* Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về việc sáng 9-6, tàu cá Trung Quốc với sự yểm trợ của 2 tàu ngư chính lại cắt cáp tàu Viking II trong khu vực thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam?
- Tiến sĩ Trần Công Trục:
Liên tiếp trong thời gian ngắn, phía Trung Quốc có hai hành động thô bạo, trắng trợn và vi phạm quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên.
Sau vụ tàu Bình Minh 02, chúng ta đã có sự phản đối mạnh mẽ, đúng lúc, cương quyết nhưng vẫn giữ thái độ kiềm chế và hòa bình, cùng với đó là sự phản đối kịch liệt từ các học giả quốc tế đến các quan chức chính phủ của các quốc gia trong khu vực đối với hành vi của tàu hải giám Trung Quốc.
Nhưng đáng lên án là Trung Quốc đã bất chấp và tiếp tục leo thang, bộc lộ rõ mục đích, có hệ thống khi trong sáng 9-6, một tàu cá Trung Quốc với sự yểm trợ của 2 tàu ngư chính đã lao vào cắt cáp của tàu Viking II do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D trong khu vực thềm lục địa Việt Nam.
Hành động của phía Trung Quốc rất bài bản, từ việc trên thực địa thì gây hấn với tàu địa chấn, còn về mặt tuyên truyền thì một mực đưa ra yêu sách về “đường lưỡi bò” và khẳng định Việt Nam vi phạm chủ quyền.
* Tại sao phía Trung Quốc liên tục cản trở việc thăm dò địa chấn của PVN, thưa ông?
- Việc cản trở này là một trong những kế hoạch hành động nhằm đạt được tham vọng phi lý “đường lưỡi bò” của phía Trung Quốc. Họ muốn chứng tỏ rằng đây là nằm trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền của họ hay chí ít nhằm biến đây là vùng tranh chấp, chồng lấn để đạt được yêu sách “đường lưỡi bò” trên biển Đông.
Hải quân Việt Nam trong một đợt tập luyện. Ảnh: Tư liệu
Không chỉ Việt Nam mà Trung Quốc còn tiến hành cản trở, gây hấn đối với Malaysia, Philippines… ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước này. Họ muốn dồn ép các nước có lợi ích trên biển Đông, trong đó có Việt Nam, phải ngồi vào đàm phán song phương.
Điều này có nghĩa là công nhận quyền của họ đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như của các nước khác. Đây chính là mục tiêu của họ.
* Hành động của phía Trung Quốc vừa qua phải chăng là sự lo sợ về yêu sách “đường lưỡi bò” sẽ không đạt được và bị cộng đồng quốc tế phản đối, thưa ông?
- Đúng là như vậy. Trong thực tế, Trung Quốc luôn bằng mọi cách nhằm thực hiện được tham vọng của mình. Và việc cản trở 2 tàu địa chấn vừa qua là hành động cụ thể, trong khi trước đó, họ liên tục có hành động uy hiếp tàu cá Việt Nam…
Tuy nhiên, Việt Nam không có gì để đàm phán với Trung Quốc về quyền chủ quyền không thể chối cãi đối vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam chỉ đàm phán là sẽ kiện hay có hành động đáp trả đối với sự vi phạm của tàu nước họ chứ không phải đàm phán về tranh chấp các vùng biển.
Các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế luôn nhìn rõ tham vọng này và đã có sự bất bình, phản ứng dữ dội. Và việc người dân các nước bày tỏ sự phản đối, bất bình đối với Trung Quốc là phản ánh đúng tình hình thực tế và cần thiết.
Cần có hành động cụ thể trên thực địa
Đề cập hành động tiếp theo của Việt Nam trước diễn biến mới trên biển Đông, tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng: Bên cạnh việc tiếp tục cho cộng đồng quốc tế thấy rõ bản chất vụ việc cũng như khẳng định chủ quyền, đã đến lúc Việt Nam phải có những biện pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn trong đấu tranh ngoại giao, pháp lý.
Bên cạnh việc tuyên bố chủ quyền, có công hàm phản đối, cũng như công hàm gửi Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam cần có hành động cụ thể trên thực địa. Trong trường hợp tàu Trung Quốc tiếp tục vi phạm thì tàu chức năng của Việt Nam có quyền kiểm tra, kiểm soát và lập biên bản tàu của Trung Quốc vi phạm chủ quyền. Đây là hành động rất cần thiết hiện nay. Nếu hành vi của tàu Trung Quốc trắng trợn và nguy hiểm thì có áp giải, bắt giữ để xét xử theo pháp luật quốc tế quy định về quyền của quốc gia ven biển. |
Bình luận (0)