Điểm đầu nguồn sông Đồng Nai, thuộc vùng Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi dự tính sẽ xây thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ảnh: Xuân Hoàng
Tổn thất không thể bù đắp
Tham gia tọa đàm trực tuyến từ thủ đô Washington, Mỹ, TS Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, cho rằng luôn có sự đánh đổi về môi trường - kinh tế - xã hội trong việc phát triển thủy điện. Chính vì vậy, thủy điện không chỉ dừng lại ở việc đánh đổi môi trường - kinh tế - xã hội mà còn cả sự tồn tại bền vững trong khu vực, mối quan hệ với các quốc gia khác.
Hiện nay, thượng nguồn sông Mê Kông tại Trung Quốc “gánh” gần 20 thủy điện lớn, nhiều thủy điện nhỏ và vừa trên các sông nhánh. Vùng hạ nguồn cũng chạy đua với 11 dự án thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông. Mới đây, Ủy hội Sông Mê Kông đã đánh giá môi trường chiến lược tổng thể đối với 11 dự án thủy điện ở hạ lưu. Theo đó, có 7 nhóm tác động tiêu cực lớn: thay đổi dòng và bản chất tự nhiên của dòng sông, ảnh hưởng ngư nghiệp nội địa và an ninh lương thực, đe dọa tới hệ thủy sinh vật, thay đổi hệ thống sinh thái ven bờ, thiệt hại nông nghiệp, giảm lượng phù sa, ảnh hưởng đến văn hóa địa phương. Đây là những tổn thất vĩnh viễn không thể bù đắp, chưa kể đến việc nhiều chủ đầu tư thủy điện không thực hiện đúng các cam kết bảo vệ môi trường cũng như các biện pháp giảm thiểu tác động. Vì vậy, so sánh giữa lợi ích kinh tế thu được từ nguồn năng lượng này trong tương lai với hàng loạt tổn thất, Ủy hội Sông Mê Kông đề nghị các nước liên quan nên lùi quyết định xây dựng đập 10 năm để xem xét, tìm những biện pháp năng lượng hay chọn các giải pháp năng lượng khác.
Từ Mê Kông nhìn về sông Đồng Nai
Theo ông Trịnh Lê Nguyên, cũng như các thủy điện trên sông Mê Kông, các thủy điện trên sông Đồng Nai cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế cần phân tích tác động các thủy điện trong một tổng thể tác động trên dòng chính và lưu vực sông Đồng Nai, không thể chia nhỏ từng dự án để đánh giá.
Đề cập bản công bố tổng kết hội thảo “Các vấn đề môi trường liên quan đến dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức ngày 30-9, bên lề tọa đàm, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, cho rằng đánh giá thủy điện góp phần tích nước mùa lũ, tăng dòng chảy mùa kiệt của Trưởng Ban Phản biện VACNE Nguyễn Đình Hòe là không đúng. Bởi vì chỉ có loại đập thủy điện hồ chứa lớn và điều tiết theo mùa (một số đập ở Trung Quốc chẳng hạn) mới làm được, còn các đập trên sông Đồng Nai không có đập nào làm được như vậy. “Nhiệm vụ của VACNE là bảo vệ môi trường và phản biện các hoạt động gây tổn hại đến môi trường, sao lại đi xin các cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động cho chủ đầu tư?” - TS Tứ nói.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc PanNature, cũng tỏ ra ngạc nhiên: “Hội thảo chỉ diễn ra chóng vánh trong vài giờ mà đề xuất báo cáo gửi Quốc hội, Văn phòng Chính phủ xem xét cấp phép cho dự án là quá vội vàng”.
Ông Trịnh Lê Nguyên cho biết những ý kiến tại tọa đàm sẽ được Tổ chức Con người và Thiên nhiên báo cáo với Ủy ban Lập pháp của Quốc hội vào ngày 4-10. |
Bình luận (0)