Bệnh chổi rồng đang là nỗi ám ảnh của các nhà vườn trồng nhãn ở ĐBSCL. TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri), cho biết hiện ĐBSCL có khoảng 15.000/34.000 ha nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng. Trong đó, một số tỉnh như: Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang… có tỉ lệ nhiễm bệnh cao. Điều đáng nói là dịch bệnh này được dập vào năm 2012 nhưng từ tháng 4 năm nay, bệnh bùng phát trở lại.
Ông Trần Quang Hành - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - than: “Nơi nào trồng nhãn cũng dính bệnh chổi rồng. Toàn huyện có 400 ha đều bị nhiễm. Hộ nào có nhãn bị nhiễm bệnh ít vẫn để cho ra trái nhưng năng suất và chất lượng thấp, còn bị nặng phải đốn bỏ”. Tại Vĩnh Long, ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn, cho hay: Toàn huyện có 1.037 ha nhãn thì có đến 50% bị bệnh với tỉ lệ nhiễm trên 30%. Theo ông Ngân, những hộ trồng diện tích ít hoặc trồng xen với những cây khác không chăm sóc nên khi cây nhãn bị bệnh, họ không xử lý khiến bệnh lây lan sang những vườn nhãn trồng chuyên canh.
Nhà vườn trồng nhãn tại ĐBSCL thất thu vì nhãn nhiễm bệnh chổi rồng. Ảnh: Ngọc Trinh
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, trong 3 năm trở lại đây, khi dịch bệnh chổi rồng lan mạnh, nguồn ngân sách từ trung ương và địa phương đã chi khoảng 173 tỉ đồng phòng chống nhưng vẫn chưa khả thi. Trong đó, tỉnh Tiền Giang chi hơn 43 tỉ đồng hỗ trợ nhà vườn nhưng diện tích nhãn bị nhiễm bệnh vẫn cao. Tỉnh Vĩnh Long chi hơn 55 tỉ đồng hỗ trợ 40.000 hộ dập dịch nhưng vẫn không hiệu quả khi có đến 1.400 ha nhãn da bò bị đốn bỏ...
Theo ông Ôn Thanh Ngân, bệnh chổi rồng chủ yếu gây hại trên đọt non và các chùm hoa nhãn. Bệnh làm cho lá non co lại thành từng chùm nhìn như bó chổi; các chùm hoa cũng co cụm, không đậu trái hoặc có ra trái thì năng suất rất thấp.
TS Nguyễn Văn Hòa khuyến cáo: Nguyên nhân cây nhãn nhiễm dịch bệnh này là do loại nhện lông nhung truyền bệnh, lây lan nhanh. “Những vườn nhãn bị nhiễm bệnh ít, nhà vườn cần cắt tỉa cành và phun thuốc diệt nhện. Đối với những cây nhiễm bệnh nặng thì không nên tiếc giữ lại mà cần chặt bỏ để hạn chế lây lan sang những cây khác”.
Theo nhiều nhà vườn, Sofri và Cục Bảo vệ Thực vật có đưa ra 6 bước quy trình phòng, chống bệnh chổi rồng. Nếu áp dụng sẽ đạt kết quả khoảng 80% năng suất nhưng chi phí đầu tư quá cao, kéo theo giá thành cao hơn giá bán nhãn nên nhà vườn không mặn mà.
Bình luận (0)