xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Trường Sa gọi, chúng tôi trả lời”

Bài và ảnh: Mạnh Duy

Những ngày Trường Sa mới giải phóng, họ hăm hở khoác ba lô lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc và lời giục giã từ con tim. Gần 40 năm đã lùi xa nhưng Trường Sa vẫn là hai tiếng thiêng liêng trong họ

Hội Bạn chiến đấu Hải quân khu vực phía Bắc vừa có một cuộc hội ngộ ý nghĩa, ôn lại quá khứ hào hùng cầm súng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Rất nhiều thế hệ người lính đã bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió với phong ba bão táp quanh năm để gây dựng nên một Trường Sa của hôm nay.

Phủ xanh cho Trường Sa

Chúng tôi có may mắn vì được gặp thế hệ những người lính đầu tiên ở Trường Sa khi quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc mới được giải phóng. Từ “mảnh đất chết” chỉ có lô cốt, cát trắng và những rặng san hô, họ biến Trường Sa thành quần đảo của niềm tin và lòng quả cảm.

Trung tá Nguyễn Duy Linh, một bác sĩ về hưu có hơn 3 thập kỷ công tác trong Quân chủng Hải quân, còn lưu giữ nhiều mảnh ký ức về Trường Sa những ngày đầu giải phóng. Bác sĩ Linh là người đầu tiên trong số 5 bác sĩ có mặt ở đảo Trường Sa Lớn sau một năm giải phóng, vào tháng 3-1976.
img
Trung tá - bác sĩ Nguyễn Duy Linh (bìa phải)cùng thủ trưởng cũ là đại tá Lê Chi (ngồi giữa)
và các đồng đội cũ tay bắt mặt mừng trong ngày hội ngộ của những “tâm hồn biển cả”
Ông  vẫn còn nhớ như in từng hòn đảo mà ông và các đồng đội được phân công làm nhiệm vụ. “Tôi được cử ra Trường Sa Lớn cùng anh Võ Hồng Cang ở đảo Song Tử Tây, anh Nguyễn Xuân Xin ở đảo Sơn Ca, anh Vũ Văn Nhương ở đảo Sinh Tồn và anh Tô Bình Thuận ở đảo Nam Yết” - ông Nguyễn Duy Linh nhớ lại.
Trung tá Linh cho biết Trường Sa mới được giải phóng thiếu thốn mọi thứ, trang thiết bị y tế hoàn toàn chưa có gì nên đội quân y của ông Linh phải mang ra đảo từ viên thuốc cho đến những dụng cụ khám chữa bệnh. Mọi thứ ở Trường Sa Lớn vẫn còn rất hoang sơ, chỉ có hai dãy nhà công sự của chế độ cũ để lại được xây ngầm.
Nhưng bàn tay của những bộ đội Cụ Hồ vừa bước ra từ khỏi lửa chiến tranh đã nhanh chóng tạo màu xanh cho quần đảo. Ông Linh nói: “Chúng tôi có mang theo bí ngô nên ăn xong quả là có thể gieo hạt. Từ chỗ chỉ có cây sâm Trường Sa, một loại cây tán thấp, các chiến sĩ thường dùng để pha nước thay cho trà, Trường Sa bắt đầu hình thành những mảng xanh”. Dẫu vậy cũng phải 6 tháng sau, công cuộc phủ xanh quần đảo mới có những kết quả bước đầu.

Niềm vui hội ngộ

Ông Linh còn nhớ rõ trên chuyến tàu ra Trường Sa năm đó còn có lực lượng bộ binh của Quân khu 5, lực lượng pháo phòng không ở mặt trận 559, lực lượng hỏa lực cũng của Quân khu 5. Một trong những người mà theo ông Linh rất hiểu biết và có nhiều đóng góp cho công cuộc tái thiết Trường Sa là đại tá Lê Chi, nguyên trưởng ban hậu cần của Lữ đoàn 126 (Lữ đoàn Trường Sa). 

Đại tá Lê Chi đã gần 80 tuổi, tai đã nặng, nhưng khi ai đó nhắc đến hai chữ Trường Sa là gương mặt ông lại sáng bừng. Ông bảo: “Chúng tôi chịu trách nhiệm tiếp viện cho Trường Sa những ngày đầu sau khi giải phóng. Thời đó bộ đội khổ lắm, thiếu thốn đủ thứ, thực phẩm chủ yếu là đồ hộp, không có rau xanh. Quân nhu cũng thiếu tới mức 2-3 chiến sĩ phải dùng chung một bộ quần áo. Nhưng mọi người vẫn vững tâm, quyết một lòng vượt qua khó khăn để bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc ”.

Hội Bạn chiến đấu Hải quân khu vực phía Bắc và một số vùng lân cận hiện tập hợp hơn 500 cựu binh. Họ là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan, bác sĩ phục vụ trong Quân chủng Hải quân đã về hưu. Không phân biệt cấp bậc, chức vụ, tất cả họ đã  hội ngộ bên nhau.
Trong câu chuyện giữa đại tá Lê Chi và những người lính năm xưa, quá khứ hào hùng về một thời oanh liệt như sống trở lại. “Được gặp lại, nhìn thấy anh em, những người lính năm xưa của mình vẫn còn khỏe mạnh, tôi vô cùng hạnh phúc” - đại tá Chi bộc bạch.

Mơ trở lại Trường Sa

Hội Bạn chiến đấu Hải quân ra đời với mục đích giữ mối liên lạc chặt chẽ giữa các hội viên để thăm hỏi, động viên khi ốm đau, hoạn nạn. Với những kinh nghiệm quý báu của những năm tháng xông pha trên biển họ cũng sẵn sàng tham gia đóng góp ý kiến về công tác xây dựng hải quân khi quân chủng yêu cầu và có điều kiện.

Ở nơi tổ chức lễ gặp mặt bạn chiến đấu hải quân, hàng trăm quân nhân, cựu sĩ quan hải quân nghe đại tá Nguyễn Thế Trinh đọc chương trình công tác và dự kiến hoạt động của hội “Bạn chiến đấu” trong năm 2012 này. Ông Trinh năm nay đã 87 tuổi nhưng giọng nói vẫn sang sảng. Lính hải quân, dù cùng thời hay không thuộc một thế hệ, vẫn có điểm chung là gắn bó với biển đảo quê hương như máu thịt.

Không chỉ có những câu chuyện của quá khứ, ngay cả khi đã bước ra khỏi quân ngũ, đến lúc tuổi xế chiều, tinh thần “Trường Sa gọi, chúng tôi trả lời” vẫn còn nguyên vẹn đối với những người lính già. Đó là lý do mà nhiều người khao khát cháy bỏng được một lần trở lại Trường Sa.
Những năm 1976 - 1978  là giai đoạn vất vả nhưng đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm bác sĩ công tác trong quân chủng hải quân của trung tá Linh và nhiều người khác. Thế nhưng, 34 năm đã trôi qua, ông Linh và đồng đội cũ vẫn chưa một lần có cơ hội thăm lại nơi các ông đã cống hiến những năm tháng sung sức nhất của tuổi trẻ. “Chúng tôi đã đề nghị với quân chủng cho chúng tôi ra thăm lại Trường Sa một lần trước khi chết. Được thế thì mãn nguyện vô cùng” - ông Linh bày tỏ ý nguyện.

Hạnh phúc sau ca bệnh

Những ngày đầu mới ra Trường Sa Lớn, bác sĩ Nguyễn Duy Linh đã phải xử lý một tình huống khó khăn. Một vụ nổ xảy ra trong lúc các chiến sĩ bảo dưỡng vũ khí khiến một người lính đảo bị đứt lìa gần như cả bàn tay. “Khi sự cố xảy ra, chúng tôi đã kịp thời sơ cứu và gửi thương binh đó về đất liền để chữa trị. Sau này, tôi biết đồng chí ấy vẫn giữ được bàn tay nguyên vẹn. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc”- ông Linh hồi tưởng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo