Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 8 ngày nghỉ Tết, cả nước đã xảy ra 530 vụ tai nạn giao thông, làm chết 253 người, bị thương 563 người, bình quân có 31 người thiệt mạng mỗi ngày, cao điểm là mùng 4 (chết 49 người) và mùng 5 (chết 41 người). So với cùng thời gian năm ngoái, tai nạn tăng 161 vụ, người chết giảm 56, người bị thương tăng 230.
Các giới chức của ủy ban này đánh giá năm nay không xảy ra tai nạn nghiêm trọng đối với các phương tiện chở khách mà chủ yếu là tai nạn xe máy ở các khu vực nông thôn, cụ thể là trên đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn, liên xã. Nguyên nhân chính là do tình trạng người đi xe máy uống rượu bia quá độ, không đội mũ bảo hiểm và chở 3-4 người... diễn ra tràn lan ở nông thôn gần như không có sự kiểm soát.
Theo ghi nhận của Bệnh viện Việt Đức, trong 5 ngày liên tục dịp Tết, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu hơn 400 trường hợp do tai nạn giao thông, trong đó hơn một nửa (bị trọng thương phải mổ) đều liên quan đến xe máy ở khu vực nông thôn. Điều đáng báo động là trong số 277 trường hợp phải phẫu thuật có đến 100 người không đội mũ bảo hiểm khi lái xe và nhiều trường hợp mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng.
Thử mổ xẻ xem con số thương vong vốn lạnh lùng kia chứa đựng điều gì. Trước hết, giảm được 56 người chết so với năm ngoái cũng là điều may mắn và là nỗ lực đáng ghi nhận của các ngành chức năng, bởi lẽ phần lớn tai nạn trong năm nay không phải là nghiêm trọng dù tăng đến 161 trường hợp.
Về con số 230 người bị thương tăng thêm so với năm qua thì sao? Rõ ràng là không thể xem nhẹ vì chắc chắn một số đáng kể trong đó sẽ tàn phế, trở thành nỗi đau, sự mất mát và là gánh nặng của gia đình và xã hội. Hàng trăm ngàn gia đình Việt Nam hiểu một cách thấm thía điều này và nối tiếp họ là hàng vạn trường hợp bất hạnh mới mỗi năm. Đây là một thực tế buồn thảm mà không phải ai cũng cảm nhận được vị đắng chát của nó.
Vậy là rõ, tình trạng người đi xe máy lạm dụng rượu bia, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm và chở 3-4 người tràn lan ở nông thôn là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông trong những ngày nghỉ Tết vừa qua. Có lẽ các ngành chức năng biết cần trám ngay những lỗ hổng nào trong nhiệm vụ sắp tới khi mùa lễ hội Xuân bắt đầu và số lượng phương tiện tham gia giao thông nhộn nhịp lên đường. Còn về lâu dài, tình hình tai nạn giao thông ở nông thôn, xét như một hiện tượng và thách thức mới, đòi hỏi những giải pháp có tính gốc rễ từ phía các nhà chức trách.
Bình luận (0)