Trong ký ức của bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Ánh Vân - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, phụ trách chính Chương trình Dự phòng nhiễm HIV từ mẹ sang con của Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) - luôn có hình ảnh thật đẹp của đôi vợ chồng đến từ tỉnh xa nọ. "Chị ấy đến Phòng Tham vấn Bệnh viện Hùng Vương yêu cầu đích thân tôi tư vấn. Chị hết sức bình tĩnh, cho biết mình đã nhiễm HIV và thiết tha mong đứa con sẽ thoát khỏi căn bệnh thế kỷ" - BS Vân nhớ lại.
Vượt cạn êm đẹp
BS Vân cho biết người phụ nữ ngoài 30 tuổi ấy từng có một đời chồng và đứa con 8 tuổi. Người chồng này không may qua đời sớm vì bệnh. Một thời gian sau, chị tái hôn và đứa con mong đợi dần thành hình.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Vân tham vấn cho một phụ nữ nhiễm HIV Ảnh: Anh Thư
"Vì một số vụ việc xảy ra trong quá khứ, chị ấy nghi rằng mình đã nhiễm HIV. Chị đã đi xét nghiệm tại một phòng khám và nhận được kết quả dương tính. Chị cũng không rõ mình đã lây cho người chồng sau hay chưa và không dám nói cho anh biết sự thật nghiệt ngã này. Và nay, đến lượt đứa con trong bụng trở thành nỗi lo lớn nhất của chị" - BS Vân kể.
Không phải trấn an người phụ nữ bởi chị không tỏ ra đau đớn, hoảng loạn, không gào khóc như đa số thai phụ biết mình nhiễm HIV nhưng nhiệm vụ của BS Vân lần này nặng nề không kém. Ngoài việc tư vấn dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, chị còn phải khuyên nhủ người đàn bà về thông báo cho chồng biết bệnh trạng của mình, thuyết phục anh đi khám. Điều này không chỉ vì người chồng mà còn vì đứa con sắp chào đời. Nếu cũng bị nhiễm HIV, anh cần phải học cách chăm sóc con để tránh lây cho đứa bé.
Phải đến lần tham vấn thứ hai, người phụ nữ mới gật đầu chấp thuận. BS Vân cho biết: "Tôi đưa ra 3 phương án: BS sẽ thông báo riêng cho chồng chị ấy, BS thông báo cho anh trước mặt chị và cuối cùng là để chị tự thổ lộ với chồng. Chị chọn phương án thứ ba".
Tư vấn cho người đàn bà tỉnh táo như thế nhưng nữ BS Bệnh viện Hùng Vương vẫn không khỏi lo lắng. Bởi lẽ, nhiều người đàn ông đã bỏ nhà ra đi sau khi nghe tin dữ. Để giúp thai phụ này, bằng những tài liệu sẵn có và kinh nghiệm của một tham vấn viên, BS Vân hướng dẫn thật cặn kẽ cho chị cách thông báo hợp lý với người chồng về tình trạng nhiễm HIV của mình.
Trái với băn khoăn của BS Vân, người đàn ông mới 35 tuổi ấy đã xuất hiện ở lần tham vấn sau. Chị nhận xét: "Anh ấy vui vẻ và dễ gần, tỏ ra rất yêu thương vợ. Những câu hỏi của anh chỉ xoay quanh nỗi lo cho sức khỏe của vợ và con, cách chăm sóc vợ con sao cho đúng để bảo vệ đứa bé, những điều cần lưu ý trong quan hệ vợ chồng sau này... Sau đó, người chồng đã đi xét nghiệm và kết quả là âm tính, anh chưa bị lây HIV".
Người phụ nữ đó đã vượt cạn êm đẹp và không phải trải qua sự buồn tủi như đa số thai phụ có H khác nhờ tình yêu của chồng. Kết quả âm tính của đứa bé đến tay vợ chồng họ lần lượt qua những mốc vừa sinh, sau sinh 4 tuần và 18 tháng. Sau mốc 18 tháng, người chồng đã gọi điện thoại cho BS Vân cảm ơn chị đã giúp con mình thoát nạn. "Bằng tình yêu, người đàn ông khỏe mạnh và người đàn bà có H ấy vẫn hạnh phúc bên nhau, cùng chăm sóc con chung, con riêng" - BS Vân xúc động.
"Tôi ơi, đừng tuyệt vọng…"
Nhìn đứa con bụ bẫm, lớn khôn từng ngày, nhiều lúc chị H.T.H - 38 tuổi, ở Hà Nội - không tin rằng đó là sự thật. Chị phát hiện mình nhiễm HIV cách đây 10 năm, chỉ vài tháng sau khi người chồng nhập viện và qua đời vì AIDS. Sau đó không lâu, đứa con trai của họ cũng tử vong vì căn bệnh này. Tuyệt vọng, đau khổ, chị buông xuôi, bỏ cả công việc "gõ đầu trẻ" để đi chăm sóc bệnh nhi nhiễm HIV ở một trung tâm thuộc huyện Ba Vì, TP Hà Nội.
Từ những thông tin tự tìm hiểu và kinh nghiệm chăm sóc người cùng cảnh ngộ, chị H. trở về Hà Nội và là một trong những đồng đẳng viên tích cực trong các hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV. Hạnh phúc lại mỉm cười với H. khi chị gặp được một người đàn ông biết yêu thương và vun vén cho cuộc sống của cả hai. Lập gia đình, vợ chồng họ lên kế hoạch cho quyết định mạo hiểm: Có con.
"9 tháng 10 ngày với người phụ nữ bình thường đã là cả một quá trình dài nhưng với tôi, nó kéo dài như vô tận. Khi đứa con chào đời, nhìn thấy bé khóc to và khỏe mạnh, vợ chồng tôi mừng lắm. Lúc đó, cả hai chỉ muốn hét lên vì sung sướng. Nhưng rồi sau đó, chúng tôi lại phấp phỏng lo âu..." - chị H. nhớ lại.
Theo chị H., các bác sĩ nói rằng sau khi con chị chào đời, kết quả xét nghiệm nếu âm tính thì mới tạm thời yên tâm. Đến khi đứa bé 18 tháng tuổi thì tiếp tục xét nghiệm một lần nữa, nếu vẫn cho kết quả âm tính mới khẳng định chắc chắn cháu không nhiễm HIV.
"Suốt thời gian sau đó, vợ chồng tôi luôn lo lắng, nghĩ ngợi bởi biết đâu số mình không may mắn. Những lúc ấy, tôi lại tự động viên mình, tự nhủ bằng câu hát "tôi ơi, đừng tuyệt vọng...". Thế rồi ngày ấy cũng đến, cầm trên tay kết quả xét nghiệm HIV âm tính của con, vợ chồng tôi thấy lâng lâng. Niềm vui lúc này mới thực sự vỡ òa và những giọt nước mắt tuôn trào mà tôi không thể nào cầm lại được" - chị H. bộc bạch.
Bây giờ, ngoài công việc gia đình, làm mẹ cậu con trai hơn 3 tuổi, chị H. như được tiếp thêm động lực để chia sẻ kinh nghiệm cho những phụ nữ chẳng may mang trong mình mầm bệnh đáng sợ nhưng vẫn không nguôi ước mong làm mẹ. Chị H. tâm sự: "Càng làm được nhiều việc thiện, cống hiến hết mình cho cộng đồng, tôi càng thấy cuộc đời đáng sống".
Can thiệp sớm, giảm nguy cơ
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, nếu không được can thiệp gì thì cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV, có tới 30-40 bé sẽ nhiễm virus chết người này. Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị thích hợp thì trong 100 trẻ ấy chỉ còn khoảng 1-5 bé nhiễm HIV.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-5
Kỳ tới: Vượt qua đau khổ, mặc cảm
Bình luận (0)