Tại phiên họp ngày 22-12 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, báo cáo tờ trình về việc ban hành nghị quyết quy định chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết bảng lương Tổng KTNN hiện nay có 2 bậc: bậc 1 (9,7), bậc 2 (10,3).
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nêu đề xuất về việc tăng lương. Ảnh: kiemtoannn.gov.vn
Theo ông Phớc, bậc lương của Tổng KTNN hiện vẫn chưa được sửa đổi để tương xứng với nhiệm vụ và trách nhiệm được giao. Tổng KTNN chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ đối với kết luận, kiến nghị của ngành về sai phạm của đơn vị được kiểm toán và thực hiện nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Vì vậy, cần quy định bậc lương tương xứng với vị thế, trách nhiệm của Tổng KTNN. Cụ thể, đề nghị quy định bảng lương mới cho Tổng KTNN có 2 bậc: bậc 1 (9,8) và bậc 2 (10,4).
Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đa số ý kiến cho rằng Tổng KTNN là người đứng đầu KTNN do Quốc hội bầu. Chức danh này chưa được quy định trong bảng lương chức vụ cán bộ lãnh đạo của nhà nước ban hành theo nghị quyết của UBTV Quốc hội. Với địa vị pháp lý mới của KTNN, Tổng KTNN là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về chất lượng, nội dung chuyên môn, nghiệp vụ đối với toàn bộ nhiệm vụ được pháp luật quy định. Do đó, đa số ý kiến đồng tình với quy định mức lương của Tổng KTNN có 2 bậc, mỗi bậc tăng 0,1 như đề nghị của Tổng KTNN.
Theo ông Hải, KTNN đã lấy ý kiến của Bộ Nội vụ. Bộ này cho rằng mức lương chức vụ của Tổng KTNN nên đưa vào đề án tiền lương trình trung ương xem xét, thông qua (dự kiến vào tháng 5-2018). Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận thấy việc xác định mức lương của Tổng KTNN thuộc thẩm quyền của UBTV Quốc hội nên để UBTV Quốc hội xem xét và quyết định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu đưa đề nghị này vào đề án cải cách tiền lương trình trung ương xem xét. Trước mắt, nếu UBTV Quốc hội quyết định tạm thời cho thực hiện thì Bộ Nội vụ sẽ chấp hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết UBTV Quốc hội ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, dù có thẩm quyền ban hành nhưng UBTV Quốc hội đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương nghiên cứu để khi xây dựng chính sách mới thì xem xét những đặc thù của các ngành, thiết chế, sau đó UBTV Quốc hội quyết định.
Không có nhu cầu sử dụng vốn vẫn được phân bổ
Sáng cùng ngày, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết tổng số kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 50.000 tỉ đồng. Đến tháng 11, các bộ, ngành, địa phương mới giải ngân đạt 74,9% kế hoạch. Nhiều nơi không có khả năng giải ngân. Chính phủ dự kiến cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 hơn 5.800 tỉ đồng, đồng thời đề nghị bổ sung hơn 7.154 tỉ đồng cho các nhiệm vụ và các dự án.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không chỉ năm 2016, tình trạng này trong những năm qua cũng chưa được khắc phục. Việc giải ngân vốn, phân bổ quản lý sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập, chưa sát tình hình. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ nguyên nhân, có giải pháp chấn chỉnh và năm 2017 cần hạn chế, khắc phục.
Cũng trong sáng 22-12, phiên họp thứ 5 của UBTV Quốc hội khóa XIV đã bế mạc. Các đại biểu tham dự phiên bế mạc đã quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt tại miền Trung, mỗi người ít nhất 1 ngày lương.
Bình luận (0)