Nói về việc mua nhà ở, anh Phạm Văn Hải (37 tuổi), cán bộ đang làm việc tại UBND quận Tân Phú, thở dài: “Giấc mơ đó xa lắm”. Anh Hải lập gia đình đã 10 năm và có một con gái 7 tuổi. Ngần ấy năm, anh và vợ phải chuyển chỗ trọ 6 lần. Mỗi lần đến nơi ở mới là phải dời xa trung tâm thêm một chút để giảm gánh nặng chi phí.
Chỉ là giấc mơ
Anh Hải kể: “Năm rồi, gia đình tôi thuê nhà trọ trên đường Cầu Xéo, quận Tân Phú. Sau đó, chủ nhà đòi tăng giá thuê phòng, đành phải thuê nhà ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn- cách nơi làm việc gần 10 km”.
Theo anh Hải, thu nhập hằng tháng của gia đình gồm khoản lương công chức của anh 4 triệu đồng cộng thêm phụ cấp tổng cộng được 6,1 triệu đồng, vợ dạy tiểu học kèm dạy ngoài giờ được khoảng 7 triệu đồng. Anh nhẩm tính chi phí mỗi ngày cho việc ăn uống từ 150.000-200.000 đồng, mỗi tháng tiền nhà trọ 2 triệu đồng và tiền chăm sóc con khoảng 4-5 triệu đồng. Tính ra, làm quần quật và chi tiêu tiết kiệm lắm cũng chỉ dư khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.
Khi hỏi về số tiền tích lũy từ trước đến nay, anh Hải thở dài: “Hơn 10 năm qua, vợ chồng tôi chỉ có được cuốn sổ tiết kiệm 90 triệu đồng. Vật giá leo thang như năm nay thì chắc khó mà dư, tất nhiên căn nhà mơ ước càng xa tầm tay”.
Theo anh Hải, với số tiền tích lũy như vậy không thể nào mua được một mảnh đất nhỏ ở vùng ven TP, nói gì đến chuyện mua một căn nhà. Vì vậy, nghe tin TP đang có chủ trương làm nhà giá rẻ khiến anh vui mừng, chạy khắp nơi để hỏi thăm thủ tục đăng ký.
Tương tự anh Hải, chị Phạm Thị Thảo (43 tuổi) cho biết hơn 14 năm qua làm điều dưỡng tại Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5), thu nhập kể cả tăng ca chỉ 7 triệu đồng/tháng, chồng làm bảo vệ được 4 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng phải thuê chỗ trọ tận quận Tân Bình hết 4 triệu đồng/tháng và nuôi đứa con đang học lớp 6 nên gia đình luôn thiếu trước, hụt sau. Chật vật quá nên cũng không tránh được có lúc vợ chồng to tiếng về việc kinh tế không đủ trang trải. Nghĩ cảnh tượng nhiều bạn bè cùng lứa có cuộc sống sung túc còn mình thì chật vật, chị Thảo nói lắm khi chỉ biết ôm gối khóc thầm.
Chị Thảo kể: “Thương nhất là ba mẹ đã đầu tư cho tôi ăn học, hy vọng con có công việc tốt và thu nhập kha khá. Nhưng từ khi lập gia đình đến nay, chúng tôi chưa lần nào dám mơ một bữa ăn sang trọng, chưa mua được món quà quý giá cho cha mẹ”.
Bàn về chuyện nhà ở, chị Thảo kể: “Một sợi dây chuyền nho nhỏ gọi là cho có để trang sức khi cần cũng không có lấy gì dám mơ nhà ở. Với hệ số lương hiện tại thì chuyện mua nhà ở chỉ có trong giấc mơ thôi”.
Cách đây 2 năm, có người bạn làm chung bệnh viện rủ tham gia mua nhà trả góp tại một căn chung cư ở quận 11 nhưng phải bỏ số tiền ban đầu vài trăm triệu đồng rồi trả góp mỗi tháng 5 triệu đồng. “Với 5 triệu đồng/tháng thì vợ chồng tôi có thể ăn mì gói, rau củ qua bữa để gom nhưng không thể để con thiếu thốn quá so với chúng bạn của cháu” - chị Thảo bày tỏ.
Phải chờ phép mầu
Chị Trần Bích Thủy, cán bộ y tế quận 10, hiện sống chung với cha mẹ chồng và 3 anh em khác đã có gia đình trong căn hộ 40 m2 ở quận 8.
“Nhà chật nên không làm vách ngăn. Buổi tối, phụ nữ và trẻ con phải ngủ chung trên gác còn đàn ông ngủ dưới nền nhà, thanh niên trong nhà mang võng xếp ra đầu hẻm ngủ” - chị Thủy mô tả không gian sống và cho biết vợ chồng chị có một con trai và không dám đẻ thêm đứa nữa dù rất muốn.
“Vợ chồng đều là viên chức hưởng lương cơ bản, thu nhập tổng cộng cả 2 người khoảng 12,8 triệu đồng/tháng. May mắn được cha mẹ cho ở chung nhiều năm chứ không thì khổ” - chị Thủy bộc bạch và cho hay không có nhà riêng thì vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, muốn mua máy giặt cũng không được vì nhà không còn chỗ để. Vợ chồng sinh hoạt chăn gối phải thuê phòng khách sạn. “Nhiều lần, chồng tôi đòi nghỉ việc nhà nước để làm thuê bên ngoài hy vọng có thêm thu nhập. Có tháng chẳng dư đồng nào thì làm sao mua được nhà?” - chị Thủy thở dài.
Trường hợp anh Phạm Văn Thái (32 tuổi), dân quân tự vệ tại một phường thuộc quận 4, cũng bi đát không kém. Mỗi tháng, anh Thái nhận lương gần 6 triệu đồng. Dù đã cưới vợ hơn 5 năm nhưng cả hai phải ở ké mẹ trong căn hộ chưa đến 10 m2 ở hẻm 291 Võ Văn Tần, quận 3.
“Gọi là nhà nhưng chỉ đủ kê chiếc giường và ít đồ dùng. Toàn bộ bếp, vật dụng sinh hoạt đều móc lên tường nhà người khác. Ban đêm, tôi, mẹ và một số anh chị phải mang võng ra ngủ trước hẻm” - anh Thái nói về cuộc sống của mình và cho biết nếu anh có con, chắc chiếc giường trong nhà sẽ dành cho nó vì đây là tài sản quý giá nhất mà đại gia đình có được.
“Chưa khi nào cầm trong tay số tiền quá 10 triệu đồng, làm bao nhiêu cũng chi dùng hết mà vẫn chật vật, nếu phải đi ở trọ nữa thì chắc chắn không đủ sống” - anh Thái khẳng định.
Khổ hơn nữa là trường hợp chị Lê Thanh Kiều (30 tuổi), công chức văn phòng thuộc UBND quận Bình Thạnh. Với thu nhập hằng tháng hơn 5 triệu đồng, chồng giữ xe được khoảng 5 triệu đồng, chị Kiều nói cưới nhau hơn 5 năm nhưng vợ chồng chưa dám sinh con vì phải thuê chỗ trọ, chi tiêu thiếu trước hụt sau.
“Với điều kiện kinh tế hiện tại, vợ chồng tôi sinh con thì sẽ không đủ tiền chăm lo. Việc mua nhà ở chắc phải chờ phép mầu” - chị Kiều thở dài và cho biết dịp Tết vừa rồi đi thăm người thân, nghe một số người đồn chị bị bệnh vô sinh nên không có con. Thực tế thì do thu nhập không bảo đảm nên phải cắn răng... nhịn. “Ai chẳng muốn có con nhưng giờ sinh con thì chi tiêu hằng tháng chúng tôi phải có thêm ít nhất là 5 triệu đồng. Thế thì giấc mơ mua nhà càng xa vời. Giờ chỉ kỳ vọng nhà nước tạo điều kiện hình thành một số khu nhà ở công chức cho thuê dài hạn thì may ra” - chị Kiều rầu rĩ.
Theo chị Kiều, nhìn vào công việc của chị, nhiều người thân nghĩ chắc thu nhập cao nhưng thực tế lương nhà nước trả đôi khi thấp hơn cả công nhân.
Bà Vũ Thị Khuyên, Phó Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP HCM, cho biết TP hiện có 139.000 cán bộ, viên chức (tương đương hơn 80.000 hộ) chưa có nhà ở. Hầu hết đang phải ở trọ hoặc sinh sống trong những căn nhà chật chội với người thân.
Kỳ tới: Mua nhà giá rẻ: Khó hơn chơi xổ số
Bình luận (0)