Chuyện mới xảy ra ở một trong những vùng biển đẹp nhất nước - Mũi Né, nơi mỗi năm đón gần 4 triệu lượt khách du lịch, đem lại thương hiệu và doanh thu khổng lồ cho tỉnh Bình Thuận.
Ước tính, đã có hàng chục tấn rác được những người thiện chí dọn sạch ở bãi biển Mũi Né trong vài ngày qua. Điều quan trọng hơn mà sự kiện nêu trên làm được là do tác động đến nhận thức cư dân trong việc giữ gìn bảo vệ bờ biển sạch, thay đổi thói quen bừa bãi với môi trường trong cộng đồng địa phương.
Có lẽ không dừng ở đó, hành động này còn tác động đến cách hành xử của du khách, đặc biệt là du khách trong nước, trong việc bảo vệ sự trong sạch cho những điểm đến tham quan. Đây cũng là vấn đề cần báo động khi thực tế việc du khách bạ đâu quăng đó, đi đến đâu xả đến đó, ứng xử tùy tiện làm phương hại tới môi trường ngày càng phổ biến. Đáng nói, nếu quan sát từ những điểm đến được dân phượt yêu thích, ta sẽ thấy “đối tượng cung cấp rác” cho môi trường lại là những người rất trẻ - những người không biết bao giờ đã mang trong mình cái suy nghĩ “xả thoải mái rồi đi” một cách… vô tư và vui vẻ.
Nhưng có lẽ tác động lớn nhất của hành động trên chính là nhắm tới chính quyền địa phương. Khi lượt du khách tăng, doanh thu không ngừng phát triển, các báo cáo hằng năm của địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng môi trường. Cần phải đặt ra câu hỏi về việc tái đầu tư cải thiện môi trường (trong đó có những chiến lược thúc đẩy nhận thức của người dân về môi trường) đang ở mức độ và hiệu quả thế nào?
Phát triển du lịch không có nghĩa chỉ dừng lại ở khai thác tài nguyên, kêu gọi khuyến khích đầu tư ồ ạt mà phải là một quá trình giám sát mang tính nền tảng, bảo đảm các yếu tố môi sinh để sự phát triển được bền vững và lâu dài.
Không nên xem việc chăm sóc bãi biển ở những vùng du lịch chỉ dừng lại ở các khu vực có dự án, có quy hoạch, còn những vùng phụ cận thì bỏ mặc. Sự đầu tư cục bộ như thế không giải quyết được bản chất vấn đề. Không thể xây dựng hình ảnh du lịch địa phương chỉ dừng lại trong những khu du lịch mà phải bảo đảm trên tổng thể quy mô cộng đồng rộng lớn, chăm chút trên cả 2 phương diện: môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn.
Vấn đề của Mũi Né không phải là một ngoại lệ. Đó là câu chuyện chung của những vùng biển du lịch trong nước, nhìn rộng ra, là vấn đề toàn cảnh của phát triển du lịch Việt Nam. Việc cải tạo môi trường để phát triển lẽ ra là sự chuẩn bị, là chiến lược thường trực chứ không nên là những chiến dịch đánh trống bỏ dùi, nặng tính hình thức.
Những người nước ngoài, những du khách một lần nữa đang dạy chúng ta về trách nhiệm với môi trường. Câu chuyện hẳn đã không chỉ dừng lại ở vài trăm tấn rác ở một vùng biển của một địa phương mà là sự thức tỉnh lâu dài về văn hóa trách nhiệm.
Bình luận (0)