“Việc bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng vẫn lắm nhiêu khê; xa nhu cầu của người dân, yêu cầu từ pháp luật và cả với năng lực những người tham gia tố tụng” - TS Dương Thị Thanh Mai, chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp, bày tỏ băn khoăn tại hội thảo “Thực trạng thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền bào chữa và quyền có người đại diện pháp lý, người bảo vệ quyền của cá nhân trong quá trình tố tụng tư pháp trên địa bàn TP HCM” do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 8-10 ở TP HCM.
Dân khó tiếp cận
Bà Mai cho biết TP HCM hiện có 4.000 luật sư (LS) nhưng tỉ lệ án hình sự có LS bào chữa ở quận, huyện chỉ chiếm 10%, cấp sơ thẩm ở TAND TP là hơn 20%, đến cấp phúc thẩm là dưới 36%. Theo thống kê, từ đầu năm 2015 đến nay, TP xử sơ thẩm 472 vụ án với hơn 1.000 bị cáo hầu tòa nhưng chỉ 203 bị cáo có LS bào chữa. Tương tự, cấp phúc thẩm xử 623 vụ, có hơn 770 bị cáo, trong đó 43 bị cáo có LS bào chữa.
Lý giải về việc tỉ lệ người dân được trợ giúp pháp lý (TGPL) còn thấp, theo VKSND TP, để được TGPL miễn phí, người dân phải có nhiều loại giấy tờ chứng minh mình thuộc diện trợ giúp nhưng lúc đó, họ đã bị bắt, tạm giữ, tạm giam. Chưa kể, khi thuê LS thì người dân cũng không có nhiều thông tin về danh sách, năng lực LS cũng như bảng giá chuẩn về mức thù lao để làm cơ sở thỏa thuận…
Ông Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước TP HCM, cho rằng pháp luật về TGPL quy định trong nhiều văn bản dẫn đến chồng chéo. Luật chưa xác định rõ vai trò bào chữa, bảo vệ đối với trợ giúp viên pháp lý cũng như chưa nêu nghĩa vụ thực hiện các quy định về TGPL đối với cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo ông Trương Thế Trọng, Phó Chánh Tòa Hành chính - TAND TP HCM, nhu cầu TGPL hoặc ủy quyền cho người khác làm đại diện của người dân là có thực và ngày càng cao. “Tuy nhiên, tôi chưa thấy trường hợp nào mà người bị đề nghị xử lý tại tòa hành chính yêu cầu có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Qua đó cho thấy những người tiến hành tố tụng, mà tòa án đóng vai trò trung tâm, chưa thông tin, giải thích cụ thể quyền được TGPL cho người dân”.
Mở rộng đối tượng
Về đối tượng TGPL, ông Nguyễn Minh Chánh cho rằng quy định còn nhiều bất cập. Tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo thường xuyên thay đổi, khó xác định đối tượng “người già cô đơn, không nơi nương tựa…”. Ông Chánh đề nghị nên mở rộng đối tượng được TGPL đến người chưa thành niên, người cao tuổi, diện cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, phụ nữ bị bạo hành, người mới ra tù…
VKSND TP cũng đề xuất mở rộng mô hình văn phòng LS vì người nghèo; đối tượng được cử người bào chữa là trường hợp bị can, bị cáo phạm tội có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Trung tâm TGPL tư nhân hoạt động... âm thầm
LS Trần Cao Phú, Giám đốc Công ty Luật Trần Cao, cho biết từ khi Sở Tư pháp TP cấp quyết định thành lập trung tâm TGPL cho công ty đến nay, ông và đồng nghiệp vẫn… âm thầm hoạt động. Trung tâm có 22 LS làm công tác TGPL nhưng không nhận bất kỳ giấy chứng nhận hay con dấu để thực hiện nhiệm vụ. Tất cả tòa án, VKS đều niêm yết trung tâm TGPL nhà nước chứ không thấy thông tin về trung tâm tư nhân. “Trung tâm của chúng tôi ở huyện Nhà Bè (TP HCM) nhưng người dân địa phương không hề biết đến. Ít ra, Sở Tư pháp TP phải nắm thông tin tất cả trung tâm TGPL ở từng quận, huyện và thông tin cụ thể đến người dân” - ông Phú trình bày.
Bình luận (0)