Có thể hiểu được sự lạnh nhạt của ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc - bởi đơn giản hành động nghĩa hiệp của người đàn ông được nhiều người tán dương kia là điều gì đó xa lạ và “không được hoan nghênh” chiếu theo quy định của đơn vị ông đang quản lý. Nhưng ông chỉ đang nói về lý (nguyên tắc) từ một không gian chật hẹp trong khi cuộc sống lại phong phú, đa dạng và luôn có khuynh hướng vượt trước tầm nhìn của mọi người, trong đó có ông.
Ngay cả khi thiên về lý, ông vẫn chưa thể thuyết phục mọi người bằng lập luận (đại ý) rằng sự can thiệp của người đàn ông mặc áo đen có thể làm cho nguy cơ xung đột tăng lên và tình hình sẽ mất trật tự hơn. Thật ra, sự việc bắt đầu và diễn tiến rất nhanh. Trong lúc nữ nhân viên bị 2 người đàn ông hành hung, rơi vào tình thế nguy hiểm thì nhân viên an ninh sân bay chưa có mặt. Sự can thiệp của người khách lạ nhằm ngăn chặn mối nguy đó là kịp thời và cần thiết, tránh được một kết cục với những tổn thương khó lường trước.
Lướt nhanh trên các trang mạng xã hội, có thể thấy ngay phát ngôn của ông Phương lẻ loi, lạc lõng như thế nào. Lẻ loi vì trái tim ông không đập cùng nhịp với hàng ngàn, hàng vạn người trước cảnh tượng đáng xấu hổ diễn ra ngay tại khu vực được xem là nơi giao lưu quốc tế, trong đó một phụ nữ yếu đuối trở thành nạn nhân của sự thô bạo.
Hình ảnh 2 người đàn ông hung hăng áp đảo một phụ nữ ngay tại sân bay thủ đô đã truyền đi xa một thông điệp rất xấu. Nó không chỉ nối dài mà vô hình trung còn cổ vũ những hành vi bạo lực vốn là nỗi ưu tư trĩu nặng từ nhiều năm nay. Đáng buồn hơn, khi những cá nhân hiếm hoi ra tay ngăn chặn kiểu bạo lực kia lại trở thành nạn nhân theo cách nào đó. Với lối nghĩ xơ cứng như vậy thì làm sao mọi người có đủ động lực để dấn thân giúp người gặp nạn và sẵn sàng đương đầu với kẻ ác, kẻ xấu trong bối cảnh trật tự xã hội đang còn nhiều vấn đề?
Quay lại với người đàn ông “ra đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, tôi không nghĩ anh ấy hành động mà không biết mình sẽ bị “bắt giò” hay gặp phiền phức. Nhưng một quyết định khó khăn và thực hiện chớp nhoáng như vậy chỉ có thể được chi phối và dẫn dắt bởi lương tâm (đạo đức). Và đó là sức mạnh, như triết gia Blaise Pascal từng nói “trái tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu được”.
Thực tiễn là thước đo giá trị của những tri thức đã đạt được trong nhận thức. Các luật lệ, chính sách, quy định, quy trình… không phản ánh đúng hoặc lạc hậu so với thực tiễn cuộc sống cần phải được chỉnh sửa, bổ sung để soi đường, thúc đẩy sự phát triển và cổ vũ nhân tố mới.
Bình luận (0)