* Sau khi nghe Chính phủ báo cáo về biển Đông, Quốc hội (QH) đánh giá và có yêu cầu gì với Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo?
- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Chúng ta mong muốn và không làm ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và thế giới nhưng kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của chúng ta.
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là nguyện vọng và trách nhiệm của cả dân tộc ta, đồng thời cũng phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế. Chúng ta thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tham gia thảo luận, hình thành Bộ Quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC).
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp báo chiều 6-8. Ảnh: MẠNH DUY
Việt Nam và Trung Quốc đều cần hòa bình, hữu nghị và hợp tác để phát triển. Hai nước đã xử lý xong vấn đề biên giới trên bộ, trên vịnh Bắc Bộ nhưng hiện còn có khác biệt trong vấn đề biển Đông.
Hai nước sẽ tiếp tục thảo luận theo các nguyên tắc chung của khu vực và quốc tế. Làm thế, chúng ta vừa bảo vệ được chủ quyền vừa giữ được hòa bình, hợp tác hữu nghị.
Chúng ta muốn hòa bình, ổn định, hợp tác và không muốn chiến tranh nhưng chúng ta cũng biết chiến tranh vì từng trải qua chiến tranh.
* QH khóa XIII sẽ có những giải pháp nào để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát?
- Phải tổ chức tốt để phát huy tốt nhất sức mạnh giám sát của QH. Giám sát thì cả QH nhưng cũng cần đưa việc này về các ủy ban của QH.
Ví dụ, cứ mỗi tháng một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu mời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sang báo cáo, trao đổi trực tiếp, chứ chưa cần tới giám sát. Những việc làm như vậy cần trở thành thường xuyên tại các ủy ban, chứ không phải đợi tới các kỳ họp của QH mới báo cáo, giám sát.
Về cách thức giám sát cũng phải thay đổi. Nếu cứ chờ đến hai kỳ họp trong năm của QH mới giám sát thì chậm. Mỗi tháng, Thường vụ QH họp một lần thì tổ chức giám sát một vài việc tại kỳ họp này.
Trong các phiên giám sát này, không chỉ Ủy ban Thường vụ QH mà các đại biểu (ĐB) quan tâm đều có thể đến dự. Tôi xin mời các ĐB chuyên trách, chuyên nghiệp, chuyên sâu đến để cùng nhau giám sát, thảo luận. Đồng thời mở rộng nội dung giám sát đến từng đoàn ĐBQH.
Mỗi ĐB trong số 500 ĐBQH là một chủ thể giám sát của QH, có quyền giám sát từ Trung ương đến địa phương. Các ĐBQH theo sở trường, năng lực của mình có thể đến làm việc ở các ủy ban của QH, chứ không chỉ ở ủy ban mà mình là thành viên.
* Ông vừa chuyển từ Phó Thủ tướng Thường trực sang Chủ tịch QH. Sự đổi vai này mang lại cho ông những thuận lợi, khó khăn nào? Ông có e ngại bị nhầm vai không?
- Tôi không nhầm vai. Đang làm trong Chính phủ mà sang QH cũng có thuận lợi. Một ĐBQH gắn với cuộc sống, khi sang QH sẽ thuận lợi hơn. Trường hợp của tôi cũng như vậy. Chỉ có cái khó là khi làm thủ trưởng thì khác nhưng tôi sẽ tập dần và sẽ không ngồi nhầm vai.
Nếu sang QH mà tôi vẫn làm việc theo chế độ thủ trưởng như cũ thì sẽ bị nhầm vai. Trước đây, tôi từng làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tức là làm thủ trưởng. Sau đó tôi làm Phó Thủ tướng, là người giúp việc.
Hai vị trí công việc này cũng khác nhau lắm và xin nói là tôi vẫn ngồi đúng vai. Chuyển từ Chính phủ sang QH tức là chuyển từ chế độ thủ trưởng sang chế độ hội nghị. Chế độ hội nghị là thảo luận dân chủ và quyết theo đa số. Đó cũng là cái khó, tôi sẽ tập để làm tốt hơn.
Điều hành QH suốt 14 ngày vừa qua, tôi thấy mình đã làm tốt việc này. Các việc Chủ tịch QH đưa ra đều được QH thông qua, điều đó có nghĩa là tôi cũng đã làm tốt vai trò của mình.
Bình luận (0)