Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương - Ảnh: Trí Dũng
Sáng nay 11-2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương.
Tại đây, Tổng Bí thư đã có lời chúc toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức của Ban và các đồng chí đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương đến dự buổi làm việc luôn dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và nhiều thành công.
Tổng Bí thư đánh giá qua 4 năm qua kể từ ngày tái lập, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh "vừa chạy, vừa xếp hàng", vừa làm, vừa xây dựng lực lượng, đã nỗ lực phấn đấu, làm được nhiều việc, cơ bản hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Trương ương Đảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Hoạt động của Ban ngày càng toàn diện hơn, nhuần nhuyễn hơn và có thêm kinh nghiệm. Nổi bật là đã nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu với Đảng (bao gồm cả việc tham gia xây dựng các đề án, báo cáo và góp ý, thẩm định các đề án, báo cáo) về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực này.
Trong năm 2016, Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng Đề án về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Đề án về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Báo cáo về việc dừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Đề án cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại yếu kém… Ban cũng đã hoàn thành tốt Báo cáo thẩm định Đề án về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công khi Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Các đề xuất, kiến nghị của Ban đều được Bộ Chính trị đánh giá là công phu, có trách nhiệm, sâu sắc và sát hợp với tình hình thực tế.
Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao chủ trì triển khai chuẩn bị 3 đề án lớn trình Hội nghị Trung ương 5 khoá XII, dự kiến họp vào tháng 5 tới và 4 đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị trong năm 2017. Đó là những đề án rất lớn, quan trọng và cũng rất khó.
Đồng thời, tập trung xây dựng các đề án: "Định hướng chính sách công nghiệp quốc gia giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến 2035"; "Tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai"; "Phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới",… đến nay đã thu được những kết quả tích cực, bước đầu.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn Ban Kinh tế Trung ương về những kết quả, thành tích đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là năm 2016.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tập trung tìm biện pháp sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém như đã nêu trong Báo cáo của Ban, nhất là hạn chế, yếu kém về chất lượng hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tổng Bí thư nhấn mạnh một số vấn đề mà Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung đó là chú trọng thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế…
Trong quá trình chủ trì nghiên cứu, xây dựng các báo cáo, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là trình Hội nghị Trung ương 5 sắp tới, Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung làm rõ những vấn đề quan trọng như Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối phát triển kinh tế nhanh, bền vững và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp, chương trình, kế hoạch để thực hiện.
"Song thực tế đến nay kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển nhanh và bền vững chưa? Nhanh và bền vững ở mức nào? Nếu chưa nhanh, chưa bền vững thì nguyên nhân do đâu? Từ đó đề xuất các chính sách, biện pháp tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện để thực hiện bằng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Phải chăng nguyên nhân bao trùm là do việc huy động, đặc biệt là phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường?"- Tổng Bí thư gợi mở.
Tổng Bí thư cũng nêu đề bài vì sao việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
"Vì sao nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn với những công trình hàng nghìn tỉ đồng "bị đắp chiếu"? Từ đó Ban Kinh tế Trung ương cần đề xuất đồng bộ các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, có tính đột phá"- Tổng Bí thư yêu cầu.
Đặc biệt, Tổng Bí thư đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần có đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân; từ đó đề xuất những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp để tiếp tục định hướng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển một cách đúng đắn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương xã hội hoá dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hoá, xã hội, quán triệt đầy đủ, đúng đắn Nghị quyết Đại hội XII, nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị và Trung ương các chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công.
Đồng thời, phải chủ động hơn nữa trong việc cập nhật, phân tích, dự báo diễn biến tình hình quốc tế, khu vực để đề xuất, tham mưu kịp thời những quyết sách, giải pháp chính xác, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển.
Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương cần chú ý sớm phát hiện những vướng mắc, sai phạm trong việc cụ thể hoá, thể chế hoá, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng để kịp thời trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, tìm biện pháp điều chỉnh, tháo gỡ hoặc xử lý, chứ không phải chờ 3 năm, 5 năm mới sơ kết, 10 năm mới tổng kết và có báo cáo.
Tổng Bí thư dẫn ví dụ như trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xã hội hoá các dịch vụ công, khi phát hiện một số cảng biển, sân bay được công bố sẽ bán cho nước ngoài hoặc một số trường học, bệnh viện công lập được cổ phần hoá thì phải kịp thời nắm bắt, phân tích, đề xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kịp thời có điều chỉnh cần thiết.
"Tôi có cảm giác là vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương chưa chú trọng đúng mức việc này, lơi lỏng nhiệm vụ này"- Tổng Bí thư nhìn nhận và đề nghị trong thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương phải chú trọng nhiều hơn nữa việc hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống một cách đúng đắn, có hiệu quả. Kịp thời phát hiện những thành tích, ưu điểm để tổng kết, phát huy; những vướng mắc để tháo gỡ, những khuyết điểm, sai phạm để uốn nắn, xử lý.
"Vừa qua, một loạt những doanh nghiệp, những cơ quan, đơn vị có vi phạm, làm ăn thua lỗ, nhiều dự án, công trình "đắp chiếu", nhưng hầu như không thấy Ban Kinh tế Trung ương có ý kiến gì. Đây là do không phát hiện được hay phát hiện được mà không có dũng khí báo cáo, đề xuất xử lý?"- Tổng Bí thư đặt vấn đề.
Từ đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cũng cần phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương để phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong quá trình thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra của mình, Ban phải nhanh nhạy, sắc bén và kiên quyết hơn trong việc này, kịp thời báo cáo Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và đề xuất các giải pháp thanh tra, điều tra, ngăn ngừa và khắc phục, bảo đảm an ninh kinh tế.
Bình luận (0)