Nhiều năm nay, tình trạng chợ tự phát hoành hành đang ở mức báo động. Ở mỗi khu chợ hợp pháp đều xuất hiện những chợ tự phát ăn theo, đóng đô tại các con đường xung quanh. Điều đáng nói, khi chợ tự phát ngày càng bành trướng thì chợ hợp pháp teo tóp dần. Các tiểu thương trong chợ hợp pháp không cạnh tranh nổi với hàng rong, chợ tự phát nên phải ra… đường buôn bán.
Chán nản, thở dài
Chợ Bà Chiểu (phường 1, quận Bình Thạnh) nổi tiếng lâu đời ở TP HCM. Thế nhưng khi đến đây, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì nó đã xuống cấp, nhiều nơi bị bỏ hoang thành chỗ để xe, kho chứa hàng. Đa số các tiểu thương đã dọn hàng hóa ra vỉa hè, lòng đường buôn bán vì không thể cạnh tranh nổi với chợ tự phát. Bên trong, “sự sống” yếu ớt của chợ Bà Chiểu chỉ còn đôi ba sạp hàng rèn, vài sạp hàng khác được trưng dụng làm nơi sản xuất, chứa nước đá.
Ngược lại, các con đường xung quanh chợ Bà Chiểu như: Bùi Hữu Nghĩa, Vũ Tùng, Diên Hồng, Ngô Nhân Tịnh… buôn bán nhộn nhịp. Tại những con đường này, chợ tự phát bành trướng nhiều năm nay, đầy đủ các loại hàng hóa, quán xá tràn ngập cả vỉa hè tới giữa đường. Bà N.T.H (tiểu thương chợ Bà Chiểu) vừa xếp những củ hành, túm tỏi đang ế vừa than thở: “Chợ này xuống cấp nhiều năm nay rồi! Khoảng 8 giờ là chẳng còn buôn bán gì, người ta dọn hàng hóa ra đường. Chúng tôi bán trong chợ thì phải đóng thuế nên không thể cạnh tranh với hàng rong, chợ tự phát”.
Chợ tự phát trên đường Lã Xuân Oai cũng đang áp đảo chợ Tăng Nhơn Phú A (quận 9) khiến tiểu thương bức xúc nhiều năm nay. Đường Lã Xuân Oai nằm sát bên hông chợ Tăng Nhơn Phú A lại có các con hẻm kẹp hai đầu chợ. Ở những nơi này, nhiều gánh hàng rong, sạp chợ tự phát được bày tràn lan trên vỉa hè, mặt đường. Chợ Tăng Nhơn Phú A mới được xây dựng với tổng kinh phí cả chục tỉ đồng. Trong chợ, một bãi giữ xe tiện ích được thiết kế cho người người vào gửi. Tuy nhiên, bên trong chợ là một không khí ảm đạm, gần một nửa số tiểu thương đã đóng cửa sạp tìm chỗ khác buôn bán, người bám trụ thì trong tình trạng chán chường vì chẳng có khách. Với giọng điệu chán nản, ông T.M xếp ngay ngắn mớ quần áo cũ lâu ngày rồi bảo: “Bán ở đây ế quá! Có khi cả ngày không một khách hàng. Người ta thích mua ở chợ tự phát vì hàng hóa rẻ hơn lại không phải gửi xe tốn thời gian. Bây giờ, tôi chỉ còn nước dọn hàng ra đường bán được chừng nào hay chừng đó”.
Cùng cảnh ngộ, nhiều chợ hợp pháp khác cũng đìu hiu vì chợ tự phát như: Chợ Tân Định (quận 1) vắng vẻ vì bị chợ tự phát trên đường Mã Lộ hút hết khách, chợ tự phát trên đường D1 - D2 lấn át chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh), chợ Tăng Nhơn Phú B lép vế chợ tự phát trên đường Đình Phong Phú (quận 9), chợ Hiệp Phú (phường Hiệp Phú, quận 9) chỉ còn vài sạp hàng bám trụ vì người dân mua hàng ở chợ tự phát trên đường 365.
Cản trở giao thông, gây ô nhiễm
Chợ Xóm Chiếu (phường 15, quận 4) nổi tiếng lâu đời, sát bên có một bãi giữ xe lớn dành cho khách. Thế nhưng, chẳng hiểu sao sự sạch sẽ và tiện ích của nó lại không hấp dẫn người mua. Bên trong chợ vắng vẻ, nhiều sạp quán đóng cửa im ỉm thì phía ngoài các con đường Lê Quốc Tuấn, Đoàn Văn Bơ, Xóm Chiếu lại buôn bán tấp nập lạ thường. Riêng đường Đoàn Văn Bơ (quận 4) vốn nhỏ hẹp lại bị che dù rợp trời, hai bên tiểu thương, hàng rong “bài binh bố trận”, người dân mua bán, ăn uống la liệt. Không chỉ đường Đoàn Văn Bơ mà các con hẻm nhỏ trên đường như hẻm 273, 178… đều kẹt cứng đến mức xe máy không thể qua, còn người đi bộ thì phải nhích từng chút một.
Không chỉ lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, tại những con đường này còn rất hôi tanh bởi rác rưởi, đặc biệt là chất thải, nước thải từ những chợ cá giữa đường. Sau mỗi phiên họp chợ, cả con đường ngập chất thải như một bãi rác công cộng. Việc buôn bán thường xuyên và tấp nập đến nỗi người dân địa phương gọi những con đường này là chợ 200 (đường Lê Quốc Tuấn), chợ Đoàn Văn Bơ (đường Đoàn Văn Bơ), chợ đường Xóm Chiếu (đường Xóm Chiếu).
Tại các con đường quanh chợ Bà Chiểu, đặc biệt là đường Bùi Hữu Nghĩa, tình trạng trên cũng kinh khủng không kém. Đây vốn là khu vực nằm giữa trung tâm của quận Bình Thạnh; người, xe đông đúc lại là nơi có nhiều trường học tọa lạc. Đến giờ cao điểm, giao thông tại khu vực này ùn tắc nghiêm trọng. Đặc biệt, “tiểu thương” chợ cá tự phát thản nhiên làm cá giữa đường, xả nước thải tanh hôi, nhầy nhụa khiến những con đường vừa hôi thối vừa xuống cấp trầm trọng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-4
Kỳ tới: Phải “đòi” bằng được
Đủ chiêu đối phó
Theo phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận tại chợ Bà Chiểu, chợ đêm Nguyễn Bá Luật, chợ Tăng Nhơn Phú A, chợ Văn Thánh…, người buôn bán ở chợ tự phát trên những khu vực này thường bày hàng hóa trên các sạp có bánh xe, các gánh hàng rong hoặc bao ni-lông.
Mỗi khi có lực lượng chức năng kiểm tra, lập tức sẽ có nhiều đối tượng canh gác báo động cho cả khu chợ. Ngay lập tức, các sạp chợ, xe hàng rong được kéo vào những con hẻm gần đó. Người bày bán hàng hóa trên bao ni-lông thì túm gọn 4 góc rồi ôm chạy trốn, các chủ kinh doanh có cửa hàng cố định cũng nhanh chóng thu gom hàng hóa vào nhà. Mỗi khi cơ quan chức năng rút đi, đội ngũ hàng rong, chủ kinh doanh lại buôn bán tấp nập như không có chuyện gì xảy ra.
Nhiều người dân cũng hết sức bức xúc vì cơ quan chức năng đa số chỉ dọn dẹp, xử phạt những người bán hàng rong nhỏ lẻ; còn các điểm kinh doanh lớn cố định trên vỉa hè lại không thấy bị kiểm tra, nhắc nhở.
Bình luận (0)