Từ khi người con trai Phan Tấn Dư hy sinh ở đảo Gạc Ma - Trường Sa, cụ Lê Thị Niệm ở với người con gái út Phan Thị Nhung ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa - Phú Yên. Đã 85 tuổi, lưng còng nhưng hằng ngày, cụ Niệm vẫn cùng con gái quần quật bên luống khoai, thửa ruộng để lo miếng ăn. “Lo nhất là đến ngày giỗ anh Dư, má bảo kiếm gì đó trong nhà bán để làm mâm cơm cúng tươm tất hơn chút nhưng đâu còn thứ gì để bán…” - chị Nhung buồn bã.
Ám ảnh trong mơ
Không tìm ra hài cốt, 25 năm nay, người thân của các liệt sĩ vẫn gặp lại các anh trong những giấc mơ khắc khoải. Bà Nguyễn Thị Gái, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (xã Mê Linh, huyện Đông Hưng - Thái Bình), băn khoăn: “Cứ đến những ngày gần giỗ là tôi lại nằm mơ thấy Phương. Nó chỉ luẩn quẩn sau lưng tôi, chưa bao giờ cho mẹ thấy mặt. Chắc nó sợ nhìn thấy tôi già yếu, bệnh tật thế này. Mới đây, Phương lại “về”, đưa tay ôm mẹ từ sau lưng, tôi mừng quá quay lại thì nó đi mất…”.
Em gái liệt sĩ Phương, chị Nguyễn Thị Thoa, cũng thường gặp anh trai trong những giấc mơ. “Có lần, tôi mơ thấy anh quanh quẩn trong nhà, bảo rằng lo lắng cho bố mẹ đã già lại đau yếu, cuộc sống khó khăn. Phương bảo anh chưa thể yên lòng vì bố mẹ chưa có một chỗ dựa vững chắc khi tuổi già ập đến” - chị kể.
Gia đình liệt sĩ Phạm Hữu Doan, thuyền phó tàu HQ-604 giữ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1968 (quê Thái Thụy - Thái Bình), vừa được địa phương xây tặng căn nhà tình nghĩa. “Trước đây, gia đình sống trong căn nhà tồi tàn, không biết sụp đổ lúc nào. Giờ đây, có lẽ anh ấy đã được yên lòng” - em gái liệt sĩ Doan xúc động.
Chưa thể yên lòng
Đại tá - anh hùng Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 trấn giữ đảo Cô Lin năm nào, cho biết cuộc sống của nhiều cựu binh Trường Sa hiện rất ngặt nghèo. “Một trong những trường hợp thương tâm nhất là Bùi Văn Thanh ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng. Cậu ấy bị vẹo cột sống nhưng gia đình quá khó khăn, không thể chạy chữa” - ông trăn trở.
Từ ngày về hưu, đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, người trực tiếp chỉ huy Cụm 2 Trường Sa - trong đó có các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin năm 1988 - vẫn thường mang ba lô đi tìm lại đồng đội và gia đình các liệt sĩ để tìm cách phụ giúp những trường hợp khó khăn. “Tôi vừa được xuất viện sau chuyến tìm đồng đội ở Đắk Lắk, giờ đang vào TP Cam Ranh - Khánh Hòa thăm gia đình liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh” - ông cho biết.
Đại tá Trần Minh Cảnh, nguyên phó chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, cho rằng không thể thờ ơ với những trường hợp cựu binh hay gia đình liệt sĩ Trường Sa đang gặp khó khăn. “Chúng tôi đã hô hào nhau góp tiền để giúp đỡ họ phần nào nhưng chẳng thấm vào đâu. Lính vốn đã nghèo, khi xuất ngũ, về hưu thì đâu có nhiều điều kiện? Giá như có được nguồn quỹ nào đó để giúp họ vượt lên những lúc khó khăn thì còn gì bằng…” - ông ao ước.
Mong một nơi tưởng niệm Trong ngày giỗ liệt sĩ Trương Văn Thịnh (phường 9, TP Tuy Hòa - Phú Yên) mới đây, gia đình anh đã thổ lộ niềm mong mỏi bấy lâu: “Giá như chúng tôi được một lần ra thăm Trường Sa, được tận mắt thấy nơi con em mình nằm lại để thắp cho nó nén hương”. Có lẽ đó cũng là nỗi niềm chung của thân nhân 64 liệt sĩ Gạc Ma. Đại tá Trần Minh Cảnh cho rằng sẽ ấm lòng biết bao đối với gia đình những liệt sĩ Trường Sa khi có một tượng đài hay bia tưởng niệm để thế hệ trẻ ngưỡng vọng và tri ân. “Đó cũng là cách nuôi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào cho thế hệ trẻ” - ông nhìn nhận. TP Cam Ranh hiện có một tượng đài tưởng niệm chung quân nhân Liên Xô và Việt Nam, gồm cả 64 chiến sĩ hy sinh ở Trường Sa ngày 14-3-1988. Chúng ta vẫn chưa có một tượng đài riêng để tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa. Theo đại tá Vũ Huy Lễ, nếu xây dựng tượng đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa thì không nơi nào ý nghĩa bằng đảo Cô Lin. “Đó là nơi nhìn rõ Gạc Ma nhất, cũng là nơi nhiều chiến sĩ đã đổ máu để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - ông cho biết. |
Bình luận (0)