Truyền thông quốc tế trong 2 năm 2006 và 2007 liên tục đăng nhiều bài ca ngợi Việt Nam, dự báo chúng ta là “con rồng mới của châu Á” hoặc là “một con hổ khác của châu Á” đầy sức mạnh, nền kinh tế sẽ phát triển thần kỳ.
Nhưng rồi mọi thứ diễn ra không như kỳ vọng. Cơn bão suy thoái kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 2008, quét qua Việt Nam và tàn phá suốt 5 năm. Mất 5 năm để chống chọi và nhiều năm sau để gượng dậy, khắc phục hậu quả, cho đến bây giờ, “cơ thể kinh tế” vẫn còn ê ẩm. Cũng trong quãng thời gian ấy, những nỗ lực để hội nhập kinh tế thế giới để tận dụng lợi thế tự do hóa thương mại trong WTO dù rất nhiều song hiệu quả còn chừng mực. Thậm chí, khá nhiều ngành - lĩnh vực vốn đã yếu sẵn, lại không được chuẩn bị kỹ - đã lung lay, rụng ngã trước chiến dịch đổ bộ của các tập đoàn nước ngoài khi chúng ta phải mở cửa theo cam kết.
Hóa ra, WTO chẳng phải đũa thần! Và chúng ta tìm cơ may ở một sân chơi khác: TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). Đàm phán thành công, lại hân hoan như thời sắp vào WTO! Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump không ủng hộ hiệp định này. Tình thế đó buộc chúng ta phải điều chỉnh lại nhiều quyết sách của mình. Isaac Newton từng nói: “Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn thì bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ” và một khi không đứng được “trên vai những người khổng lồ”, cụ thể là không tận dụng được sự tương hỗ từ các nền kinh tế lớn, thì phải trở lại với nguyên tắc cốt lõi: Đứng trên và lớn lên từ đôi chân của chính mình! Hay nói cách khác, đó là phải khơi dậy tinh thần tự lập.
Chẳng hề có phép nhiệm mầu nào đâu! Các quốc gia tự cường thành công trên thế giới đều trên nền tảng tự chủ. Tấm gương mẫu mực về quốc gia tự chủ mà hùng cường là Israel. Một đất nước chỉ với hơn 65 năm lập quốc sau 2.000 năm vong quốc lại là chủ nhân của vô số giải Nobel ở các lĩnh vực, có một nền khoa học công nghệ - kỹ thuật - quân sự hàng đầu thế giới, luôn ở thế thượng phong trước khối thù địch tôn giáo hơn 350 triệu người. Mà nguồn lực họ nào có gì hơn ta, dân số chưa tới 9 triệu người, tài nguyên nghèo nàn, 2/3 diện tích là hoang mạc, nước ngọt thiếu hụt nghiêm trọng. Trong khi đó, dân số Việt Nam đông hơn Israel 12 lần, diện tích rộng hơn 12 lần, tài nguyên thì giàu có, vậy mà GDP bình quân đầu người của chúng ta thua kém họ đến 20 lần! Cũng là những con người bằng xương bằng thịt như nhau, cũng là hai quốc gia - dân tộc đã trải qua những giai đoạn lịch sử đại bi kịch như nhau, vậy mà một bên phát triển như vũ bão, một bên vừa đốt đuốc vừa lò dò tìm đường mà đi!
Nhiều nghiên cứu đã đúc kết Israel được như vậy phần vì người Do Thái “thông minh vốn sẵn tính trời”, phần vì tinh thần dân tộc, ý chí tự lực khởi sự kinh doanh của họ quá mạnh mẽ. Đó cũng chính là lý do Israel sản sinh ra nhiều công ty khởi nghiệp hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Một quốc gia khởi nghiệp với niềm tin tối cao và hoài bão dữ dội như vậy, sao có thể không thành công, không thịnh vượng!
Việt Nam có thiếu tinh thần ấy không? Không thiếu. Từ những năm đầu thế kỷ XX, chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh đã phát động Phong trào Duy Tân, kêu gọi tự lực khai hóa dân tộc, xây dựng cá nhân độc lập - tự chủ, thay đổi tận gốc rễ nền văn hóa - tâm lý - tính cách - tư duy - tập quán của người Việt… Ông đề cao tư duy làm việc tiến bộ, khoa học của người phương Tây, ví như trong “Tỉnh quốc hồn ca” (viết năm 1906), Phan Tây Hồ so sánh: “Trong khi họ (phương Tây - NV) biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật”. Cũng giai đoạn này, nhà cách mạng - nhà giáo dục Lương Văn Can, bậc trưởng thượng của Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, cũng đã viết “Thương học phương châm”, giảng giải đạo kinh doanh cho thương giới nước nhà, ra lời kêu gọi tự lực cánh sinh trong khởi nghiệp và kiến quốc. Nếu như những phong trào tiến bộ ấy được duy trì xuyên suốt, kết hợp với tư duy đổi mới và hội nhập, thì đến bây giờ tầm vóc nền kinh tế và vị thế đất nước có lẽ đã sang trang mới, tinh tươm hơn.
Hy vọng với “Năm Quốc gia khởi nghiệp 2016”, tinh thần nói trên sẽ được khơi dậy và bùng cháy. Thành công rồi sẽ đến nếu biết nỗ lực, sáng tạo và nuôi dưỡng niềm tin, như đại thi hào Nguyễn Du đã sẻ chia: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân” (Kiều).
Bình luận (0)