Tối 3-8, Đài truyền hình Việt Nam phát đi thông tin liên quan đến việc Trịnh Xuân Thanh đầu thú vào ngày 31-7 tại Bộ Công an.
Xuất hiện trên bản tin khá gầy và mệt mỏi, song với thái độ bình tĩnh, bị can Trịnh Xuân Thanh nói về nguyên nhân, quá trình trốn chạy cũng như lý do về Việt Nam đầu thú.
Trong đơn đầu thú, Trịnh Xuân Thanh viết: "Tôi thấy lo sợ về kết luận vi phạm của tôi, và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã trốn tại Đức. Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh, bấp bênh, luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình và bạn bè, tôi đã về Việt Nam và đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật.
Trịnh Xuân Thanh - Ảnh chụp màn hình
"Trong quá trình trốn chạy, thấy mình đã làm những điều rất nông nổi, suy nghĩ không chín chắn. Trong quá trình như vậy thì suy nghĩ thấy mình cần phải về để đối diện với sự thật, về để gặp lại mọi người. Đặc biệt là với lãnh đạo, mình nhận thức được là phải báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi" - Trịnh Xuân Thanh nói trong chương trình thời sự VTV lúc 19 giờ ngày 3-8.
Ngày 31-7, thông tin từ Bộ Công an cho biết bị can Trịnh Xuân Thanh (SN 1966; nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Trịnh Xuân Thanh sinh ngày 13-2-1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội, là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19-9-2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an. Như vậy, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú sau gần 10 tháng bị truy nã quốc tế.
Đơn xin tự thú của Trịnh Xuân Thanh - Ảnh chụp màn hình
Sự việc về Trịnh Xuân Thanh bắt đầu được dư luận quan tâm vào đầu năm 2016, khi ông Trịnh Xuân Thanh, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, sử dụng xe Lexus tư nhân gắn biển số xanh khiến dư luận bức xúc. Sau đó, Văn phòng Trung ương Đảng ngày 9-6-2016 có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc yêu cầu nhanh chóng kiểm tra, kết luận vụ "xe tư nhân gắn biển số xanh". Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo, các cơ quan trung ương vào cuộc xác minh, làm rõ, trong đó có Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Ngày 11-7-2016, Ủy ban Kiểm tra trung ương ra thông báo kết luận: Trong thời gian từ năm 2007-2013, Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng.
Ngày 18-7-2016: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ban Thường vụ Đảng ủy Công an trung ương chỉ đạo các đơn vị điều tra việc để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng ở PVC.
Cuối tháng 7-2016: Trịnh Xuân Thanh được cho là rời Việt Nam khi gửi đơn đến Tỉnh ủy Hậu Giang xin nghỉ phép từ ngày 25 đến 29-7-2016. Ngày 19-8-2016, Trịnh Xuân Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ 1 tháng (từ ngày 3-8 đến ngày 2-9-2016) và không rõ tung tích từ đó.
Ngày 15-9-2016, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên. Nhiều cán bộ của PVC đã bị khởi tố, trong đó có Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định đối tượng đã bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã quốc tế với lệnh truy nã đỏ.
Ngày 15-3-2017: Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án lừa đảo bán đất cho gần 500 khách hàng ở dự án khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội), Hội đồng Xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội xác định nghi can Trịnh Xuân Thanh có liên quan nên đã công bố quyết định khởi tố đối tượng này về tội "Tham ô tài sản".
Bình luận (0)