Chiều 15-3, sau 3 ngày xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, về tội “Tham ô tài sản”.
Các bị cáo trong vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land và Trịnh Xuân Thanh (ảnh nhỏ)
Cùng bị khởi tố tại tòa về tội danh trên còn có 6 bị can: Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land; Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1-5 (gọi tắt Công ty 1-5); Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty 1-5; Thái Kiều Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan; Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, lao động tự do (trú tại phường 10, quận 3, TP HCM).
Việc khởi tố này căn cứ vào hồ sơ vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 820/2016 ngày 19-10-2016 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm trong các ngày 13 và 14-3 đối với bị cáo trong vụ án lừa đảo xảy ra tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land.
Đối với vụ án lừa đảo xảy ra tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, trước đó, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử và tuyên phạt tù chung thân đối với Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa; Nguyễn Mạnh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Công ty 1-5) 17 năm tù; Đào Duy Phong 6 năm tù; Huỳnh Nguyễn Quốc Duy 5 năm tù. Sau bản án sơ thẩm, các bị cáo Bình, Thoa và Cường có đơn kháng cáo kêu oan. HĐXX cấp phúc thẩm tuyên y án chung thân đối với Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Mạnh Cường được giảm xuống còn 12 năm tù.
Theo cáo trạng, tháng 1-2010, Công ty 1-5 ký hợp đồng cho Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 (gọi tắt là Cienco 5) vay 200 tỉ đồng để đưa vào một số dự án nhà ở. Đổi lại, doanh nghiệp này được hợp tác đầu tư vào khu đô thị Thanh Hà A (thuộc quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, Hà Nội) với diện tích 55.000 m2. Tuy nhiên, do Công ty 1-5 không thực hiện đúng hợp đồng vay vốn nên Cienco 5 nhanh chóng truất quyền hợp tác đầu tư. Dù vậy, Lê Hòa Bình và đồng phạm vẫn ém thông tin, đồng thời tiếp tục sử dụng thỏa thuận vay mượn tiền cùng giấy tờ liên quan để bán nhà đất tại khu đô thị Thanh Hà A. Bằng cách thức trên, Bình và đồng phạm đã ký tổng cộng hơn 400 hợp đồng bán đất tại dự án Thanh Hà A với tổng diện tích hơn 80.000 m2, tương đương hơn 789 tỉ đồng. Toàn bộ tiền thu được, Bình cùng đồng bọn chia nhau, trả nợ và đưa vào 3 công ty không liên quan đến dự án.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13 và 14-3, HĐXX cho rằng có căn cứ xác định Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong - đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land - ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty CP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông theo hợp đồng đặt cọc để hưởng khoản tiền chênh lệch. Đào Duy Phong khai nhận làm theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh, bán giá 40 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza nhưng chỉ thể hiện trong hợp đồng là 35 triệu đồng/m2; phần chênh lệch 5 triệu đồng/m2 để chia nhau.
Liên quan tới vụ việc này, tháng 9-2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh để điều tra về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng tại PVC. Xác định bị can đã bỏ trốn, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với bị can này.
Bình luận (0)