xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trẻ nghèo vướng bẫy cò lao động

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN

Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của những gia đình ở vùng sâu, vùng xa, nhiều kẻ môi giới đã dụ dỗ hàng loạt trẻ em đưa đi lao động ở các thành phố lớn. Nhiều trẻ bị bóc lột thậm tệ, bị xâm hại tình dục đến có con, mất tích dài ngày…

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn gửi Sở LĐ-TB-XH TP HCM đề nghị phối hợp giải quyết việc 51 trẻ bị dụ dỗ đi lao động tại TP. Mới đây, Sở LĐ-TB-XH TP HCM phản hồi cho biết chỉ tìm được 10 em, số còn lại không rõ làm ở đâu.

Bặt vô âm tín

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn có gần 150 em từ 9-16 tuổi bị dụ dỗ đi lao động tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Trong đó, rất nhiều trường hợp gia đình không liên lạc được, như em Nguyễn Thị Huệ, 15 tuổi, ngụ xã Buôn Tría, huyện Lắk.

Cha không được bình thường, mẹ bỏ nhà đi nên dù 9 năm liền là học sinh khá hoặc giỏi, Huệ phải nghỉ học xuống Bình Dương làm thuê cho một cơ sở đèn cầy. Trong quá trình làm việc, Huệ quen một phụ nữ. Khi cơ sở sắp hết việc, bà ta liền dụ dỗ Huệ đi Tây Ninh làm và đã hơn 9 tháng nay, cô bé bặt vô âm tín.

Gia đình Nguyễn Thị Huệ rất lo lắng vì hơn 9 tháng không liên lạc được với em
Gia đình Nguyễn Thị Huệ rất lo lắng vì hơn 9 tháng không liên lạc được với em

Theo ông Nguyễn Đức Toản, chú ruột của Huệ, trước lúc “đi Tây Ninh”, Huệ gọi điện về nói có quen một phụ nữ tốt bụng, mua cho nhiều quần áo đẹp và muốn giúp tìm công việc lương cao. Ngày 23-8-2014, Huệ gọi điện về nói đã đi theo bà ta đến một nơi heo hút, không có dân cư.

“Biết có chuyện chẳng lành, tôi bảo con bé chạy vào một nhà dân nào đó nhờ giúp đỡ rồi gia đình sẽ tìm cách đến đón. Sau cuộc điện thoại đó, đến giờ chúng tôi vẫn chưa có tin gì về Huệ dù chính quyền địa phương đã quyên góp tiền để gia đình đi tìm con bé. Hiện cơ quan chức năng Đắk Lắk, Bình Dương và Tây Ninh đã vào cuộc điều tra chuyện này” - ông Toản hy vọng.

Trong khi đó, bà H’Dan Niê - ngụ xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk - cho biết khi Trần Niê Khải, con trai bà, đang học lớp 8 thì nghe lời người lạ lừa phỉnh nên bỏ học đi làm. “Gia đình chỉ biết Khải ở Sài Gòn chứ không rõ địa chỉ. Tôi đã nhiều lần gọi điện thoại nhưng cháu không nghe máy” - bà H’Dan Niê thẫn thờ.

Cũng tại xã Ea Phê, bà H’ơng K’Căm hết sức lo lắng vì đứa cháu nội 13 tuổi tên H’Hăng K’Căm mất liên lạc mấy tháng nay. “Cha mẹ mất sớm, H’Hăng K’Căm đang học lớp 7 thì nghe lời ngon ngọt của một người trong xã đưa đi làm tại TP HCM. Lâu nay, tôi không có tin tức gì về nó” - bà hoang mang.

Làm quần quật, tiền công bèo bọt

Trò chuyện với chúng tôi, chị H’Rêm Niê - ngụ xã Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk - cho biết do một mình phải nuôi 5 con nhỏ nên hoàn cảnh gia đình chị hết sức khó khăn. Cuối năm 2014, một phụ nữ lạ lân la đến nhà chị cho biết đang cần tìm trẻ em xuống TP HCM làm cho một cơ sở may mặc.

“Bà ta bảo công việc rất nhẹ nhàng, bao ăn ở, đi lại, sau 2 năm về sẽ có một khoản tiền lớn. Nghe vậy, con trai tui 12 tuổi năn nỉ cho đi làm để kiếm tiền giúp mẹ. Mới đây, cháu gọi điện về than mỗi ngày bị họ bắt làm hơn 12 giờ, cực lắm. Nếu cháu nghỉ thì không được họ trả công mà còn phải trả chi phí đi lại” - chị H’Rêm lo lắng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các tổ chức, cá nhân môi giới tuyển dụng lao động trẻ em ở Đắk Lắk đều hoạt động trái quy định của pháp luật. Phần lớn đều không có hợp đồng lao động (HĐLĐ) hợp pháp, tuyển dụng cả trẻ từ 9 đến dưới 15 tuổi. Các bản HĐLĐ cho thấy trẻ phải làm việc 12-15 giờ mỗi ngày, 2 năm mới được thanh toán tiền công, nếu bỏ ngang thì phải bồi thường cho chủ.

Tiếp xúc với chúng tôi, Y Thoáng Buôn Yă - 13 tuổi, ngụ xã Cư Bông - nhớ lại: “Em làm cho một cơ sở may mặc ở TP HCM, mỗi ngày phải làm 3 ca từ 7 giờ đến 23 giờ. Em làm được 3 tháng thì không chịu nổi nên xin về. Lúc đầu, ông chủ bảo phải trả tiền xe nhưng em không có, xin mãi ông ấy mới cho 100.000 đồng”.

Theo hợp đồng mà ông Nguyễn Văn Tiến - ở huyện Bình Chánh, TP HCM - ký với gia đình Y Kiêu K’Buôr, 14 tuổi, ngụ xã Ea Phê, huyện Krông Pắk thì em cũng phải làm việc 3 ca mỗi ngày, tổng cộng 13 giờ, với mức lương 12 triệu đồng/năm. Gia đình được ứng lương trước 1 triệu đồng, số còn lại khi em kết thúc hợp đồng mới thanh toán.

Trong một số HĐLĐ mà cơ quan chức năng cung cấp cho chúng tôi, chủ cơ sở thường bắt trẻ làm việc ít nhất 12 giờ/ngày và trả công khoảng 18 triệu đồng/2 năm. Tính ra, mỗi em làm một ngày chỉ được trả 25.000 đồng. Bên cạnh đó, các HĐLĐ không quên điều khoản: Trẻ phải bảo đảm công việc cho chủ cơ sở, không được tự ý bỏ đi; nếu nghỉ ngang sẽ không được thanh toán tiền công, phải bồi thường tiền xe...

Theo bà Từ Thị Khanh, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk, sở đã phát hiện rất nhiều đối tượng cò lao động trên địa bàn. “Chỉ riêng huyện Cư Kuin, chúng tôi phát hiện 20 người chuyên đến vùng sâu, vùng xa để lôi kéo, dụ dỗ trẻ đi làm. Mỗi lần tìm được một em, cò sẽ được cơ sở trả công 1-1,5 triệu đồng. Sở đã yêu cầu họ cam kết không tái phạm và sẽ tiếp tục phối hợp với công an làm rõ các đối tượng còn lại” - bà khẳng định.

Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk cho biết sau khi đến các TP, trẻ thường bị chủ cơ sở bóc lột sức lao động thậm tệ, điều kiện ăn uống, nghỉ ngơi không bảo đảm, môi trường làm việc thì độc hại. Điều đáng lo là hầu hết các gia đình không biết rõ việc làm cũng như địa chỉ cụ thể của con em mình. Điều này tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị bắt cóc hoặc sa vào các hoạt động buôn bán ma túy, bị xâm hại tình dục... Mới đây, 2 bé gái ở huyện Lắk khi đi làm ở TP HCM bị xâm hại đến mang thai và đã về nhà để chờ sinh con.

 

Dạy nghề, còn bồi dưỡng (!?)

Để đối phó, nhiều cơ sở tuyển dụng lao động đã làm hợp đồng đào tạo nghề với trẻ. Theo các hợp đồng này, trẻ được “dạy nghề” trong 2 năm và sẽ được “bồi dưỡng” 18 triệu đồng. Nếu chưa đủ 2 năm học nghề mà trẻ tự bỏ về, gia đình phải thanh toán tiền đi lại và chi phí “đào tạo” cho cơ sở.

Khi trẻ đi làm xa và không chịu nổi cực khổ phải bỏ về nhà, vì sợ bồi thường tiền “đào tạo” nên nhiều gia đình không hợp tác với cơ quan chức năng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo