Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: THẾ DŨNG
Nghiêm túc nhận trách nhiệm
Thủ tướng nói: “Trong những ngày qua, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng các bộ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tập thể Ban Cán sự Đảng và mỗi đồng chí chúng tôi đã thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc nhất trong thực thi chức trách nhiệm vụ được giao và trong cả quá trình hoạt động cách mạng của mình”.
“Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước QH, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế Nhà nước” - Thủ tướng nói.
Sau khi nhận lỗi trước QH, Thủ tướng cam kết: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc, nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì Đảng, vì chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”.
Lạm phát được kiềm chế
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận còn 5 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn lớn, hạn chế, yếu kém còn nhiều. Các nhiệm vụ trung hạn nhằm tạo lập nền tảng cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững mới ở giai đoạn khởi động, thách thức còn ở phía trước. Do đó, nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm là rất nặng nề. Để đạt được mục tiêu tăng GDP cả năm 5,2% thì quý IV phải đạt mức tăng 6,5%.
Người đứng đầu Chính phủ đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2013, trong đó những nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh... Chính phủ phấn đấu GDP năm tới tăng khoảng 5,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 8%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
Hôm nay (23-10), QH thảo luận tại hội trường 2 dự án luật: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Quyết định nhiều vấn đề quan trọng
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII tại Hà Nội sáng 22-10, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn. QH sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng: Xem xét các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2012; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013; cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở đó xem xét, quyết định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp; thông qua nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn... |
Cần có chương trình hành động
ĐB TRẦN DU LỊCH, ỦY VIÊN ỦY BAN KINH TẾ CỦA QH:
Nhận trách nhiệm phải gắn với xử lý Việc Thủ tướng nhận trách nhiệm là rất đáng hoan nghênh. Cũng giống như Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương vừa rồi, Bộ Chính trị đã nhận khuyết điểm và bây giờ là cá nhân Thủ tướng nhận khuyết điểm. Đây là sự thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng về nhận trách nhiệm và đề ra biện pháp xử lý hậu quả. ĐB LÊ NHƯ TIẾN, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CỦA QH: Phải chỉ rõ trách nhiệm lãnh đạo bộ, ngành Việc Thủ tướng nhận lỗi, nhận trách nhiệm cá nhân là hết sức mạnh dạn, sẽ có nhiều đại biểu QH đánh giá cao và ghi nhận hành động này. Tôi rất hoan nghênh tinh thần mạnh dạn, cầu thị của Thủ tướng. Có điều, theo tôi, vấn đề quan trọng là sau Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương lần này, Thủ tướng phải đề ra chương trình hành động và có hệ thống các giải pháp đi kèm. Đặc biệt là phải có hướng đi cụ thể hơn trong tái cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, phải chỉ rõ trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. ĐB NGUYỄN THỊ KHÁ, ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QH: Mới chỉ là bước đầu Trong báo cáo về kinh tế - xã hội, Thủ tướng có nhận những khuyết điểm về chỉ đạo điều hành, tôi nghĩ đây là sự thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo, người điều hành Chính phủ. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với tôi là những hành động sắp tới như thế nào để chứng minh lời hứa, lời nhận lỗi đó có giá trị chứ không phải hứa là xong. Bây giờ không những QH mà nhân dân và cử tri cả nước trên cơ sở lời hứa đó, sẽ theo dõi sát những động thái, chỉ đạo của Thủ tướng, những chuyển biến và đặc biệt là những biện pháp khắc phục yếu kém trong khâu điều hành. Đây mới là điều quan trọng chứ nhận lỗi chỉ là bước đầu. ĐB NGUYỄN ĐỨC KIÊN, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ CỦA QH: Một mình Thủ tướng không làm hết được Vấn đề là một mình Thủ tướng không thể làm được mà toàn bộ hệ thống phải vào cuộc. Đại biểu QH với tư cách là đại diện hợp pháp của người dân, mong muốn của người dân thì ngay trong kỳ họp thứ 4 này phải nói lên tâm tư, nguyện vọng của người dân và nói lên biện pháp để thực hiện điều ấy, cùng với Thủ tướng làm. Một mình Thủ tướng không thể làm được.
Bảo Trân ghi |
Bình luận (0)