Cũng từ vụ này, Công an tỉnh Đắk Nông vào cuộc làm rõ việc Công ty Long Sơn để mất khoảng 501 ha trên tổng số 507 ha rừng được giao quản lý, bảo vệ.
Vụ án mạng nêu trên được đánh giá là rất nghiêm trọng. Sáng 23-10, hơn 20 người thuộc Công ty Long Sơn mang dao rựa, gậy gộc, khiên đỡ… xông vào Tiểu khu 1535 ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông để trấn áp rồi dùng máy san ủi tài sản trên đất của người dân. Hai bên xảy ra xô xát, một người dân dùng súng bắn đạn hoa cải nã vào bên Công ty Long Sơn khiến 3 người chết tại chỗ và 16 người bị thương.
Ngay lập tức, các cơ quan hữu trách soi rọi lại tình trạng giao đất giao rừng trên địa bàn Tây Nguyên một cách toàn diện, nghiêm túc.
Từ năm 2009 đến năm 2015, trên toàn vùng Tây Nguyên, diện tích rừng đã được chuyển trồng cao su lên tới 164.000 ha, gấp 1,5 lần so với chủ trương được Chính phủ cho phép. Trong đó, tỉnh Đắk Nông đã giao và cho thuê 41 dự án với hơn 31.000 ha nhưng chỉ sau vài năm đã có 5.000 ha rừng bị tàn phá hoặc lấn chiếm. Ở Lâm Đồng, riêng huyện Bảo Lâm có đến hàng chục dự án tại các tiểu khu 444, 445, 460, 614, 524, 418, 375... để xảy ra tình trạng mất rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép. Nếu không xử lý triệt để mâu thuẫn giữa một bộ phận di dân lấn chiếm đất rừng với các doanh nghiệp (DN) được giao đất rừng thì những vụ đổ máu như ở Đắk Nông vừa qua sẽ có nguy cơ tái diễn mà trường hợp tranh chấp tại Tiểu khu 1535 là một bài học phải trả giá đắt: Hai bên đã đụng độ dai dẳng trong suốt nhiều năm nhưng không có bên thứ ba đứng ra giải quyết rốt ráo, để rồi đến hôm 23-10 thì giọt nước tràn ly khi phía Công ty Long Sơn chọn giải pháp bạo lực để giành phần thắng.
Một vụ việc khác: Người nuôi cá lồng bè ở xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thôi bức xúc vì đã sau một năm, trong số 14 DN chế biến hải sản bị buộc bồi thường 14 tỉ đồng cho các hộ nuôi cá do xả thải ra sông Chà Và khiến cá chết hàng loạt, đến nay chỉ có 2 công ty đền bù 300 triệu đồng. Mới đây, cá lồng bè lại chết trắng, người dân đưa cá lên Quốc lộ 51 phơi nắng, đòi các cơ quan chức năng sớm giải quyết.
Cái cách người dân bày tỏ thái độ thể hiện sự bức xúc tột cùng. Họ không chịu kết luận “cá chết do thiếu ôxy cục bộ”, cũng không chấp nhận sự coi thường luật pháp và đạo lý của các DN xả thải. Chính quyền địa phương hứa đến quý I/2017 sẽ hoàn thành khu chế biến hải sản tập trung ở huyện Đất Đỏ và đưa các DN chế biến hải sản ven sông Chà Và về đây nhưng còn thiệt hại cực lớn của hàng trăm hộ nuôi cá thì tính sao? Các DN xả thải tiếp tục chối bỏ trách nhiệm thì tính sao?
Muốn ngăn được hỏa hoạn, phải dập tắt mầm lửa từ khi nó âm ỉ trong tro than chứ để cháy thành ngọn rồi mới ra tay thì đã muộn.
Bình luận (0)