Phóng viên: Viện trưởng từng nói khi có vụ oan sai thì ông cũng đau như nỗi đau của người bị oan sai. Thực tế trong thời gian vừa qua đã có nhiều vụ án oan, sai xảy ra, điển hình như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn. Trong thời gian tới, ngành kiểm sát sẽ có những giải pháp hiệu quả gì để tránh, giảm tình trạng oan sai?
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Chống oan sai là một đòi hỏi rất khắt khe. Trong điều kiện nền pháp chế như hiện nay thì câu chuyện oan sai như là một câu chuyện cấp bách. Ngành kiểm sát coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016. Quốc hội đã có nghị quyết chuyên đề về chống oan sai.
Có nhiều biện pháp khác nhau chống oan sai, bao gồm cả hạ tầng pháp lý và chỉ đạo điều hành.
Trong thời gian vừa qua, chúng ta đang hoàn thiện hệ thống pháp luật như hình sự, tố tụng hình sự... Trong những đạo luật mới này có nhiều quy định nghiêm ngặt về chống oan sai, đảm bảo tranh tụng, gắn chặt quá trình kiểm sát và quá trình điều tra xử lý hình sự, đảm bảo quyền bị can, bị cáo và đảm bảo việc tham gia sớm của luật sư. Trên thực tế những quy định này cần phải được thực thi một cách nghiêm minh.
Về chỉ đạo điều hành, chúng tôi đề cao trách nhiệm kiểm sát viên trong đảm bảo quyền bị can, bị cáo, quyền tranh tụng. Các trường hợp gây ra oan sai phải xin lỗi, bồi thường và cá nhân nào gây ra oan sai sẽ bị xử lý đúng quy định.
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời phóng viên Báo Người Lao Động sáng 25-12 (Ảnh: Hùng Khoa)
Phóng viên: Hôm qua (24-12) tại hội nghị tổng kết 10 năm Luật Phòng, chống tham nhũng ở TP HCM, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhìn nhận có tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng như tòa án, công an, viện kiểm sát… Tham nhũng ắt sẽ gây ra oan án, ông nhận định sao về vấn đề này?
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Trước hết phải nói là tham nhũng khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực. Ở các mức độ khác nhau thì chỗ nào cũng có. Việc đấu tranh chống tham nhũng trong tư pháp thì trên thực tế cũng đã xảy ra mặc dù nó không nhiều nhưng nó cũng đã xảy ra.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan điều tra là phải phát hiện, điều tra và đưa ra xử lý nghiêm minh các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có những biểu hiện tham nhũng trong công tác tư pháp. Năm 2015, chúng tôi đã phát hiện gần 20 vụ tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Việc điều tra và đưa ra xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp của cơ quan tố tụng đã góp phần làm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, đảm bảo công bằng xã hội.
Chủ tịch nước: Không nên phê chuẩn một cách vội vàng!
Sáng 25-12, tại TP HCM, VKSNDTC đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2016. Đến dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá ngành kiểm sát nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng ngành kiểm sát nhân dân vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót cần khắc phục. “Vẫn còn tình trạng chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời tiếp nhận, giải quyết tố cáo, tin báo về tội phạm; phê chuẩn việc bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ sau đó phải chuyển xử lý hành chính hoặc trả tự do do hành vi của bị can chưa đủ cấu thành tội phạm; còn để xảy ra một số trưởng hợp oan, sai; một số cán bộ có sai phạm phải xử lý kỷ luật…” – Chủ tịch nước nhìn nhận.
Chủ tịch nước yêu cầu ngành kiểm sát phải nghiêm túc, thẳng thắn phân tích kỹ để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Theo đó, ngành kiểm sát phải tăng cường, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với một số loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội tham nhũng.
(Ph.Anh)
Bình luận (0)