Cá chết hàng loạt ở miền Trung là sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng
Hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường ở miền Trung bắt đầu xảy ra từ ngày 6-4-2016, bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình ngày 10-4, Thừa Thiên - Huế ngày 15-4, Quảng Trị ngày 16-4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng ngày 4-5.
Chỉ trong thời gian ngắn, người phụ nữ này nhặt được rất nhiều cá trôi dạt trên bãi biển Quảng Trị - Ảnh: Q.Nhật
Từ ngày 19-4, báo chí bắt đầu đưa tin về hiện tượng này, vụ việc trở nên nóng hơn khi có một bé gái 8 tuổi ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bị ngộ độc sau khi ăn cá chết và báo chí đưa tin về một đường ống nghi là hệ thống xả thải từ dự án Formosa (của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh) “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng.
Cá chết bất thường trôi dạt vào bờ biển xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) được người dân gom nhặt về sử dụng
Ngày 22-4, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các thông tin nêu “Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng”. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân tình hình hải sản chết bất thường.
Chiều ngày 23-4, tại cuộc làm việc giữa các tỉnh có hiện tượng cá chết hàng loạt với đại diện Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết đường ống xả thải ra biển của Formosa có trong thiết kế, có quy trình xử lý và được Bộ cho phép. Trước khi nước được thải ra biển đã được xử lý, quan trắc tự động.
Quang cảnh buổi họp chiều 23-4 giữa 4 tỉnh có hiện tượng cá chết hàng loạt với đại diện Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT
Ngày 24-4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả cá chết hàng loạt, chỉ đạo các bộ, ban ngành liên quan làm việc hết trách nhiệm, tìm ra nguyên nhân cá chết, trường hợp cần thiết có thể thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.
Chiều ngày 25-4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại miền Trung, báo cáo ngay Thủ tướng biện pháp xử lý nghiêm vi phạm. Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại, đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân.
Ngày 25-4, trong lúc chờ kết luận của cơ quan chức năng, ông Chu Xuân Phàm Giám đốc đối ngoại của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đã có phát biểu gây sốc: “Muốn bắt cá tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được”.
Chiều ngày 26-4, Formosa họp báo, xin lỗi về những phát ngôn này song không công nhận có xả chất thải độc hại ra biển. Ngày 27-4, ông Phàm bị Formosa cho nghỉ việc.
Lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi về phát ngôn gây sốc "chọn nhà máy hay chọn cá" - Ảnh: Mạnh Hà
Ngày 26-4, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết các nhà khoa học liên ngành đã tiến hành khảo sát tại hiện trường từ ngày 19 đến ngày 24-4, lấy mẫu phân tích, thu ảnh vệ tinh... tìm nguyên nhân cá chết và đã loại bỏ nguyên nhân tràn dầu, địa chấn, tập trung vào ảnh hưởng của các yếu tố môi trường: tảo độc, độc chất.
Tại cuộc họp báo tối ngày 27-4, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết hiện chưa có bằng chứng để kết luận công ty Formosa liên quan tới cá chết bất thường ở miền Trung. Các nhà khoa học thống nhất nhận định sơ bộ có 2 nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt: Do tác động của các độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển; do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thuỷ triều đỏ.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân trong cuộc họp báo tối ngày 27-4 - Ảnh: Nguyễn Hưởng
Ngày 28-4, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã thị sát kiểm tra Formosa, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng; đồng thời tự nhận khuyết điểm về sự lúng túng trước sự việc cá chết hàng loạt. Bộ trưởng Hà chỉ đạo Formosa phải đưa đường ống xả thải ngầm lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát.
Chiều 1-5, làm việc tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần làm rõ nguyên nhân cá chết với tinh thần không bao che, mời các nhà khoa học nước ngoài phối hợp với các nhà khoa học trong nước để làm rõ nguyên nhân cá chết. Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan. Hỗ trợ bằng gạo, tiền, lãi suất cho người dân bị ảnh hưởng.
Một phần đoạn đường ống xả thải nổi trên mặt đất của Formosa - Ảnh: Infornet
Hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, không chỉ các hộ nuôi trồng, đánh bắt, kinh doanh hải sản mà ảnh hưởng đến cả du lịch, kinh tế biển miền Trung. Đơn cử, tại Huế, đến tận ngày 9-6, du khách tắm biển mới bắt đầu đông trở lại.
Chiều 2-6, sau gần 2 tháng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5-2016 của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã xác định được nguyên nhân cá chết hàng loạt ở biển miền Trung thời gian qua, nhưng cần phản biện khoa học trước khi công bố.
Hàng trăm ngư dân Hà Tĩnh ngừng ra khơi do nguồn thủy hải sản nơi đây không thể tiêu thụ
Bình luận (0)