xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc đe dọa cả khu vực

Văn Duẩn - Dương Ngọc

Việc đưa tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là bước leo thang mới, bộc lộ tham vọng của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đông

Chiều 18-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, khẳng định việc Trung Quốc (TQ) đưa tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là trái với luật pháp quốc tế và đe dọa đến tình hình an ninh khu vực.

Rất dễ xung đột vũ trang

Ông Lê Kế Lâm cho rằng Mỹ, Nhật, Úc đều phản đối TQ quân sự hóa ở biển Đông. Vấn đề này phải dùng từ “TQ từng bước tăng cường sức mạnh ở biển Đông” mới chính xác bởi quân sự hóa thì năm 1974, TQ đã chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và từ đó xem quần đảo là tiền đồn của nước này ở biển Đông. Tiếp đó, năm 1988, TQ tiếp tục chiếm các bãi đá của chúng ta ở quần đảo Trường Sa nhưng họ chưa có sức mạnh vươn xa.

Đảo Phú Lâm nhìn từ trên không Ảnh: AMUSINGPLANET.COM
Đảo Phú Lâm nhìn từ trên không Ảnh: AMUSINGPLANET.COM

Việc TQ đưa hệ thống tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm là nhằm mục đích này. Khi đã triển khai xong và đưa được lực lượng mạnh ra đảo Phú Lâm, từng bước họ sẽ quân sự hóa 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam mà họ đang chiếm đóng trái phép và đang biến thành những đảo nhân tạo để từng bước quân sự hóa mạnh mẽ, ngày càng đe dọa các nước trong khu vực biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia…

“TQ đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm, nếu không ai lên tiếng hay ngăn cản thì sẽ thực hiện những hành động tương tự ở các hòn đảo khác mà họ đã chiếm của chúng ta ở Trường Sa. Khi TQ đã quân sự hóa, tăng cường được sức mạnh quân sự thì rõ ràng tình hình an ninh ở biển Đông hết sức căng thẳng bởi dã tâm của họ là rất lớn. Điều đó sẽ rất dễ nổ ra những cuộc xung đột vũ trang” - ông Lâm bình luận.

Ngoài ra, ông Lê Kế Lâm khẳng định hành động của TQ sẽ đe dọa rất lớn đến an toàn của các máy bay dân sự bay qua khu vực biển Đông, đặc biệt là khu vực Hoàng Sa để đi các nước vùng Đông Á. Lời nói của TQ thường không đi đôi với việc làm. Giữa lời nói của lãnh đạo cấp chiến lược với hành động của cấp dưới cũng không nhất quán.

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, nhận định việc TQ đưa tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm trong bối cảnh này là một sự đáp trả, thách thức trắng trợn mang tính đe dọa để phản ứng đối với Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ vừa diễn ra. Qua động thái này, TQ cũng muốn thử xem phản ứng của quốc tế như thế nào. “Tôi cho rằng một cuộc xung đột trong tương lai có thể diễn ra nếu như quốc tế không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hành động leo thang phi pháp này của TQ” - ông Trục nói.

Bước đi chiến thuật

Theo ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao - đây chỉ là bước đi chiến thuật nhưng hàm ý lâu dài, có thể thay đổi bức tranh chiến lược tổng thể ở khu vực. Xét về mặt quân sự, vài hệ thống tên lửa có thể chưa là gì nhưng tích lũy từng bước sẽ rất nguy hiểm, là vấn đề rất nghiêm trọng.

“TQ triển khai mọi việc một cách lặng lẽ, chỉ đến khi bị phát hiện, dư luận mới biết. Rõ ràng những hành động đó là hết sức nguy hiểm, trái với cam kết ngoại giao mà TQ đã có với ASEAN cũng như với các nước trong khu vực và trên thế giới về việc không quân sự hóa, không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông” - ông Thái đánh giá và cho rằng nếu chúng ta không có biện pháp phản đối mạnh lúc này, điểm này thì TQ sẽ lấn tới ở những chỗ khác.

Theo ông Thái, nên đưa vấn đề này ra công khai để công luận thấy rõ TQ bất nhất giữa lời nói và hành động. Việt Nam không triển khai đáp trả để làm phức tạp thêm tình hình song cần dùng truyền thông và biện pháp ngoại giao, trong đó có đối thoại, yêu cầu giải thích, đặc biệt là các cơ chế ngoại giao đa phương để tạo sức ép yêu cầu TQ phải cam kết và ngừng những hành động như trên.

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng Việt Nam, đặc biệt là lực lượng quân đội, cần hết sức quan tâm, theo dõi sát sao, chặt chẽ. “Chúng ta cần cảnh giác và sẵn sàng” - Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nói.

Nguy cơ từ tên lửa chống hạm

Bộ Quốc phòng TQ hôm 18-2 ngang nhiên xác nhận từ lâu đã đưa vũ khí ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Tuy nhiên, bộ này không nói rõ loại vũ khí nào đang có mặt trên đảo. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định đang có bằng chứng về việc TQ quân sự hóa biển Đông và Washington dự kiến tổ chức một cuộc trò chuyện “hết sức nghiêm túc” với Bắc Kinh về vấn đề này. Từ Nhà Trắng đến nhiều quan chức Lầu Năm Góc cùng chung quan điểm sẽ tiếp tục tuần tra ở biển Đông bất chấp tên lửa của TQ.

Trong bài viết đăng ngày 18-2, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn nhận định của học giả TQ đe dọa nếu căng thẳng với Mỹ tiếp tục gia tăng, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh hoạt động quân sự, thậm chí đưa tên lửa chống hạm ra biển Đông (tên lửa đang ở Phú Lâm thuộc loại đất đối không HQ-9).

Theo tình báo hải quân Mỹ, tên lửa diệt hạm TQ, đặc biệt là loại DF-21D, thừa sức vô hiệu hóa, thậm chí đánh chìm tàu sân bay Mỹ. Ông Jerry Hendrix, chuyên gia quân sự tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định các chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ hiện nay, như F-18 Super Hornet hay F-35C, có tầm hoạt động 800-1.000 km. Nếu muốn máy bay tấn công các mục tiêu trong đất liền TQ, tàu sân bay Mỹ phải áp sát bờ biển nước này và nằm trọn trong tầm bắn hiệu quả gần 1.500 km của DF-21D. H.Bình

 

GÓC NHÌN

Sau Hoàng Sa, đích nhắm là Trường Sa

Cho đến giờ, mối quan ngại của Mỹ và những nước khác về việc Trung Quốc (TQ) quân sự hóa biển Đông chỉ mới tập trung vào những đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị TQ chiếm giữ trái phép) đã bị quân sự hóa lâu nay. Đường băng ở đó gần đây được kéo dài đến 3.048 m. Ngoài ra, trên đảo còn nhà chứa máy bay và máy bay quân sự. Vào năm ngoái, phiên bản mới nhất của chiến đấu cơ J-11 BH/BHS đã được triển khai đến đó. Một hòn đảo khác là nơi đặt trạm tình báo tín hiệu (SIGINT). Những hình ảnh vệ tinh mới đây dường như cho thấy TQ tăng cường xây dựng trái phép trên 2 đảo là Đá Bắc và Đảo Cây, thuộc nhóm đảo An Vĩnh của Hoàng Sa.

Việc TQ triển khai hệ thống phòng không tinh vi và nguy hiểm đến biển Đông rõ ràng là động thái nhằm trả đũa hoạt động của máy bay Mỹ cũng như chiến dịch tuần tra tự do hàng hải gần đảo Tri Tôn của Mỹ.

Việc đưa 8 bệ phóng tên lửa đất đối không lên đảo Phú Lâm cho thấy trong tương lai gần TQ có thể triển khai các hệ thống tương tự tới quần đảo Trường Sa, lấy cớ là để đối phó mối đe dọa từ Mỹ. Những hành động của TQ làm gia tăng nguy cơ đối với hoạt động tuần tra hàng hải của Mỹ xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Tên lửa đất đối không cũng đe dọa những máy bay hỗ trợ cho hoạt động của tàu chiến Mỹ trong lúc tham gia chiến dịch tự do hàng hải ở Hoàng Sa trong tương lai.

Đường băng trên đảo Phú Lâm đủ chỗ hoạt động cho các loại chiến đấu cơ như Su-27, Su-30MKK, máy bay ném bom H-6 hay các máy bay vận tải quân sự cỡ lớn. Trong số những cơ sở gần kề đường băng có 4 nhà chứa máy bay. Giao thông hàng không ở đó do một loại radar băng tầng X kiểm soát. Những cơ sở hạ tầng quân sự khác trên đảo Phú Lâm gồm có các bến tàu hải quân có khả năng làm nơi neo đậu của tàu khu trục và kho tiếp nhiên liệu.

TQ cũng cho xây dựng cơ sở quân sự ở những nơi khác tại Hoàng Sa, như trạm dự báo thời tiết đặt ở đảo Hoàng Sa và trạm phát vô tuyến định vị trên đảo Hữu Nhật. Các bến tàu ở đảo Quang Hòa cũng đang được mở rộng. Ngoài ra, một trạm tình báo tín hiệu (SIGINT) đi vào hoạt động trên Đảo Đá từ năm 1995. Trạm này có thể cung cấp những cảnh báo trên mặt đất và trên không cũng như hỗ trợ các sứ mệnh trên không hoặc trên biển. Một số nguồn tin còn cho biết TQ có thể đã đưa tên lửa hành trình chống hạm HY-2 tới đảo Phú Lâm.

GS Carl Thayer

(Học viện Quốc phòng Úc)

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo