàn quốc; hoàn thiện những văn bản quy định về quản lý đối với sản phẩm rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không nguồn gốc, xuất xứ dưới mọi hình thức; kiểm soát chặt chẽ tất cả cơ sở kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại cửa hàng ăn uống…); nghiên cứu bổ sung chế tài, tăng mức phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh rượu và có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh rượu.
N.Dung
Kỳ tới: Đủ kiểu pha chế
Bình luận (0)