Ngạc nhiên là bởi Việt Nam “nằm cùng chiếu” với nhiều cường quốc nổi tiếng thịnh vượng, an toàn và giàu có như Thụy Sĩ, Singapore, Canada, Úc, Trung Quốc... Bất ngờ hơn nữa là Việt Nam được xếp thứ 16, trên cả... Nga - hạng 17, Nhật Bản - hạng 18 và Bỉ - hạng 20 (!). Các yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của Việt Nam bao gồm: Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, đồ ăn ngon, giá cả phải chăng, dễ kết giao bạn bè và đời sống xã hội ổn định.
Nhầm chăng?
Hấp dẫn là vậy mà mới đây, Ban Quản lý chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (dự án EU) công bố khảo sát cho biết chỉ có khoảng 6% khách quốc tế quay lại các điểm du lịch tại Việt Nam!
Hấp dẫn là vậy mà mới đây, TripAdvisor - website chuyên nghiên cứu về du lịch - xếp thủ đô Hà Nội đứng thứ 9 thế giới về nạn móc túi!
Hấp dẫn là vậy mà mới đây, The Guide to Sleeping in Airports - website chuyên xếp hạng chất lượng các ga hàng không toàn cầu - xếp 2 sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào tốp 10 phi trường tệ nhất châu Á!
Nhiều người cho rằng BusinessInsider đã nhầm khi so với thực tế tại nước ta. Nạn cướp giật và tai nạn giao thông ở các đô thị lớn còn nhức nhối khiến cư dân lẫn du khách bất an. Tình trạng kinh doanh “chặt chém” người mua ở các điểm du lịch lớn vẫn diễn ra thường xuyên. Và quan trọng nữa là khi kinh tế còn khó khăn thì làm sao có thể trở thành “điểm đến đáng sống nhất thế giới”?!
Việt Nam quả thật đang sở hữu quá nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo và một nền ẩm thực đa dạng, phong phú song qua hàng chục năm đầu tư phát triển du lịch, hầu như mọi thứ vẫn còn ở dạng tiềm năng, hiệu quả khai thác chưa bao giờ xứng tầm với những gì đang có. Tất cả lý do đã được nhận diện là bởi thiếu quy hoạch bài bản, tư duy làm du lịch còn manh mún, các tỉnh - thành thiếu liên kết, chưa quảng bá đúng cách... Biết vậy mà chậm khắc phục nên ngành công nghiệp không khói xứ ta cứ ì ạch bám đuôi các nước Đông Nam Á.
Thói thường, ai cũng thích được khen, ghét bị chê. Bằng chứng là các nhà chức trách trong nước từng lên tiếng phản bác những đánh giá, xếp hạng “không tốt” kể trên. Phải biết rằng mọi cuộc khảo sát dù được tiến hành chuẩn mực cỡ nào cũng đều cho kết quả tương đối. Vì thế, cần tiếp thu đánh giá của bên ngoài một cách cầu thị. Xếp hạng của BusinessInsider về Việt Nam có thể chưa chính xác nhưng vẫn có giá trị như một lời nhắc nhở chúng ta nhìn lại mình. Được khen hay chưa hẳn là tốt hơn bị chê kém. Khen ngợi thái quá dễ khơi gợi sự tự hào nhưng từ tự hào đến tự mãn rồi tự thất bại cũng rất gần.
Bình luận (0)