Ngày 14-3, Công an TP HCM đã tổ chức hội nghị quán triệt các nội dung trọng tâm cấp bách đối với trưởng công an quận, huyện, phường, xã, thị trấn năm 2016.
Tập trung vào tội phạm cướp giật, trộm cắp
Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, lực lượng cảnh sát khu vực, công an phường, xã, thị trấn có vai trò quan trọng vì trực tiếp gần dân, nắm tình hình cơ sở và giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự. Đây cũng là lực lượng nòng cốt tham mưu cho chính quyền địa phương các kế hoạch, giải pháp bảo đảm an ninh trật tự.
Trong thời gian qua, theo Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, tình hình tội phạm vẫn còn phức tạp, các loại tội phạm xâm phạm tài sản như cướp giật, trộm cắp trên đường phố và khu vực công cộng gây bức xúc cho người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, Công an TP đã huy động cảnh sát cơ động, CSGT cùng đặc nhiệm hình sự phối hợp với lực lượng địa phương ra quân tuần tra, chốt chặn, phòng chống các loại tội phạm. Các lực lượng sẽ tăng cường phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm như cướp giật, trộm cắp..., nhất là loại tội phạm lưu động và hoạt động ở khu vực trung tâm. Trong đợt tấn công trấn áp này, Công an TP có kế hoạch cử lực lượng chuyên môn kiểm soát ở những tuyến đường đông du khách.
Trong thời gian tới, công an quận, huyện sẽ thường xuyên kiểm tra hộ khẩu; thông tin kịp thời, nhất là tình hình hoạt động của các đối tượng bảo kê, cưỡng đoạt tài sản; tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản công dân. Trước mắt, ngành công an xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hành chính, tập trung vào các địa bàn, tụ điểm phức tạp về cư trú, các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội.
Cần giải pháp mạnh
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, tỏ ra bức xúc khi nhiều vụ án cướp giật, cướp tài sản lúc chuyển hồ sơ sang tòa xử thì không thể tịch thu phương tiện gây án như xe máy. Nguyên nhân do tòa cho rằng cha mẹ các bị cáo không biết con mình sử dụng phương tiện của gia đình đi cướp giật. Tuy nhiên, trong nhiều vụ rõ ràng cha mẹ biết con mình dùng xe đi cướp nhưng vẫn làm ngơ.
Ông Phan Anh Minh còn cho biết mỗi thiết bị điện tử đắt tiền như điện thoại, iPad hoặc thiết bị có thể kết nối mạng... đều có số IMEI (International Mobile Equipment Identity- là số nhận dạng thiết bị di động quốc tế, dùng để phân biệt từng máy ĐTDĐ) riêng. Ông đang đề xuất Phòng Truy nã sẽ gửi những số IMEI bị cướp giật, trộm cắp sang Sở Thông tin và Truyền thông kiểm soát. Nếu các nhà mạng cạnh tranh không lành mạnh, để khách hàng này sử dụng thiết bị của khách hàng kia và kích hoạt sim số thì sẽ công bố danh sách.
“Nếu làm được điều này thì tội phạm sẽ giảm rõ rệt. Các đối tượng cướp giật khi chiếm đoạt được điện thoại đắt tiền mà không sử dụng được thì cũng giống như cướp được cục gạch, cùng lắm thì bán được cục pin của điện thoại chẳng đáng là bao” - ông Minh khẳng định.
Theo một kiểm sát viên VKSND TP HCM, cần có những biện pháp kịp thời để chấn chỉnh tình trạng cướp giật, chẳng hạn như hệ thống camera đường phố. Thực tế, ở nhiều quận huyện, tình hình cướp giật đã giảm vì nhiều đối tượng cũng sợ “mắt thần”. Chưa kể, qua camera sẽ nhanh chóng xác định đối tượng cướp giật, có thể phối hợp bắt nóng hoặc truy xét bắt nguội.
Luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TP HCM - nhận xét các can phạm trộm cắp, cướp giật liên quan đến ma túy đang chiếm tỉ lệ lớn, chứng tỏ mối liên hệ mật thiết giữa tình hình tội phạm cướp giật với người nghiện ma túy. Các cơ quan tư pháp xét xử một số vụ án cướp giật vẫn còn nương nhẹ, trong khi quy định pháp luật rất nghiêm, vì thế tính giáo dục và răn đe còn hạn chế. Các bản án tòa chưa đủ sức mạnh để các đối tượng khác phải sợ trước khi hành động. Nên chăng, cần tăng tính nghiêm khắc đối với các loại tội danh này; đồng thời cần có quy định về loại tội danh không được giảm án, trong đó có cướp giật.
Yêu cầu xin lỗi nữ du khách bị cướp giật
Sáng 14-3, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan chức năng tìm nữ du khách để xin lỗi về việc cô bị cướp giỏ xách trên đường Lương Hữu Khánh (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) lúc 15 giờ 30 phút ngày 11-3. L.Thoa
Xấu mặt du lịch
Hình ảnh nữ du khách nước ngoài khóc nức nở khi bị cướp giỏ xách ở ngay trung tâm TP HCM rất phản cảm trong mắt khách du lịch và cả người dân TP. Theo đại diện một doanh nghiệp (DN) lữ hành chuyên đưa đón khách quốc tế đến Việt Nam, tình trạng du khách đến TP HCM bị giật điện thoại, móc túi, cướp giỏ xách… không phải chuyện lạ!
Nhiều DN lữ hành cho biết khi đưa du khách nước ngoài đến Việt Nam, họ đều đưa ra cảnh báo khi đi ngoài đường, vật dụng cá nhân quý giá, điện thoại, máy ảnh phải giữ cẩn thận. Ông Phan Xuân Anh, cố vấn Công ty Du lịch Tân Hồng, kể vài ngày trước, đoàn khách tàu biển của công ty cập cảng Vũng Tàu. Các thủy thủ trên tàu được dặn không đón taxi “dù” bên ngoài để tránh bị cướp giật. Vậy mà một thủy thủ người Ấn Độ sau đó cũng bị tài xế taxi “dù” cướp hết tiền bạc rồi bỏ lại giữa đường.
Ở các nước, tình trạng cướp giật đối với du khách nước ngoài cũng xảy ra nhưng không đến mức nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng tính mạng như ở Việt Nam. Những vụ việc báo chí phản ánh hoặc công an thống kê chỉ trong chừng mực. Thực tế, tình trạng này xảy ra phổ biến đang làm cho hình ảnh du lịch của Việt Nam “xấu xí”.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm ở TP mới đây, đại diện Sở Du lịch TP cho hay đã nhận được hàng trăm văn bản của Tổng Lãnh sự quán Nhật, Úc, Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP thông báo về việc công dân các quốc gia, vùng lãnh thổ này bị cướp giật, trộm cắp khi đến Việt Nam du lịch, học tập và làm việc.
Ngày 14-3, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, khẳng định mỗi lần nhận được văn bản phản ánh về nạn trộm cắp, cướp giật xảy ra đối với du khách nước ngoài, sở đều chuyển cho công an. Nhưng số vụ việc được thông tin, báo cáo chỉ là “bề nổi” bởi rất nhiều du khách chỉ đến công an địa phương xin giấy cớ mất để làm lại giấy tờ mà không muốn thông báo chi tiết việc mình bị cướp, móc túi…
Một số DN từng kể khi du khách của họ bị cướp phải đến công an phường trình báo, đại diện DN đi theo nhưng phía công an yêu cầu “giữ cả đại diện DN lại để lấy lời khai” khiến họ sợ. Chưa kể, du khách từ rất nhiều nước đến du lịch nên yếu tố ngôn ngữ cũng là một rào cản.
“Nếu không có giải pháp quyết liệt ngăn chặn nạn trộm cướp, những hình ảnh du khách bị cướp sẽ lan truyền, còn ai dám tới Việt Nam du lịch nữa?” - ông Khánh lo ngại.
Theo ông Lã Quốc Khánh, ngành du lịch của TP HCM nói riêng và cả nước đang phải cạnh tranh gay gắt với các điểm đến khác trong khu vực, sức hấp dẫn không hơn mà môi trường an toàn cho du khách lại kém đi. Do đó, cả lực lượng công an, hải quan cửa khẩu phải vào cuộc, hỗ trợ thì sản phẩm du lịch của TP mới thu hút được du khách.
Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho hay du khách nước ngoài đến Việt Nam giờ rất sợ an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn khi ra đường. Chưa bao giờ môi trường mỹ quan của ngành du lịch xuống dốc như hiện nay nhưng dường như cơ quan quản lý đang bỏ lửng trách nhiệm. “Nếu so với các ngành khác, chúng ta đang đầu tư cho du lịch quá ít. Hiện giờ, Việt Nam đang trở thành điểm đến kém hấp dẫn của khu vực. Du khách nào tới cũng được chúng tôi cảnh báo cẩn trọng nhưng không thể nói quá chi tiết về nạn cướp giật vì thấy xấu hổ quá!” - ông Long bức xúc.
Thái Phương
Bình luận (0)