Động thổ từ tháng 8-2010, đến nay, dự án BOT “Xây dựng, khai thác tầng ngầm làm bãi đỗ xe và dịch vụ công cộng tại Công viên Lê Văn Tám, quận 1” (mức đầu tư 110 triệu USD) của Công ty CP Đầu tư Phát triển Không gian ngầm (IUS) vẫn không “nhúc nhích” gì thêm do vướng quá nhiều thủ tục.
Tương tự, dự án hầm đậu xe ngầm công cộng kết hợp thương mại dịch vụ và sân khấu Trống Đồng của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (Indochina Group) cũng “bò” rất chậm vì những rắc rối trong khâu thiết kế dự án lẫn thủ tục.
Tắc ở giấy phép xây dựng
Mất rất nhiều thời gian với nhiều cuộc họp, IUS mới hoàn thành các thủ tục như phương án bảo tồn và di dời cây xanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thỏa thuận kết nối với nhà ga metro Lê Văn Tám, phòng cháy chữa cháy, kết nối giao thông với các tuyến đường xung quanh, giải pháp thi công, thẩm định thiết kế cơ sở.
Ông Lê Tuấn, Tổng Giám đốc IUS, cho biết hiện nay dự án đang bị vướng ở khâu cấp giấy phép xây dựng. Vào cuối tháng 3-2013, Sở Xây dựng TP yêu cầu IUS có trách nhiệm lập, phê duyệt dự án và lập thủ tục xin giấy phép xây dựng theo đúng quy định hiện hành tại khoản 1 điều 3 và điều 10 Thông tư số 10/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám là công trình nhóm A, được Bộ Xây dựng tham gia có ý kiến về thiết kế cơ sở ban đầu vào năm 2006 và thiết kế cơ sở điều chỉnh năm 2012. Ông Tuấn khẳng định theo Nghị định 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, dự án là “công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” nên không thuộc diện phải có giấy phép xây dựng.
“Vì vậy, chủ đầu tư không phải lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng khi các điều chỉnh thiết kế cơ sở không làm thay đổi phương án kết cấu chính, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như địa điểm, quy mô, mục tiêu dự án so với thiết kế cơ sở năm 2006” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, nếu IUS xin cấp giấy phép xây dựng theo Thông tư số 10/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì sẽ mất rất nhiều thời gian vì thủ tục vô cùng phức tạp. Do đó, IUS khó có thể khởi công dự án sớm hơn tháng 7-2014. Chủ đầu tư đã gửi văn bản đề nghị UBND TP HCM cho miễn giấy phép xây dựng hoặc cấp giấy phép xây dựng theo Nghị định 12/2009/NĐ-CP (khoảng 2 tuần là có giấy phép).
Đến tháng 8-2013, tổ công tác liên ngành đàm phán dự án đầu tư xây dựng tầng ngầm làm bãi đậu xe trên địa bàn TP HCM (gọi tắt là tổ công tác) do Sở Giao thông Vận tải TP chủ trì lại gửi văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận các nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở của dự án, trong khi bộ này đã có ý kiến về nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở vào tháng 5-2013.
Vì tính cấp bách của dự án, đến tháng 11-2013, tổ công tác cũng đã kiến nghị UBND TP HCM xem xét chấp thuận một số nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm cơ sở cho IUS triển khai các bước tiếp theo. Rõ ràng, đây là những thủ tục thừa và khiến dự án lâm vào tình trạng “đi lòng vòng”.
Gần 9 năm trôi qua kể từ ngày dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám được Thủ tướng chấp thuận cho đầu tư, ông Lê Tuấn ngán ngẩm than rằng ngày khởi công vẫn vô cùng mờ mịt!
Nhiều thay đổi trong thiết kế
Dự án bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng cũng là dự án nhóm A (tổng vốn 882 tỉ đồng), được Bộ Xây dựng góp ý về thiết kế cơ sở. Hiện nay, Indochina Group đang hoàn thiện thiết kế cơ sở để xúc tiến việc xin giấy phép xây dựng.
Theo thiết kế của Indochina Group, bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng có 3 tầng nổi và 8 tầng hầm, trong đó có 2 không gian xếp xe tự động tại tầng hầm 7 và 8, tầng hầm 2, 3, 4, 5 có bố trí thêm chức năng thương mại. Căn cứ vào Quy chuẩn quốc gia về công trình ngầm đô thị của Bộ Xây dựng, garage ô tô ngầm không quá 5 tầng nên bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng được thiết kế 8 tầng hầm là không phù hợp.
Trước đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu dành các tầng sâu phục vụ đậu xe, các tầng trên dành cho thương mại dịch vụ. Vì vậy, Sở Xây dựng yêu cầu Indochina Group liên hệ Sở Quy hoạch - Kiến trúc để xin ý kiến cụ thể về số tầng hầm, vị trí tầng phục vụ chức năng để xe và thương mại nhằm bảo đảm nguyên tắc 40% thương mại dịch vụ, 60% bãi đậu xe. Từ cuối năm ngoái, đơn vị này cũng bắt đầu hành trình gian khổ là đi xin giấy phép xây dựng.
Thiết kế chỉnh sửa của bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám cũng có nhiều thay đổi đáng kể so với ban đầu. Cụ thể, diện tích mặt đất không đổi (5.233 m2) nhưng diện tích tầng ngầm tăng từ 29.240 m2 lên 31.390 m2. Hai đường ra vào dành cho xe buýt bị giảm xuống còn 1 để tăng thành 2 đường ra vào cho ô tô. Số tầng từ 9 giảm xuống còn 8 (gồm 4 tầng cho đậu xe, 3 tầng do dịch vụ thương mại và 1 tầng lửng đậu xe máy), có 20 cầu thang thoát nạn so với 12 cái trước kia.
Chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu
Từ năm 2005, TP HCM quy hoạch 8 vị trí xây bãi đậu xe ngầm, gồm: Công trường Lam Sơn, Công viên Chi Lăng, Công viên Bách Tùng Diệp, Công viên Lê Văn Tám, sân bóng đá Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư, khu vực số 116 Nguyễn Du và bờ sông Sài Gòn (dọc bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Huệ). Không lâu sau đó, khu vực số 116 Nguyễn Du, Công viên Bách Tùng Diệp và đường Nguyễn Huệ bị đưa ra khỏi danh sách xây dựng.
Bãi đậu xe ngầm Công trường Lam Sơn được thay thế bằng dự án bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng, dự án ở Công viên Chi Lăng cũng đã được thay thế.
Bãi đậu xe ngầm được xem là giải pháp lâu dài đáp ứng nhu cầu đậu xe trong trung tâm TP, làm tiền đề chấm dứt tình trạng đậu xe tràn lan trên vỉa hè.
Hiện nay, có 4 bãi đậu xe ngầm đang được triển khai, gồm: Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư, Công viên Tao Đàn. Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải TP, 4 bãi đậu xe ngầm này chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu hiện nay
Bình luận (0)