“Độ 7-8 giờ, nghe tiếng xe ngựa lóc cóc ngoài đường, biết ngay là mấy bà, mấy thím mang trầu - cau xuống chợ Bà Quẹo, Chợ Lớn bỏ cho các mối lái đi khắp Nam Kỳ lục tỉnh” - ông Trần Văn Thanh (64 tuổi; ngụ ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM) hồi tưởng. Những câu chuyện về làng trầu Bà Điểm vẫn còn đậm nét trong ký ức các bậc cao niên.
Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng
Nhà có đến 7 đời trồng trầu, từ ông tổ Trần Văn Điều đến ông sơ, ông cố, ông nội, người cha và hiện tại, gia đình vẫn đang chăm sóc gần 1.000 gốc trầu, ông Trần Văn Thanh cười sảng khoái cho biết: “Nghề trồng trầu ở Bà Điểm một thời mang lại kinh tế cao cho nhiều gia đình để người người xây nhà, tậu ruộng, mua trâu bò. Cứ nghĩ xem, bán 1 ký trầu thì mua được 3 ký thịt, người già đến trẻ nhỏ thời đó đều thuộc làu câu “Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng”.
Thuốc ở đây là thuốc rê. Vùng đất Hóc Môn không chỉ nổi tiếng nhờ những làng trầu mà còn được biết đến với đặc sản cây thuốc rê - thứ thuốc cho khói thơm và ngon hơn nhiều so với các vùng khác.
Ông Thanh cho biết từ đời ông tổ đến ông nội, nhờ có ruộng đất nhiều nên diện tích trồng trầu rất lớn, vườn nào cũng cả 10 thiên (10.000 gốc). Cứ hết mùa trầu, ông tổ của ông lại trồng lúa, gặt lúa xong lại trồng thuốc, thu hoạch thuốc xong là cất được nhà, cưới luôn vợ cho ông sơ. Đến đời cha ông Thanh cũng vậy, nhờ vườn trầu, vườn thuốc mà được ông nội xây nhà, cưới vợ.
Trầu có giá đến nỗi khi chiến dịch Mậu Thân 1968 nổ ra, vùng này bị địch càn phá dữ dội, hàng ngàn vườn trầu bị đánh sập. Vậy mà đám con nít chỉ cần mót lá trầu vụn mang ra chợ bán, với một giỏ nhỏ chừng vài ký cũng đủ mua thịt cá, rau củ cho cả nhà hơn 10 người.
Thuở đó, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Nhà nào có đám giỗ hay đám cưới, các bà, các ông tụm lại cũng chỉ bàn chuyện vườn trầu ông A xanh tốt ra sao, vườn trầu bà B thất bại thế nào, mối lái này mua được giá, mối lái kia trả tiền chậm... Câu chuyện trầu - cau cứ rôm rả từ trong nhà ra góc bếp.
Dẫn chúng tôi ra vườn trầu với gần 1.000 gốc, cụ Võ Thị Ba (102 tuổi; ngụ ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) kể trầu vùng này không chỉ bán cho dân các tỉnh, thành trong nước mà còn xuất sang Campuchia, Malaysia, Trung Quốc nên lượng tiêu thụ rất lớn. 18 thôn vườn trầu trải dài từ huyện Hóc Môn, quận 12 và một phần của huyện Củ Chi với diện tích hàng ngàn hecta nhưng cung vẫn không đủ cầu.
Nhà cụ Ba trước đây cũng trồng hơn 2.000 gốc trầu. Cứ 2-3 giờ, 4 mẹ con cụ đã thắp đèn dầu đi hái trầu. Mỗi người một hàng, hái đến đâu treo đèn đến đó. Hái xong 1.000 gốc, trời đã hừng sáng. Cả nhà đổ trầu ra tấm đệm to, người lớn thì lựa trầu ngon chất vô giỏ, trẻ con mỗi đứa được phát 1 cây kéo để giành những lá trầu bị đốm, bán hàng vụn. Xong đâu vào đấy, các bà, các chị lại gánh trầu xuống bến xe đò, xe ngựa ở chợ Bà Điểm bán cho mối lái.
“Mỗi lần bán xong, sống chết gì cũng phải mua quà bánh về cho tụi nhỏ, cứ bánh vòng - thứ làm bằng bột nếp chiên giòn xỏ vô cọng dây lát và mía khúc - mà mua. Về nhà, vừa đến bìa ruộng, tụi nhỏ đã chạy túa ra. Có đứa chạy tuột cả quần chỉ để tranh nhau khúc mía rượu, rồi chúng đeo bánh vòng tòn ten trước cổ, cắn nghe rào rạo” - cụ Ba bỏm bẻm cười.
Bao giờ thành làng du lịch?
Làng nghề này đã tồn tại hơn 300 năm. Sau năm 1975, diện tích dần thu hẹp do tập tục ăn trầu giảm dần. Đến những năm 1990, lượng trầu tiêu thụ kém đi và rớt giá, 18 thôn vườn trầu lùi dần vào ký ức. Không rõ hiện nay, diện tích trồng trầu còn bao nhiêu nhưng có thể chỉ bằng 1/10 trước đây.
Theo sử sách, từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung đã rời bỏ quê hương đến vùng đất này để sinh cơ lập nghiệp. Những nông dân đầu tiên đến đây đã ra sức khai hoang, chống lại thú dữ để tồn tại. Ngoài lúa và khoai, nhờ thổ nhưỡng tốt nên hàng ngàn vườn trầu đã mọc lên. Đến đầu thế kỷ XIX - đời vua Minh Mạng triều Nguyễn, 18 thôn vườn trầu là nơi trù mật và nổi tiếng với những lá trầu thơm, ngon đặc biệt mà khắp Nam Kỳ lục tỉnh không đâu sánh bằng.
Vườn trầu không chỉ là làng nghề mà còn nổi tiếng với truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của người dân xứ này. Đặc biệt, trong cuộc khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu (1885) do ông Phan Công Hớn và ông Nguyễn Văn Quá lãnh đạo, nghĩa quân tấn công vào huyện lỵ Bình Long (Hóc Môn ngày nay), giết chết tên đốc phủ sứ gian ác Trần Tử Ca, tay sai đắc lực của thực dân Pháp...
Mắt nhìn xa xăm, cụ Ba ưu tư: “Vườn trầu này cũng giảm diện tích vì làm không có ăn như trước, chưa kể phân bón, nọc trầu, công hái đều tăng cao. Bây giờ, bọn trẻ không còn thiết tha với nghề này; người già thì tuổi cao, sức yếu, việc leo hái trầu cũng khó khăn vô cùng”.
Ý tưởng xây dựng 18 thôn vườn trầu thành khu du lịch sinh thái, khu bảo tồn lịch sử để du khách tham quan có từ năm 2003 và được UBND TP HCM giao Sở Du lịch khảo sát. Đến năm 2011, dự án này được Thành ủy chỉ định Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án có diện tích 18-20 ha, nằm ở một phần xã Bà Điểm và một phần xã Xuân Thới Thượng, vốn đầu tư khoảng 100 tỉ đồng. Khu du lịch 18 thôn vườn trầu có mô hình tương tự Khu Du lịch sinh thái Văn Thánh nhưng sẽ kết hợp nhà vườn sẵn có.
Thế nhưng, từ đó đến nay, dự án vẫn chưa triển khai sau khi có quy hoạch chi tiết 1/2.000 của huyện Hóc Môn. Một trong những khó khăn là do nhà cửa, công trình mọc lên khiến quy hoạch trở thành “da beo”. Chưa kể đường sá và các dịch vụ liên quan tại địa phương không có khiến dự án vẫn giậm chân tại chỗ.
Kỳ tới: “Lóc cóc leng keng” làng nghề An Hội
Bình luận (0)