Ngày 27-11, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM do Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng dẫn đầu đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, 4.
Lo lắng ngân sách bị cắt giảm
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Tống Sơn Hải đặt vấn đề TP HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, lẽ ra phải tạo cơ chế linh hoạt cho TP bứt phá đi lên nhưng lại bị cắt giảm ngân sách là chưa hợp lý. Cử tri Hải cho rằng khi TP HCM giàu lên thì kéo theo đất nước giàu lên.
Về vấn đề này, bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cho biết theo quy định, tỉ lệ ngân sách được điều tiết sẽ giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2003 là 33%, giai đoạn 2011-2016 là 23%, từ năm 2017 đến 2020 là 18%. Trước việc cắt giảm ngân sách, TP HCM đã đặt ra các giải pháp như: bảo đảm số thu và chỉ tiêu thu được giao, đồng thời bảo đảm chi… Phần ngân sách chi đầu tư không đủ đáp ứng cho 7 chương trình đột phá như đã đề ra. Vì vậy, TP đã đưa ra nhiều giải pháp như: tăng cường thu nợ đọng, phát triển kinh tế, tăng cường các hình thức hợp tác đầu tư…
TP HCM đã cho quảng cáo trên xe buýt; còn việc mua sắm xe công, dịch vụ công sẽ tập trung thuê nếu có lợi hơn. Về đầu tư, sẽ tập trung vào những công trình trọng điểm, có tính đột phá, TP đã làm việc với các quận - huyện, sở - ngành để sắp xếp thứ tự ưu tiên.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định tất cả chương trình an sinh xã hội của TP HCM sẽ được duy trì, 7 chương trình đột phá vẫn thực hiện, các chỉ tiêu đề ra sẽ không thay đổi. TP HCM sẽ quyết tâm bằng các giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, tăng nguồn thu, đầu tư các dự án hạ tầng, kêu gọi tư nhân đầu tư, huy động nguồn vốn trong dân...
Tham nhũng, lãng phí còn nhiều
Vấn đề tham nhũng cũng được cử tri gắt gao đặt ra. Cử tri Nguyễn Phan Như Hậu quan tâm đến vụ việc các ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng đã trốn ra nước ngoài. Còn cử tri Lê Minh Sớ đề nghị Quốc hội phải giám sát chặt chẽ hơn các cơ quan chức năng để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết Đảng, nhà nước luôn xác định đấu tranh phòng chống tham nhũng là công việc quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, sự tồn vong của chế độ nhưng cũng cực kỳ khó khăn và phức tạp. Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài danh vọng, đến những người có chức có quyền nên Đảng và nhà nước rất quyết tâm đấu tranh phòng chống.
“Chúng ta đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng, lãng phí; đã thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm để phòng chống tham nhũng và phải làm lâu dài, quyết liệt hơn, quyết tâm cao hơn, hết sức bền bỉ, kiên trì” - Bí thư Đinh La Thăng nhìn nhận.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo xử lý dứt điểm một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, các vụ án điểm. Từ nay đến hết quý I/2017, phải xử lý xong 8 vụ án tham nhũng. Đối với vụ Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo; những tập thể, cá nhân liên quan đã và đang bị xử lý.
Bán nhà nhưng... không bán cầu thang
Cử tri Nguyễn Xuân Minh phản ánh việc UBND quận 3 bán nhà ở nhưng không bán tường, cầu thang, đất hiên nhà và ban công thì “chỉ bán một nửa”.
Ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch UBND quận 3, cho biết vụ việc của ông Minh, tòa đang thụ lý giải quyết nên chờ kết quả từ tòa án. Sắp tới, UBND quận sẽ tổ chức đối thoại với ông Minh và người dân ở khu tập thể T78, phường 7, quận 3.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP HCM Huỳnh Cách Mạng chỉ đạo UBND quận 3 giải quyết phản ánh của cử tri Nguyễn Xuân Minh, chậm nhất là cuối tháng 12-2016 phải có trả lời thỏa đáng.
Bình luận (0)