Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) những ngày này nhộn nhịp hẳn lên. Tiếng nhạc vang vang từ hội trường, hơn chục phạm nhân đang mướt mồ hôi để hoàn tất tiết mục Dòng máu Lạc Hồng, diễn trong đêm văn nghệ mừng Quốc khánh 2-9 và tiễn những phạm nhân được đặc xá.
“Cục vàng” của trại
Chúng tôi đến một buồng giam “đặc biệt”, nơi có tiếng khóc the thé của trẻ con và tiếng người mẹ vỗ về. Đang trên tay mẹ, bé gái khóc thét lên, chị A. vội nhờ một nữ tù chung phòng ẵm con rồi pha nhanh bình sữa. Vừa cho con bú, chị vừa nũng nịu: “Bông Súng đang giả vờ với mấy cô đó, chắc đang đói đây…”.
Nghe tiếng khóc, một nữ tù phòng bên chạy sang, nói với từ ngoài vào: “Sao khóc vậy cục vàng của má, ráng ăn cho mau lớn, mai mốt má nhờ”. Chị A. bộc bạch: “Ai cũng thương và coi bé như con vì nó dễ chịu lắm”.
Các phạm nhân tại trại giam Xuân Lộc tập văn nghệ để chào mừng Quốc khánh 2-9 và tiễn những người được đặc xá
Cách đây 5 năm, chị A. bị bắt về tội chứa mại dâm và bị phạt tù nhưng do còn nuôi 5 con nhỏ nên được tạm hoãn thi hành án. Đến năm 2010, thấy đứa út có thể ở nhà với cha và ông bà nội nên chị chấp hành bản án để sớm trở về.
“Lúc đó, tôi có thai được một tháng nhưng không biết, thời gian đầu buồn lắm vì không biết sẽ ra sao khi bụng mang dạ chửa trong trại. May mắn là tôi được các bạn tù và cán bộ chăm sóc chu đáo, đến ngày sinh, được đưa đi bệnh viện…” - chị A. kể.
Do đang trong thời gian nuôi con nhỏ nên chị A. được đặc cách làm những công việc nhẹ nhàng, gần buồng giam để tiện chăm sóc con. Thấm thoắt, Bông Súng đã được 7 tháng tuổi, sự xuất hiện của bé khiến không khí khu buồng giam nữ thêm vui vẻ.
Chung phòng với “thiên thần nhỏ”, chị Tr. ngậm ngùi: “Tiếng khóc, tiếng bi bô của trẻ khiến chúng tôi vơi đi nỗi nhớ các con và gia đình. Ở trại này, Bông Súng là số 1, ai cũng cưng nó hết. Đi làm về chưa kịp tắm rửa, mấy cô đã chạy sang nựng nó trước…”.
Trong dịp đặc xá năm nay, mẹ Bông Súng được tha tù trước thời hạn, niềm vui của họ khiến những người khác không khỏi chạnh lòng.
Chị K. nói: “Không ai muốn trẻ hiện diện ở chốn lao tù cả, mẹ cháu được đặc xá trước thời hạn là niềm mong ước của mọi người. Nhưng thời gian qua, chúng tôi đã quen với tiếng trẻ thơ, giờ vắng bé chắc sẽ rất buồn…”.
Chia sẻ với chúng tôi, thượng sĩ Trần Thị Quỳnh Nga, quản giáo buồng giam, cho biết: “Bông Súng rất đặc biệt, từ cán bộ đến phạm nhân ai cũng thương cháu. Ở trại giam, tình người quý hơn tất cả, các nữ tù nương tựa nhau sống và cải tạo…”.
Liều thuốc quý
Chúng tôi gặp phạm nhân L. (30 tuổi) với thân hình tiều tụy, gầy gò. Anh bị bắt về hành vi buôn người và bị phạt 5 năm tù. Trong quá trình cải tạo tại trại giam, L. bị phát hiện đang bị AIDS giai đoạn cuối. Để L. không suy sụp tinh thần, cán bộ trại đã không cho anh biết sự thật mà chỉ thông báo bị lao phổi.
L. cho biết ở bệnh xá của trại giam, anh được chăm sóc đặc biệt, cơm có người nấu sẵn, chỉ ở nhà dưỡng bệnh chứ không đi làm như những phạm nhân khác. Trong đợt đặc xá năm nay, L. có tên trong danh sách những người được tha tù trước thời hạn.
Niềm vui trên khuôn mặt đen nhẻm, anh nói: “Năm nay, tôi may mắn được đặc xá trước thời hạn, những ngày cuối cùng ở trại giam, thấy lòng nôn nao quá. Được trở về với người thân và gia đình là niềm hạnh phúc lớn lao đối với những người tù như tôi”.
Cùng nhau sinh hoạt cũng là cách để gắn kết tình cảm giữa các phạm nhân ở trại giam Xuân Lộc
Đối với những phạm nhân có AIDS giai đoạn cuối, bác sĩ và cán bộ quản giáo đã dành những tình cảm đặc biệt cho họ, động viên tinh thần để họ chống chọi với bệnh tật.
Một cán bộ cho biết khi thấy sức khỏe phạm nhân có AIDS suy sụp, chúng tôi gọi điện cho người nhà lên thăm nhưng nhiều người đã bỏ mặc.
Theo đại úy Nguyễn Quốc Thiều, phụ trách y tế, những người có AIDS rất cần sự quan tâm của mọi người, ngoài sự hỗ trợ về vật chất của trại, những phạm nhân khác cũng “nhường cơm sẻ áo” cho họ.
“Tình thương và trách nhiệm là liều thuốc quý giúp cho những người có AIDS vượt qua khủng hoảng khi không có người thân bên cạnh” - đại úy Thiều nói.
Theo thượng tá Nguyễn Trọng Tuấn, phó giám thị trại giam, các phạm nhân vào trại sẽ được giáo dục, đào tạo kiến thức và kỹ năng sống để khi trở về, họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.
“Cái quý giá nhất có thể nhìn thấy ở đây chính là tình người, nhờ vậy mà các phạm nhân an tâm cải tạo, giúp nhau những lúc khó khăn, bệnh tật” – thượng tá Tuấn nói.
Hết lòng vì phạm nhân
Ở trại giam Chí Hòa (TPHCM), trong vòng 6 tháng đầu năm, có đến 24 phạm nhân chết vì AIDS nhưng chỉ có 18 người được gia đình nhận về, những trường hợp còn lại đều được trại tổ chức an táng.
Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Nguyễn Ngọc Tiến, giám thị trại giam Chí Hòa, cho biết: “Chí Hòa từng tiếp nhận một số trường hợp phụ nữ phạm tội khi đang mang thai, đến kỳ sinh nở, chúng tôi phải chuyển ra Bệnh viện Trưng Vương để cháu bé khi chào đời không phải làm khai sinh trong trại.
Trường hợp các cháu được ở với mẹ trong trại, các cán bộ phải vận động mạnh thường quân bên ngoài cho đường, sữa, thuốc men…”. |
Bình luận (0)