xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trở về từ hải chiến Trường Sa: Chống chọi bệnh tật

MẠNH DUY - HOÀNG DŨNG - TRỌNG ĐỨC

Hầu hết cựu binh Trường Sa trở về đều mang trong người những vết thương hoặc di chứng sau trận hải chiến 14-3-1988. Cuộc sống khó khăn, không điều kiện chữa trị, bệnh tình của họ ngày càng trở thành gánh nặng cho gia đình.

Có 2 con trai từng khoác áo hải quân (HQ) nhưng hàng chục năm nay, bà Lê Thị Ty luôn sống trong nỗi đau giằng xé vì ai trở về cũng mang theo những di chứng nặng nề.
Anh con trai lớn đi bộ đội năm 1980, giải ngũ với căn bệnh thần kinh quái ác. Anh con trai thứ 2 là Bùi Văn Thanh, tham gia tàu HQ-505 chiến đấu bảo vệ đảo Cô Lin ngày 14-3-1988, trở về chẳng bao lâu cũng không khác gì người tàn phế.
img
Anh Bùi Văn Thanh hoàn toàn mất sức lao động, phải sống dựa vào vợ và mẹ. Ảnh: MẠNH DUY

 

Gan lì bám trụ Cô Lin

“Năm 1985, Thanh lén gia đình tình nguyện viết đơn đăng ký vào HQ khi mới 17 tuổi. Khi phát hiện, tôi mắng vì không hỏi ý kiến mẹ thì Thanh khóc và bảo trở thành lính HQ là ước mơ lớn nhất của nó. Là con út trong nhà, Thanh thiệt thòi hơn vì mất cha từ trong bụng mẹ” - bà Ty lo lắng.

Vào bộ đội, Thanh được cử đi đào tạo ở Trường Cơ điện HQ - TPHCM để trở thành thợ máy trên tàu của Quân chủng HQ. “Sau một thời gian ở TP, tôi được biên chế thành thợ máy tàu HQ-505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ” - anh nhớ lại.

Đại tá - anh hùng Vũ Huy Lễ, hiện đã về hưu ở Hải Phòng, 25 năm nay vẫn không quên hình ảnh “chiến hữu” Bùi Văn Thanh. “Thanh có công lớn trong việc sửa chữa máy, cùng anh em khắc phục sự cố khi tàu HQ-505 bị dính đạn pháo của HQ Trung Quốc (TQ). Nhờ công của Thanh và nhiều thợ máy khác mà tàu HQ-505 vẫn đủ sức lao lên được đảo Cô Lin” - ông Lễ cảm kích.

Theo đại tá Lễ, trên con tàu anh hùng HQ-505, Thanh là một trong những người trẻ nhất - mới tròn 20 tuổi - nhưng cũng là chiến sĩ gan lì nhất. “Cùng với 9 chiến sĩ khác, cậu ấy xin ở lại Cô Lin với tôi sau ngày 14-3-1988. Tháng 6-1988, khi có đoàn khác ra trực giữ đảo thay, Thanh vẫn xin ở lại. Đến cuối năm 1988, cậu ấy mới chịu vào bờ. Thanh là người bám trụ Cô Lin lâu nhất” - ông Lễ cho biết.

“Thời ấy, thanh niên sức vóc như tôi luôn xung phong làm việc nặng. Chẳng hạn, khi tàu HQ-505 lao lên đảo Cô Lin, tôi và 5 đồng đội nhào xuống biển vác mỏ neo cột vào san hô. Việc chống cháy, chống chìm cho tàu hay kéo xuồng đến ứng cứu đồng đội bên đảo Gạc Ma…, chúng tôi đều làm bằng tay” - anh Thanh nhớ lại.
Giai đoạn xả thân, làm việc quá sức nhằm bảo vệ Cô Lin đã để lại di chứng nặng nề. Chẳng bao lâu sau khi xuất ngũ, năm 1997, anh bị bệnh gai cột sống, đi lại hết sức khó khăn và phải điều trị ở nhà đến nay.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở huyện Thủy Nguyên - TP Hải Phòng mà nước mắt của người thợ máy trên con tàu anh hùng năm nào cứ ứa ra vì từng cơn đau hành hạ. “Tôi bị nhiều năm nay rồi nên cũng quen, áy náy nhất là mọi gánh nặng trong gia đình đều dồn lên vai vợ. Từ khi tôi phải ngồi một chỗ, cô ấy cáng đáng hết mọi việc trong gia đình” - anh Thanh ái ngại.

img

Hầu như ngày nào anh Phan Văn Đức cũng ra bãi biển Đà Nẵng nhìn ra đại dương… Ảnh: HOÀNG DŨNG

Hồn ở lại Gạc Ma

Nhiều năm nay, hình ảnh một người đàn ông gầy yếu hầu như ngày nào cũng lang thang trên bãi biển Sơn Trà hoặc ngồi bất động đưa mắt thẫn thờ nhìn ra đại dương mênh mông đã trở nên quen thuộc với người dân Đà Nẵng. Đó là cựu binh Phan Văn Đức, một trong những chiến sĩ trên tàu HQ-604 bảo vệ đảo Gạc Ma 25 năm trước.

Trưa 14-3-2013, chúng tôi lại bắt gặp anh Đức ngồi lặng lẽ bên bờ biển Sơn Trà, mắt nhìn xa xăm qua sóng nước bao la. “Hơn 10 năm nay, có lẽ ám ảnh bởi cuộc chiến ngày nào nên anh ấy vẫn thường lang thang trên biển như vậy” - chị Lê Thị Bé, vợ anh, cho biết.

25 năm đã trôi qua nhưng Đức vẫn nhớ như in thời khắc sáng 14-3-1988, khi anh và đồng đội dồn sức giữ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma vì bị HQ TQ tấn công. “Không giật được cờ, lính TQ đã nổ súng bắn thẳng vào chúng tôi. Tôi bị thương, được đồng đội cứu đưa về đảo Sinh Tồn chữa trị” - anh kể.

Đức cho biết từ ngày trở về, trong giấc ngủ hằng đêm, trận hải chiến Gạc Ma cứ lởn vởn trong đầu anh. Rồi như người mất hồn, anh cứ lang thang ngoài biển. “Lâu nay, anh Đức không làm gì được. Năm 1992, khi tôi sinh đứa con thứ 2 thì cũng là lúc bệnh tình anh ấy trở nặng, khó khăn càng chồng chất. Tôi hằng ngày đi mua từng mớ cá về bán lại kiếm lời lo cho chồng con” - chị Bé tâm sự.

Từ ngày anh Đức phát bệnh, gia đình quyết định bán căn nhà để lấy tiền chữa trị cho anh rồi sang sống nhờ người em vợ. “Bệnh tình của anh Đức vẫn không thuyên giảm. Tôi phải nghỉ bán cá để ở nhà, vừa giữ trẻ thuê cho hàng xóm vừa chăm lo cho anh ấy. Vừa qua, vì không có tiền nên con trai chúng tôi đang học năm thứ nhất đại học đành nghỉ ngang để đi làm công nhân…” - chị Bé buồn bã.

Chung tay hỗ trợ chiến sĩ Trường Sa

Theo yêu cầu của rất nhiều bạn đọc qua loạt bài Bi hùng hải chiến Trường Sa Trở về từ hải chiến Trường Sa, Báo Người Lao Động sẽ làm cầu nối để mọi người cùng chung tay đóng góp nhằm tri ân, giúp đỡ những cựu binh tham gia trận hải chiến 14-3-1988 và thân nhân liệt sĩ hiện gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Mọi đóng góp, hỗ trợ các cựu binh và gia đình liệt sĩ Trường Sa qua ngân hàng, xin ghi: Báo Người Lao Động, số tài khoản: 102010000094045, Ngân hàng Thương mại CP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh TPHCM, kèm theo nội dung gửi: “Tri ân chiến sĩ Trường Sa”.

Nếu đóng góp trực tiếp, bạn đọc có thể đến trụ sở Báo Người Lao Động, cao ốc 123 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3 - TPHCM (tầng 7, Ban Công tác Bạn đọc).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo