Từ đầu tháng 2-2011, sự xâm nhập mặn trên các sông Nam Bộ đến sớm và sâu hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong những ngày tới, độ mặn tiếp tục tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt cho hàng triệu người dân TPHCM.
Trong khi đó, hồ Dầu Tiếng dùng đẩy mặn và tưới tiêu cho khu vực tỉnh Tây Ninh, TPHCM đang cạn dần đến mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trong đến nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân TPHCM.
Sông Sài Gòn, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TPHCM,
đang bị nước mặn tấn công. Ảnh: NHƯ PHÚ
Áp sát các nhà máy nước
Ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết số liệu quan trắc mới nhất tại một số con sông Nam Bộ cho thấy tình hình xâm nhập mặn năm 2011 đến sớm và sâu hơn so với các năm trước.
Cụ thể, độ mặn đo được tại trạm Nhà Bè (sông Nhà Bè) từ ngày 21 đến 28-2 là 14,4 g/l (cao hơn cùng kỳ năm 2010 gần 6 g/l); tại sông Vàm Cỏ Đông (Long An) 4,6 g/l, sông Vàm Cỏ Tây (Long An) 3,1 g/l, sông Cửa Tiểu (Bến Tre) 12,4 g/l, sông Hàm Luông (Bến Tre) 6,4 g/l, sông Cổ Chiên (Trà Vinh) 4,9 g/l, sông Hậu (Trà Vinh) 6,8 g/l.
Dự kiến, tháng 3 và tháng 4-2011 là cao điểm của mùa khô, độ mặn sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân mặn về sớm và sâu là do lưu lượng nước thượng nguồn sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long về ít, gió mùa Đông Bắc phát triển mạnh.
Đáng lo ngại hơn là tình hình xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TPHCM.
Theo báo cáo của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (SAWACO), từ đầu năm 2011 đến nay, trên sông Sài Gòn, độ mặn có chiều hướng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến trạm bơm nước thô Hòa Phú (huyện Củ Chi) của Nhà máy Nước Tân Hiệp.
Theo quan trắc, độ mặn đo được tại trạm bơm Hòa Phú tăng cao với nhiều giờ trong ngày, vượt quá 100 mgCl-/l (ngưỡng cho phép 250 mgCl-/l), có thời điểm vượt trên 270 mgCl-/l. Riêng tháng 2, độ mặn tiếp tục duy trì ở mức cao, có thời điểm lên đến 258 mgCl-/l.
Trên sông Đồng Nai, tại trạm bơm nước thô Hóa An (cung cấp nước cho Nhà máy Nước Thủ Đức và Nhà máy Nước BOO Thủ Đức), từ ngày 3-2 đến 7-2, có thời điểm độ mặn vượt ngưỡng đến 260 mgCl-/l, chưa kể độ mặn > 100 mgCl-/l chiếm nhiều giờ trong ngày, có khi đến nửa ngày vẫn chưa dứt.
Tại trạm bơm nước thô Nhà máy Nước BOT Bình An, từ ngày 31-1 đến giữa tháng 2, độ mặn liên tục vượt ngưỡng 250 mgCl-/l và chiếm nửa ngày, đặc biệt có thời điểm trong ngày độ mặn vượt tới 1.000 mgCl-/l, khiến Nhà máy Nước BOT Bình An phải ngưng hoạt động do không thể xử lý.
Hồ Dầu Tiếng, thủy điện Trị An... bó tay
Hiện nay, công nghệ xử lý nước nhiễm mặn vẫn chưa được áp dụng tại các nhà máy nước do chi phí quá cao nên biện pháp “cứu” nguồn nước duy nhất là nhờ hồ Dầu Tiếng, hồ thủy điện Trị An xả nước đẩy mặn.
Tuy nhiên, điều lo ngại hiện nay là mực nước tại hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An đang dần cạn nhưng còn phải gánh thêm nhiệm vụ tưới tiêu, tích nước phát điện nên việc xả nước cũng rất cân nhắc.
Theo ông Bùi Xuân Đại, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (gọi tắt là Công ty Dầu Tiếng), mực nước hồ đo được lúc 7 giờ ngày 28-2 là 20,22 m, thấp hơn cùng kỳ năm trước 2,35 m, chỉ cao hơn mực nước chết 3,2 m.
Dung tích hữu ích chỉ còn 359 triệu m3 trong khi dung tích chết là 470 triệu m3. Chưa kể, theo tính toán của Công ty Dầu Tiếng, khô hạn đạt đỉnh điểm khoảng nửa cuối tháng 5 thì khả năng hồ xuống mực nước chết nếu mùa mưa đến muộn buộc công ty phải có văn bản gửi Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng một phần dung tích chết để phục vụ tưới tiêu cuối vụ hè thu.
Mực nước tại hồ thủy điện Trị An cũng xuống thấp, cao trình tích nước của hồ đo ngày 10-2 là 53 m, giảm 5,8m so với cùng kỳ năm 2010, tương đương 2,2 tỉ m3 nước.
Do đó, Công ty thủy điện Trị An phải giảm lưu lượng xả (tối đa 170 m3/s nhưng chỉ xả 130 m3/s) để bảo đảm lượng nước xả trong suốt mùa khô năm 2011 nên việc đẩy mặn cho sông Đồng Nai không thể đủ liều lượng.
Vừa cạn vừa ô nhiễm
Trong lúc các hồ tích nước cạn kiệt thì nguồn nước tự nhiên từ các sông Sài Gòn, Đồng Nai lại đang báo động vì ô nhiễm. Theo ghi nhận của SAWACO, các chỉ tiêu DO (nhu cầu ôxy cần thiết) tại sông Sài Gòn 3 năm trở lại đây đều thấp hơn tiêu chuẩn từ 2-3 lần. Chỉ tiêu COD (nhu cầu ôxy sinh hóa) liên tục tăng cao từ năm 2008 đến nay (quy định không vượt quá 10mg/l).
Riêng chỉ tiêu amoniac gần đây có xu hướng gia tăng nồng độ gấp từ 5 đến 10 lần cho phép. lượng vi sinh trên sông Đồng Nai cũng ngày càng tăng, hiện đã vượt chuẩn từ 2 đến 4 lần; hàm lượng amoniac, hàm lượng các chất hữu cơ tăng rất nhanh, tuy chưa vượt chuẩn nhưng đã đến ngưỡng cho phép. |
Kỳ tới: Nhà máy nước lo ngay ngáy
Bình luận (0)