Phiên chất vấn được mong đợi
Hơn 9 giờ sáng 14-11, sau phần trả lời của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn. Có thể nói, đây là phiên chất vấn được nhiều người mong đợi.
Mở đầu phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày khái quát các vấn đề kinh tế - xã hội chung, những nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện vào năm tới. Một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận lỗi trước Quốc hội, trước Đảng và trước dân về những khuyến điểm, hạn chế.
Thủ tướng cho biết: “Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã gửi 175 phiếu chất vấn với 247 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Trong đó, có 5 phiếu, 11 câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Thủ tướng Chính phủ đã ủy nhiệm và yêu cầu các thành viên Chính phủ theo chức năng và nhiệm vụ được giao trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn sáng 14-11
Hỏi thẳng Thủ tướng
Trong phần chất vấn tại hội trường, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (tỉnh Ninh Thuận) "phát pháo": Chính phủ có giải pháp cơ bản nào cả trước mắt và lâu dài để doanh nghiệp vượt qua khó khăn? Giải pháp cụ thể đột phá để thực hiện thành công mô hình tăng trưởng kinh tế, đổi mới tái cơ cấu kinh tế? Thủ tướng, Chính phủ đã nhận lỗi về những hạn chế, khuyến điểm. Vậy những biện pháp gì để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm?
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Một cách thẳng thắn, đại biểu Dương Trung Quốc hỏi: “Thủ tướng nghĩ sao trước dư luận cho rằng Thủ tướng đặt nặng trách nhiệm trước Đảng mà xem nhẹ trách nhiệm trước dân? Thủ tướng có nghĩ đến việc khởi đầu cho văn hóa từ chức hay không trước những hạn chế, yếu kém trong điều hành, quản lý mà Thủ tướng đã nhận lỗi trước Đảng, Quốc hội và nhân dân?”
Những vấn đề không mới
Khá thoải mái, Thủ tướng chậm rãi trả lời những câu hỏi của ĐB. Với vấn đề ĐB Đàng Thị Mỹ Hương đặt ra, Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, khó khăn chung của cả nước, Chính phủ luôn theo sát, hết sức lo lắng, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn mà doanh nghiệp phải đương đầu. Chính phủ cũng luôn trăn trở tìm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Chính phủ đã đề ra rất nhiều cơ chế chính sách, đã và đang thực thi các giải pháp để tháo gỡ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương chất vấn Thủ tướng.
Về giải pháp, Chính phủ ưu tiên tập trung chỉ đạo để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng nhấn mạnh: "Kinh tế vĩ mô có rất nhiều nội dung nhưng chúng tôi đặc biệt quan tâm đến kiềm chế lạm phát, không để lạm phát cao trở lại. Nếu lạm phát cao thì lãi suất cao, dẫn đến tỉ giá biến động, giá trị đồng tiền Việt Nam giảm, chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên. Như vậy kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn. Do vậy, đây là giải pháp trọng yếu, kiềm cho được lạm phát. Muốn duy trì tăng trưởng kinh tế thì phải duy trì tăng tổng cầu, tăng dư nợ tín dụng để có cơ sở thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Không duy trì được tăng trưởng sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó từng bước duy trì hợp lý cán cân thanh toán, trên cơ sở đẩy mạnh xuất khẩu để bảo đảm hợp lý cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế. Đây cũng là cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp".
Giải pháp tiếp theo là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, triển khai thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá. Thủ tướng cho biết: Chúng ta vừa qua đã tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn kinh tế trọng tâm, các tập đoàn tài chính, ngân hàng thương mại. Trong đó đã thực hiện 3 khâu đột phá, tạo điều kiện thuận lợi, tốt hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó tập trung đẩy mạnh, đào tạo nguồn nhân lực. Vấn đề trước mắt vừa có ý nghĩa lâu dài, đó là giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, đóng băng của thị trường bất động sản. Cải cách thể chế về thuế, phí, đất đai, các thủ tục về hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, thủ tục lập doanh nghiệp... Đây là những lĩnh vực còn nhiều vướng mắc. Phải tạo ra thể chế minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Navibank thuộc diện phải tái cấu trúc từ nay đến cuối năm. Ảnh: Đức Thanh
Thủ tướng cho rằng "để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, có trọng tâm. Cũng xin thưa Chính phủ hành động không cũng chưa đủ. Chính phủ cũng mong các doanh nghiệp tự đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp, cơ cấu lại phương án sản xuất kinh doanh, quản trị để vượt qua khó khăn bằng chính nội lực của mình. Có như thể, Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp mới vượt qua khó khăn, hướng đến ổn định, duy trì tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong năm 2013 và những năm kế tiếp"...
Người đứng đầu Chính phủ dành khá nhiều thời gian để nhắc lại những nội dung mà các thành viên Chính phủ đã trả lời trước đó, nhất là vấn đề kiềm giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Có lẽ chính vì vậy mà trong khi Thủ tướng trả lời, phía dưới nét mặt các ĐB khá đăm chiêu, tư lự.
"Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng..."
Đặc biệt, đối với vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm, chờ đợi và gởi gấm qua câu hỏi của ĐB Dương Trung Quốc thì câu trả lời của Thủ tướng thiên về tâm tình hơn là trả lời thẳng thắn chất vấn của ĐB: "Hôm khai mạc, tôi đã báo cáo, với trọng trách được giao phó, tôi đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm khi để xảy ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong quản lý, điều hành... Nhất là những yếu kém trong quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chính phủ sẽ nỗ lực làm hết sức mình để khắc phục...".
Sau khi nêu thêm nhiều vấn đề chung quanh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, thanh tra, kiểm tra giám sát; hoàn thiện bộ máy tổ chức của Chính phủ; hoàn thiện phân công, phân cấp, giao quyền cho phù hợp; đề cao trách nhiệm của các cấp; nâng cao đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ, chức trách, nhiệm vụ trước nhân dân; thực hiện tốt nghị quyết Trung ương 4 để làm sao đội ngũ cán bộ công chức hết lòng, hết sức vì nhân dân, cả về đạo đức, phẩm chất và năng lực... Thủ tướng mới chính thức đi vào nội dung "có từ chức không?".
Có vẻ như Thủ tướng đã không kềm được xúc động khi nói đến vấn đề này: "Chỉ còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm tôi đi theo Đảng. Trong 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác. Mặt khác tôi cũng không thoái thác bất cứ trách nhiệm nào mà Đảng, Nhà nước giao phó. Là một đảng viên, tôi cũng nghiêm túc báo cáo về bản thân mình trước Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng. Bộ Chính trị, BCH Trung ương cũng hiểu rõ tôi cả về năng lực, tư cách, tâm tư, nguyện vọng...".
Và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết: "Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội cũng chấp thuận tôi làm Thủ tướng Chính phủ nên tôi cũng sẽ chấp hành, chấp nhận nhiệm vụ giao phó. Trong sự nghiệp của mình, tôi không có chạy, không có xin, không thoái thác, từ chối nhiệm vụ nào Đảng phân công. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc mà Đảng và nhà nước giao phó".
Các dự án thủy điện: Dù hiệu quả tới đâu nhưng không đáp ứng được các yêu cầu thì không làm
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời ý kiến chất vấn của ĐB Thượng tọa Thích Thanh Quyết (tỉnh Quảng Ninh) về giải pháp khắc phục các dự án thủy điện gây bức xức của nhân dân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Có 5 yêu cầu sau đây nếu không đáp ứng được thì dù dự án thủy điện hiệu quả tới đâu cũng không làm!" Theo Thủ tướng, đó là: 1/- Phải đảm bảo an toàn về hồ đập, tính mạng của người dân. 2/- Phải bảo đảm an cư cho người dân tái định cư. 3/- Không tác động xấu đến môi trường. 4/- Phải đảm bảo hiệu quả từ kinh tế đến xã hội và môi trường. 5/- Thực hiện đúng cácqui định của pháp luật.
Liên quan đến 2 dự án thủy điện 6 và 6A, Thủ tướng cho rằng chủ trương của Chính phủ là phải được thẩm định hết sức chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Với tinh thần đó, Bộ Tài nguyên- Môi trường đang lập hội đồng đánh giá thẩm định về môi trường. Sau khi có báo cáo thẩm định, nếu thấy không bảo đảm môi trường, tác động xấu đến môi trường thì sẽ dứt khoát không cho làm hai thủy điện này.
Cũng theo Thủ tướng, phải rà soát lại tất cả các dự án thủy điện hiện có và phải có phương án xử lý hồ đập có an toàn hay không, không an toàn thì không cho làm. Thứ hai là rà soát lại tái định cư, các dự án trồng rừng. Thứ ba là rà soát quy trình vận hành hồ thủy điện.
Về Thủy điện sông Tranh 2, Thủ tướng nói: “Đến hôm nay, các chuyên gia chuyên ngành trong nước, cả 2 công ty tư vấn hàng đầu của Nhật và Thụy Sĩ báo cáo Thủy điện Sông Tranh 2 an toàn. Các cơ quan nghiên cứu trong nước cũng khẳng định an toàn. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, với mục tiêu bảo đảm an toàn cao nhất tính mạng của nhân dân, Chính phủ đã giao cho Hội đồng nghiệm thu Nhà nước lập tổ công tác theo dõi thường xuyên công trình này. Cần thực hiện các giải pháp giám sát, theo dõi chặt chẽ, nhất là theo dõi động đất kích thích mà thời gian qua thường xảy ra. Thủ tướng cũng giao cho Hội đồng nghiệm thu Nhà nước tiếp tục tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của các nhà khoa học về thủy điện Sông Tranh 2.
|
Đến 11 giờ 15, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc phần trả lời chất vấn kéo dài gần 2 giờ của mình với lời hứa: Những câu hỏi của ĐB mà Thủ tướng không kịp trả lời thì sẽ trả lời bằng văn bản và trên website Chính phủ.
Bình luận (0)