Trước thực trạng nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TPHCM đang bị đe dọa, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (SAWACO) đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai các biện pháp hạn chế ô nhiễm nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, đồng thời phải xây dựng chương trình hành động, có những ứng phó kịp thời nếu xảy ra sự cố.
Mặn đã vượt ngưỡng
Theo ông Võ Quang Triết, Giám đốc Nhà máy Nước Tân Hiệp, nơi cung cấp 300.000 m3 nước mỗi ngày cho người dân, quan trắc tại trạm bơm Hòa Phú (huyện Củ Chi), từ đầu năm 2011 đến nay có 3 đợt xâm nhập mặn, có thời điểm mặn vượt ngưỡng cho phép và lên đến 270 mgCl-/lít, trong khi chỉ cần 250 mgCl-/lít là không thể sử dụng được.
Nhà máy nước liên tục có văn bản yêu cầu Công ty Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn để bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt. Theo ông Triết, dự kiến năm 2011 mùa khô sẽ khắc nghiệt hơn nên nhà máy đã ký hợp đồng với Công ty Dầu Tiếng xả 180 triệu m3 nước đẩy mặn với chi phí 4,5 tỉ đồng.
Các kỹ sư Nhà máy Nước Tân Hiệp vận hành khu xử lý nước sạch để phục vụ người dân
Hồi hộp hơn là các nhà máy Nước Thủ Đức, BOO Thủ Đức, BOT Bình An (mỗi ngày cung cấp hơn 1 triệu m3 nước cho người dân TPHCM) bởi chỉ trông chờ vào hồ thủy điện Trị An xả nước đẩy mặn trong khi hồ này còn có nhiệm vụ tích nước để phát điện phục vụ cho tình trạng thiếu điện căng thẳng trong năm nay.
Tại Nhà máy Nước BOT Bình An, quan trắc ở trạm bơm đặt tại cầu Đồng Nai, thời điểm từ đầu tháng 2 đến nay độ mặn liên tục tăng và diễn biến nhiều giờ trong ngày, có thời điểm lên đến 1.000 mgCl-/lít, do không có công nghệ xử lý mặn nên nhà máy này thường xuyên ngưng lấy nước từ 10 – 12 giờ/ngày.
Giảm sản lượng, xây hồ dự trữ
Theo cảnh báo của SAWACO, đỉnh điểm mùa khô hạn sẽ bắt đầu cuối tháng 4, đầu tháng 5, cộng với xâm nhập mặn ngày càng tăng nên các nhà máy nước có thể giảm sản lượng vài giờ trong ngày để bảo đảm chất lượng nước cung cấp cho người dân.
Hiện tại biện pháp duy nhất để đẩy mặn cho sông Sài Gòn là hồ Dầu Tiếng phải xả nước pha loãng, tuy nhiên biện pháp này còn phụ thuộc vào khả năng tích nước của hồ Dầu Tiếng.
Riêng với sông Đồng Nai, SAWACO đề ra kế hoạch phối hợp với Công ty Thủy điện Trị An, yêu cầu xả nước hồ Trị An đẩy mặn tại trạm Hóa An khi có yêu cầu.
Về giải pháp lâu dài, theo SAWACO, để ổn định nguồn nước cung cấp cho người dân thì phải di dời nguồn nước thô lên hồ chứa đầu nguồn hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An.
Tuy nhiên, biện pháp này rất tốn kém bởi nếu xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về Nhà máy Nước Tân Hiệp cần đến hơn 60 km đường ống, 4 trạm bơm trung chuyển, kinh phí lên đến 5.000 tỉ đồng.
Lúc đó, giá thành sản xuất nước sẽ tăng thêm 3.000 đồng/m3 để khấu hao chi phí vận hành và đầu tư. Với giá nước này, cộng thêm lộ trình tăng giá nước của UBND TP, người dân sẽ khó chấp nhận, chưa kể nguồn vốn đầu tư vẫn chưa có.
Việc xây dựng bể chứa nước tại đầu nguồn sông Sài Gòn và Đồng Nai đủ cho người dân sử dụng trong 10 ngày với hơn 3 triệu m3 nước cũng đang được SAWACO cân nhắc.
Theo ông Võ Quang Triết, hiện Nhà máy Nước Tân Hiệp đã xây dựng 2 bể chứa với dung tích 80.000 m3, cộng thêm bể chứa hiện tại nâng dung tích chứa lên đến hơn 110.000 m3, đủ cung cấp nước trong 5 giờ nếu mặn kéo dài trong ngày.
Bình Dương cũng nhấp nhổm!
Bình Dương hiện có 3 nhà máy xử lý, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, gồm Nhà máy Chánh Mỹ (trên sông Sài Gòn) công suất 21.000 m3/ngày, cung cấp nước sạch cho khu vực thị xã Thủ Dầu Một; Nhà máy Tân Hiệp Bình Dương (lấy nước từ sông Đồng Nai) công suất 60.000 m3/ngày, cung cấp nước sạch cho TP mới Bình Dương và Nhà máy Nước Dĩ An (lấy nước sông Đồng Nai) công suất 90.000 m3/ngày cung cấp nước cho thị xã Dĩ An và thị xã Thuận An.
Theo ông Nguyễn Văn Thiền, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp Thoát nước - Môi trường tỉnh Bình Dương (đơn vị quản lý 3 nhà máy nước trên), trong đợt xâm nhập mặn lần này, Nhà máy Xử lý nước Chánh Mỹ bị ảnh hưởng nặng nhất. Nếu sắp tới nước sông Sài Gòn quá cạn và mặn, Nhà máy Chánh Mỹ sẽ không thể hoạt động, nhiệm vụ cung cấp nước cho người dân buộc 2 nhà máy Tân Hiệp và Dĩ An phải gánh thay.
Tuy nhiên, ông Thiền lo ngại: “Hiện xâm nhập mặn đã qua khỏi cầu Đồng Nai, nhà máy lấy nước nguồn từ sông này liên tục rơi vào tình trạng hoạt động chập chờn, có khi ngưng không thể lấy nước để xử lý”.
N.Phú |
Bình luận (0)