* Phóng viên: Thưa ông, tại hội thảo, bài phát biểu của ông về những tác động tiêu cực đến Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên nếu cho triển khai 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, dường như không nhận được sự ủng hộ?
- Ông Trần Văn Thành: Đúng vậy. Tôi cảm thấy chán nản, đơn độc. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình đang làm đúng.
* Ông có biết những người tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo họ có từng tham gia thực địa tại VQG Cát Tiên?
- Họ đi bằng đường nào tôi không biết, còn thông qua chúng tôi thì hoàn toàn không có. Tôi thật sự buồn, họ nói ảnh hưởng ít, rồi không ảnh hưởng, rồi lại vội vã đề xuất nên cho triển khai 2 dự án này, chỉ chung chung vậy thôi.
* Một hội thảo chóng vánh trong một buổi sáng, khách mời đa phần là các nhà khoa học và đại biểu chưa từng dự và đóng góp ý kiến tại hội thảo được tổ chức 2 ngày ở phía Nam trước đây, ông nghĩ thế nào?
- Chính tôi cũng cảm thấy mình như một khách mời bất khả kháng của họ. Tại sao không mời cả những nhà khoa học từng có tiếng nói tâm huyết để cùng nhau giải quyết vấn đề, những tổ chức đã ký bản kiến nghị về 2 dự án thủy điện này đến cơ quan cấp cao.
Các chuyên viên, nhà khoa học khảo sát khu vực dự kiến xây dựng thủy điện trong Vườn Quốc gia Cát Tiên vào tháng 8-2011
* Tại bản kiến nghị gửi Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và 9 cơ quan chức năng vào ngày 14-9, Cơ quan Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nêu ý kiến: Nếu không nghiên cứu đầy đủ và đưa ra các giải pháp cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực, 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có thể gây “thảm họa” khi đưa vào xây dựng, vận hành. Hội thảo lần này các nhà khoa học khác nói ngược lại, ông nghĩ có sự “lobby” nào ở đây hay không?
- Mọi việc đều có thể nhưng đây là vấn đề nhạy cảm, tôi không khẳng định. Tôi chỉ muốn hỏi: Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đơn vị tổ chức hội thảo này, có thật sự vì môi trường hay không, họ có thực sự khách quan không khi mà những ý kiến từ những người chủ trì hội thảo chỉ nghiêng về phía chủ đầu tư.
* Với những gì đang diễn ra, theo ông, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình đề nghị UNESCO công nhận VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới?
- Trách nhiệm của tôi gắn chặt với việc bảo vệ VQG Cát Tiên, bảo vệ môi trường. Nếu phá vỡ môi trường thì sau này con cháu chúng ta sẽ gánh hậu quả.
Trong tháng 9, chúng tôi đã chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ gửi lên UNESCO đề nghị công nhận nơi đây là di sản thiên nhiên thế giới, nhưng tôi nghĩ nếu làm thủy điện rồi thì sẽ rất khó thuyết phục họ.
* Theo ông, vì sao Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai lại đeo bám quyết liệt 2 dự án thủy điện này?
Đức Long Gia Lai không tài trợ hội thảo! Ngay sau hội thảo ngày 30-9 kết thúc, nhiều phóng viên đã chứng kiến cảnh ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, vui mừng tới bắt tay, ôm chặt và cảm ơn một số nhà khoa học. Ngoài ra, sự xuất hiện của lãnh đạo 2 tỉnh Bình Phước, Đắk Nông với bài phát biểu ủng hộ xây dựng thủy điện đã làm dấy lên nghi ngờ việc chủ đầu tư bỏ tiền ra tài trợ tổ chức hội thảo. Về việc này, ông Bùi Pháp cho rằng trước hội thảo khoảng 10 ngày, ông mới nhận được giấy mời tham dự của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và cũng không biết kịch bản, nhà khoa học nào sẽ phát biểu tại hội thảo. “Tôi khẳng định không có chuyện Tập đoàn Đức Long Gia Lai tham gia tài trợ hay cùng tổ chức hội thảo. Cũng không có chuyện bỏ chi phí để lãnh đạo 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông ra Hà Nội dự hội thảo!”.
T.Kha |
Bình luận (0)