Ông Nguyễn Sinh Hùng (phải) đắc cử Chủ tịch Quốc hội khóa XIII
Đúng 14 giờ 45 phút ngày 23-7, Quốc hội (QH) đã bỏ phiếu bầu các chức danh chủ chốt của QH khóa XIII. Sau gần 2 giờ kiểm phiếu, Ban Kiểm phiếu đã công bố kết quả bầu các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên Ủy ban Thường vụ (TV) QH.
Luôn lắng nghe nhân dân
Với 457 phiếu đồng ý (chiếm 91,4% tổng số phiếu hợp lệ), ông Nguyễn Sinh Hùng đã đắc cử Chủ tịch QH khóa XIII. Sau khi có công bố kết quả kiểm phiếu, Chủ tịch QH khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố kết thúc nhiệm kỳ của Ủy ban TVQH khóa XII.
Ngay sau khi nhận hoa chúc mừng từ Chủ tịch QH khóa XII Nguyễn Phú Trọng, tân Chủ tịch QH khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Ủy ban TVQH khóa XIII phát biểu nhậm chức ngắn gọn nhưng thể hiện sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao.
Gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các vị đại biểu (ĐB) QH và cử tri, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đây là vinh dự to lớn nhưng cũng là trách nhiệm cao cả, nặng nề mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. “Ủy ban TVQH khóa XIII và cá nhân tôi sẽ kế thừa thành quả, kinh nghiệm của các khóa trước.
Luôn nỗ lực phấn đấu, cùng các ĐBQH đoàn kết, phát huy trí tuệ và nâng cao trách nhiệm trước nhân dân để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao... Luôn gắn bó với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực sự là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (giữa) và các phó chủ tịch (từ trái sang): Huỳnh Ngọc Sơn,
Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu. Ảnh: MẠNH DUY
Chia sẻ với người kế nhiệm, các phó chủ tịch và các ủy viên Ủy ban TVQH, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm ấm thêm không khí nghị trường với những bày tỏ hết sức chân thành: “Đây là một đội hình đẹp và chắc chắn sẽ tạo ra những bước đổi mới, đột phá hơn nữa trong nhiệm kỳ QH khóa XIII”. Nhắc lại 2 câu thơ đã đọc trong ngày trúng cử chủ tịch QH khóa XII (Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/Khuôn xanh biết có vuông tròn hay không – PV), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Khi đó, có đồng chí cho rằng sao khiêm nhường vậy nhưng đó là tình cảm thật của tôi”. Chúc mừng các ủy viên Ủy ban TVQH khóa XIII do Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đứng đầu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng gửi 2 câu thơ: “Chén vui nhớ bữa hôm nay/Chén mừng xin đợi ngày rày năm năm sau”.
Cùng với chức danh chủ tịch, 4 phó chủ tịch QH đắc cử là bà Tòng Thị Phóng, ông Uông Chu Lưu, ông Huỳnh Ngọc Sơn và bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Các phó chủ tịch QH sẽ phụ trách các lĩnh vực: pháp luật - tư pháp, an ninh - quốc phòng, kinh tế - tài chính và văn hóa - xã hội. QH khóa XIII là khóa đầu tiên trong lịch sử QH Việt Nam có 2 phó chủ tịch là nữ.
Thêm nhiều đề cử
Trước khi tiến hành bỏ phiếu, Chủ tịch QH khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã trình bày ý kiến thảo luận tại các đoàn đề nghị một số ứng viên Ủy ban TVQH được giới thiệu vào các chức danh khác nhau. Cụ thể, với chức danh Trưởng Ban Dân nguyện, các đoàn đã giới thiệu thêm bà Trương Thị Mai (Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội), ông Nguyễn Đức Hiền (Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH), ông Nguyễn Văn Pha (Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), ông Hà Công Long (Phó Ban Dân nguyện).
Tuy nhiên, các ứng viên trên đều xin rút. Đáng chú ý, bà Tòng Thị Phóng được giới thiệu vào vị trí chủ tịch QH nhưng cũng xin rút. Ông Phùng Quốc Hiển cũng được giới thiệu chức danh phó chủ tịch QH và bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng được đề xuất vẫn công tác bên Chính phủ nhưng cả hai đều xin rút.
Tuy nhiên, so với danh sách 13 đề cử vị trí ủy viên Ủy ban TVQH đảm nhiệm các chức vụ chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban và trưởng một số ban của QH, danh sách bầu ngày 23-7 đã có thay đổi.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH khóa XII, đã được QH nhất trí bổ sung vào danh sách đề cử làm ủy viên Ủy ban TVQH, Trưởng Ban Dân nguyện (52,4% số phiếu tán thành). Trước đó, dự kiến vị trí này là ông Bùi Văn Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. Như vậy, đã có thêm số dư trong danh sách giới thiệu lãnh đạo các cơ quan QH.
Kết quả bầu, ông Bùi Văn Cường có 236 phiếu đồng ý, chiếm 47,2%; ông Nguyễn Văn Phúc có 217 phiếu đồng ý, chiếm 43,4%. Như vậy, cả 2 ứng viên không vượt quá 50% số phiếu bầu nên đã không đắc cử. Sau kết quả này, QH đã thống nhất ủy viên Ủy ban TVQH khóa XIII chỉ là 17 người, giảm một người so với khóa XII.
Ngoài 5 ủy viên là chủ tịch và các phó chủ tịch, 12 ủy viên Ủy ban TVQH còn lại gồm các ông, bà (xếp theo số phiếu từ cao xuống thấp): Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban Công tác ĐB (91,8%); Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (91,6%); Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (91,6%); Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách (91,4%); Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (91%); Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (90,8%); Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại (90,4%); Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH (89,4%); Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (88%); Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (86,8%); Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (85,6%); Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (80,2%).
Đề cử ông Trương Tấn Sang làm Chủ tịch nước
Chiều 23-7, ngay sau phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Ủy ban TVQH khóa XIII đọc tờ trình đề cử ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, ĐBQH khóa XIII, giữ chức Chủ tịch nước.
Theo chương trình kỳ họp, sáng 25-7, các đoàn ĐBQH họp để trao đổi về dự kiến nhân sự bầu chủ tịch nước. Tiếp đó, Ủy ban TVQH họp nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các đoàn ĐBQH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Chiều cùng ngày, sau khi nghe Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban TVQH báo cáo kết quả thảo luận tại các đoàn ĐBQH về dự kiến nhân sự bầu chủ tịch nước, QH sẽ thảo luận và thông qua danh sách để QH bầu chủ tịch nước. Kết quả bầu chủ tịch nước sẽ được công bố ngay trong chiều 25-7.
Sau khi phát biểu nhậm chức, chủ tịch nước sẽ trình bày tờ trình giới thiệu danh sách đề cử để QH bầu phó chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao.
P.Dương |
Tiểu sử Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng
Ông Nguyễn Sinh Hùng, sinh năm 1946, quê quán xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), là tiến sĩ kinh tế, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X và XI, Ủy viên Bộ Chính trị khóa X và XI.
Trước khi đảm nhiệm chức Phó Thủ tướng Thường trực (từ năm 2006 đến nay), ông Nguyễn Sinh Hùng từng là Cục trưởng Kho bạc Nhà nước, Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ông được nhận Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2002) và Huân chương Itsara hạng nhất của Lào (năm 2007).
T. Dũng |
Tiểu sử 4 Phó Chủ tịch Quốc hội
* Bà Tòng Thị Phóng, sinh năm 1954, quê xã Chiềng An, thị xã Sơn La (Sơn La), người dân tộc Thái, trình độ đại học, là đại biểu QH các khóa X,XI,XII, XIII, Ủy viên trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI.
Bà Phóng từng đảm nhiệm chức Trưởng ban Dân vận trung ương, Bí thư trung ương Đảng khóa X, Phó chủ tịch QH khóa XII. Tại đại hội Đảng lần thứ XI, bà Tòng Thị Phóng là thành viên nữ duy nhất trong số 14 ủy viên Bộ Chính trị.
* Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh năm 1954 tuổi, quê xã Châu Hòa (Giồng Trôm, Bến Tre), là thạc sĩ kinh tế, cử nhân Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, X và XI, Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, Đại biểu QH khóa XII, XIII.
Trước khi trở thành Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội (2007-2011), bà Nguyễn Thị Kim Ngân từng đảm nhận chức Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Bí thư tỉnh Hải Dương.
* Ông Uông Chu Lưu, sinh năm 1955, quê xã Xuân Trường (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), là tiến sĩ luật học, Ủy viên trung ương Đảng khóa khóa IX, X và XI, Đại biểu QH khóa IX, XII.
Trước khi trở thành Phó chủ tịch QH khóa XII, ông Uông Chu Lưu là Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
* Ông Huỳnh Ngọc Sơn, (sinh năm 1951), quê ở phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), trình độ đại học, là Ủy viên trung ương Đảng khóa X, XI, Đại biểu QH các khóa XI, XII. XIII.
Trước khi trở thành Phó chủ tịch Quốc hội khóa XII, trung tướng Huỳnh Ngọc Sơn là Tư lệnh quân khu 5.
T.Dũng
|
Bình luận (0)