Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), đối lập với tình cảnh đầy khó khăn, buồn tủi mà những đứa trẻ nhiễm HIV từ khi lọt lòng có thể phải nếm trải, đó là tỉ lệ đầy hy vọng: 100% âm tính với HIV. BS Khanh cho rằng tỉ lệ "vàng" theo lý thuyết này không dễ đạt được bởi hành trình giúp con "thoát ải" của thai phụ nhiễm HIV đầy gian nan và rủi ro.
Đừng từ bỏ!
"Nếu những thai phụ ấy được can thiệp từ đầu: chuẩn bị kế hoạch mang thai nếu biết mình hay chồng nhiễm HIV, khám thai lần đầu sớm, tiếp nhận can thiệp dự phòng ngay nếu phát hiện HIV, tuân thủ chặt chẽ biện pháp dự phòng từ khi mang thai cho đến lúc chăm sóc trẻ về sau…, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng một tỉ lệ suýt soát" - BS Khanh tin tưởng.
Cấp thuốc kháng virus cho thai phụ nhiễm HIV Ảnh: NGỌC DUNG
TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), bày tỏ suy nghĩ cá nhân về những thai phụ có H: HIV bây giờ không phải là điều gì ghê gớm nữa mà nó có thể kiểm soát được. "Người có H đừng mặc cảm, người ngoài đừng kỳ thị bởi HIV có thể lây nhiễm từ nhiều nguồn chứ đâu phải chỉ từ ma túy hay mại dâm. Quan trọng hơn hết, cơ hội cho con họ chỉ có một" - bà nhắn nhủ.
Theo BS Nguyễn Thị Ánh Vân - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, phụ trách chính Chương trình Dự phòng nhiễm HIV từ mẹ sang con của Bệnh viện Hùng Vương - nếu không được can thiệp, tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thai kỳ có thể lên đến 30%-40%. Còn theo thống kê dựa trên các thai phụ đã được can thiệp dự phòng tại Bệnh viện Hùng Vương, tỉ lệ trẻ sơ sinh bị nhiễm chỉ là 3%-5%.
"Đáng chú ý, số 3%-5% này thường rơi vào những thai phụ phát hiện HIV muộn hoặc người nhiễm đã bỏ điều trị. Việc bỏ ngang điều trị có thể khiến cơ thể thai phụ nảy sinh tình trạng kháng thuốc khiến các biện pháp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con giảm hiệu quả" - BS Vân giải thích.
"Đừng từ bỏ" là lời khuyên của các chuyên gia dành cho những thai phụ đã lỡ bỏ thuốc hoặc phát hiện có H muộn. Tất nhiên, việc can thiệp càng sớm thì hiệu quả dự phòng càng cao nhưng can thiệp muộn vẫn giúp trẻ giảm rất nhiều nguy cơ nhiễm HIV.
BS Vân cho biết có hai tình huống thường gặp: vợ hay chồng có H, hoặc cả hai cùng nhiễm, muốn có con và vợ /chồng phát hiện nhiễm HIV khi đã mang thai. Với tình huống thứ nhất, lời khuyên cho họ là hãy thông báo với nhân viên y tế tại nơi đang điều trị để được chuẩn bị một kế hoạch mang thai. Khi vợ/chồng nhiễm HIV muốn có con, họ sẽ được theo dõi để lựa chọn thời điểm quan hệ và mang thai thích hợp nhất. Nếu làm tốt bước này, nguy cơ cho con họ đã giảm một phần đáng kể.
Với tình huống thứ hai, vợ/chồng cần được tiếp cận can thiệp dự phòng ngay. Vì thế, phụ nữ khi nghi ngờ có thai nên đi khám sớm để xác định những vấn đề sức khỏe của mình, trong đó có HIV. Can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong những tuần thai đầu tiên vẫn được coi là can thiệp sớm.
"Thai phụ tiếp nhận can thiệp sẽ được tư vấn, dùng thuốc, điều chỉnh dinh dưỡng, cách sinh hoạt... và bắt buộc phải duy trì việc dùng thuốc liên tục. Sau khi sinh ra, đứa bé cũng sẽ được cho uống thuốc ARV và người mẹ được hướng dẫn chăm sóc đúng cách để không lây mầm bệnh cho con. Đứa bé sẽ được xét nghiệm vào các mốc: sau sinh, 1 tháng tuổi và 18 tháng tuổi để xác định có âm tính, thoát khỏi HIV hay không" - BS Vân giải thích.
Từ 36% còn 2%-3%
BS Nguyễn Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), cho biết bệnh viện hiện quản lý hơn 1.000 người nhiễm HIV. Trong đó, việc điều trị không chỉ kéo dài cuộc sống cho những người có H mà còn làm giảm tỉ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con.
"Nhiều thai phụ nhiễm HIV vẫn bi quan cho rằng họ khó có cơ hội sống khỏe mạnh, hoàn toàn chẳng dám mơ đến việc sinh ra những đứa con bình thường. Với trường hợp người nhiễm HIV chủ động có thai, họ sẽ được các BS ở đây tư vấn, điều trị, sau đó chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được theo dõi thai kỳ và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Những đứa con chào đời khỏe mạnh chính là động lực, giúp các cặp vợ chồng nhiễm HIV vững tin và sống có ý nghĩa hơn" - BS Hiền nhìn nhận.
Nhận định về tình hình lây truyền HIV từ mẹ sang con, BS Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Phòng Điều trị chăm sóc HIV/AIDS - Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết tại Việt Nam, thống kê những năm gần đây cho thấy tỉ lệ có H ở phụ nữ mang thai là 0,4%. Như vậy, với số trẻ hằng năm sinh ra khoảng 1,5-2 triệu thì ít nhất khoảng 6.000 trẻ bị phơi nhiễm HIV.
"Mỗi năm, Việt Nam phát hiện khoảng 3.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không được điều trị dự phòng, tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 36%, tương đương gần 2.200 trẻ sẽ có H. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus thì tỉ lệ này chỉ còn 2%-3%" - BS Hương khẳng định.
Theo BS Hương, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang được triển khai ở các địa phương với mục đích phát hiện sớm tình trạng có H của người mẹ và điều trị dự phòng từ khi thai 14 tuần tuổi. "Thai phụ nhiễm HIV cần đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được điều trị dự phòng kịp thời. Nếu điều trị càng muộn thì kết quả càng hạn chế" - BS Hương khuyến cáo.
Mục tiêu không còn trẻ nhiễm HIV từ mẹ
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết với mục tiêu không còn trẻ nhiễm HIV từ những bà mẹ có H, Bộ Y tế đã áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới: Điều trị ngay ARV mà không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng.
Ông Cảnh nhận xét: "Điểm ưu việt của chương trình này là thai phụ khi chẩn đoán nhiễm HIV sẽ được điều trị ngay bằng phác đồ 3 thuốc mà không cần biết CD4 là bao nhiêu và tiếp tục điều trị suốt đời. Những đứa trẻ cũng được điều trị luôn và không bị cấm chỉ định cho bú sữa mẹ như trước".
Bình luận (0)