Ngày 14-5, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục đồng hành cùng các chiến sĩ trên tàu Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam 8003 làm nhiệm vụ chấp pháp tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 do Trung Quốc hạ đặt trái phép.
Đúng 7 giờ, nhận lệnh từ sở chỉ huy, tàu CSB 8003 cùng các tàu 2013, 2015, 2016, 4032, 4033 chia làm 2 biên đội và các tàu kiểm ngư khác của Việt Nam tiếp tục cơ động làm nhiệm vụ tiến sâu vào khu vực giàn khoan trái phép của Trung Quốc.
Máy bay liên tục quần thảo
Tàu Việt Nam phát loa truyền đi thông điệp: Trung Quốc đang hoạt động phi pháp trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Yêu cầu Trung Quốc dừng mọi hoạt động phi pháp, rút ngay giàn khoan, đưa các tàu hộ tống rời khỏi khu vực này. Tuy nhiên, khi thấy tàu CBS 8003 vừa xuất hiện, lập tức các tàu Trung Quốc áp sát, hăm dọa.
Khoảng 8 giờ, trên tàu CSB 8003, chúng tôi quan sát thấy một máy bay quần lượn ở vị trí giàn khoan Hải Dương 981. Cùng lúc này, 5 tàu của Trung Quốc tăng tốc độ tiến tới kèm sát tàu CSB 8003 của Việt Nam. Trong các tàu Trung Quốc, tàu mang số hiệu 3411 tỏ ra rất hung hăng, luôn theo sát với khoảng cách chưa đầy 100 m. Các tàu Trung Quốc 46102, 45011 cũng lăm le hăm dọa chạy cắt mũi nhằm chặn hướng tiến vào giàn khoan của tàu CSB Việt Nam 8003.
Theo quan sát, cách tàu 8003 của Việt Nam không xa, tàu CSB Việt Nam 2016 cũng bị nhiều tàu Trung Quốc áp sát. Khoảng 8 giờ 30 phút, tàu CSB Việt Nam 2016 bị tàu 46102 của Trung Quốc kèm sát, suýt đâm vào hông.
Sau đó, tàu 46102 Trung Quốc tiếp tục lao về phía tàu CSB Việt Nam 8003 với tốc độ cao, cùng với tàu 411 Trung Quốc kèm sát hai bên mạn tàu CSB 8003, rồi liên tục hú còi uy hiếp và ngang ngược phát loa cho rằng đây là vùng biển của Trung Quốc...
Gần 9 giờ cùng ngày, một máy bay cánh bằng mang số hiệu 8321 bay ở độ cao chừng 400 m, liên tục quần lượn trên tàu CSB Việt Nam 8003 và các biên đội tàu khác của Việt Nam tạo nên tình thế cực kỳ căng thẳng. Máy bay này quần lượn nhiều vòng rồi ra khỏi vùng quan sát...
Không để bị mắc mưu
Chiều 14-5, Trung Quốc tiếp tục điều thêm 2 tàu đổ bộ có máy bay trực thăng trên tàu ra khu vực giàn khoan trái phép. Như vậy, ngoài 2 tàu hộ vệ tên lửa mà Trung Quốc đưa ra trước đó, nay với sự xuất hiện của tàu đổ bộ trực thăng càng cho thấy Trung Quốc hết sức trắng trợn xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Mặc dù bị tàu Trung Quốc liên tục uy hiếp, hăm dọa nhưng các cán bộ, chiến sĩ trên tàu CSB Việt Nam 8003 vẫn hết sức bình tĩnh, khôn khéo điều khiển tàu né tránh các hành động khiêu khích từ phía Trung Quốc…
Theo quan sát của phóng viên Báo Người Lao Động, không chỉ ban ngày mà ban đêm, Trung Quốc vẫn bố trí các tàu dày đặc quanh giàn khoan, các tàu này thay nhau rọi đèn chiếu sáng quét rộng gần 10 hải lý quanh giàn khoan trái phép để ngăn cản không cho bất kỳ tàu nào tiếp cận khu vực này.
Phó Tham mưu trưởng tác chiến Vùng 1 CSB Việt Nam, trung tá Lương Cao Khải, cho biết: Hiện tại, vị trí giàn khoan trái phép của Trung Quốc vẫn không thay đổi so với những ngày trước và vẫn có các lớp tàu dày đặc bảo vệ.
“Hơn 80 tàu của Trung Quốc và cả máy bay tuần thám trên không luôn tìm cách ngăn chặn bất kỳ tàu nào tiếp cận giàn khoan. Tuy nhiên, lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn luôn vững vàng thực thi nhiệm vụ tuyên truyền, luôn kiềm chế, không để mắc mưu của tàu Trung Quốc” - trung tá Khải cho hay.
Giữ vững thế trận trên biển
Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh CSB Việt Nam, cho biết trong ngày 14-5, các tàu CSB và kiểm ngư của ta liên tục cơ động tiếp cận từ phía Tây Tây Bắc giàn khoan để tiến hành tuyên truyền khẳng định chủ quyền, yêu cầu giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang có sự gia tăng đáng kể số lượng tàu quân sự và tàu cá vỏ sắt trên khu vực biển này.
Ngoài 2 tàu hộ vệ tên lửa thường xuyên túc trực, Trung Quốc đã điều ra thêm 2 tàu vận tải đổ bộ mang số hiệu 998 và 999 có trọng tải lớn tới 17.000 tấn. Các tàu này cũng được trang bị một bệ phóng tên lửa với 8 ống đối không, pháo 76 mm và 30 mm.
Nếu như một ngày trước, số tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc trên vùng biển này chỉ là 15 chiếc thì hôm qua cũng đã tăng lên 40 chiếc với trọng tải trung bình hơn 100 tấn và rất hung hăng.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh CSB Việt Nam, cho biết các biên đội tàu CSB và kiểm ngư trong những ngày tới vẫn sẽ nhận lệnh tiếp cận ở cự ly 6-7 hải lý.
Tàu CSB 8003 có trọng tải 1.500 tấn của Việt Nam bị các tàu hải cảnh số hiệu 45014, 3411, 46102 và 2112 “bao vây” xung quanh ở cự ly 100 m. Đặc biệt, tàu hải cảnh 46102 chủ động đâm chính diện vào mạn phải tàu CSB 2016. Do tàu CSB 2016 chủ động dừng và lùi máy kịp thời nên tàu hải cảnh của Trung Quốc đã lao qua trước mũi tàu của ta khoảng cách 5 m.
Thiếu tướng Đạm cho biết: “Trung Quốc đang dùng phương án bao vây, khóa chặt các mũi tiếp cận từ các hướng của tàu CSB và kiểm ngư Việt Nam nhưng thế trận trên biển vẫn được CSB giữ vững, bằng chứng là việc ta tiếp cận qua vòng vây 7 hải lý để tiến gần hơn. M.Duy
Bình luận (0)