xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh

Dương Trung Quốc

Thời điểm con tàu Amiral Latouche - Tréville rời bến cảng Sài Gòn ngày 5-6-1911 sang Pháp, trên đó có một người phụ bếp mang tên Văn Ba, là một cái mốc có ý nghĩa, để sau này chúng ta có nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhưng dường như con đường ấy đã hình thành sớm hơn thế, nếu chúng ta đọc bài viết của nhà báo Xô viết Ôxip Manđenstam thuật lại cuộc gặp gỡ với nhà cách mạng Việt Nam trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm mới đặt chân tới Liên Xô với tư cách là một đảng viên cộng sản Pháp (1923). Nguyễn Ái Quốc cho biết năm mới độ 13 tuổi mình đã có ý định sang Pháp với lý do tưởng như rất đơn giản là tìm hiểu xem đằng sau ba chữ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” của nước Pháp thực chất là cái gì. Bởi lẽ đã có một sự khác biệt rất xa giữa những lý tưởng cao đẹp ấy của cuộc Cách mạng Pháp với thực tiễn đen tối mà người trai trẻ Việt Nam nhận thấy trên Tổ quốc của mình lúc này là thuộc địa của Pháp.

Dấn thân để lựa chọn, tìm kiếm

Điều đáng nói là vào thời điểm đầu thế kỷ XX ấy, phong trào Duy Tân và phong trào Đông Du đang nổi lên như những định hướng có tính chỉ đường cho thế hệ trẻ yêu nước. Nhưng Nguyễn Tất Thành chịu ảnh hưởng mạnh hơn với người bạn đỗ cùng khoa cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là Phan Châu Trinh.
 
img
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hơn 18 vạn nhân dân thủ đô Hà Nội sau cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, tháng 2-1946. Ảnh: Tư Liệu

Hai người lên đường qua Pháp vào thời điểm sớm muộn hơn nhau một chút và với hai vị thế khác nhau: Một nhà nho hoạt động chính trị lão luyện  mới được ân xá và vẫn nằm trong vòng kiềm tỏa của thực dân, được sang Pháp như một “thử nghiệm” của chính sách cai trị thực dân khích lệ sự “đề huề” hơn là sự chống đối, với một thanh niên tân học gắn cuộc mưu sinh với chí hướng muốn làm việc lớn nhưng hoàn toàn chưa có một chủ thuyết nào rõ ràng. Do vậy, cùng đi một hướng mà đến hai đích khó có thể hoàn toàn như nhau.

Chặng đường đầu tiên, tàu Amiral Latouche - Tréville cặp bến cảng cuối cùng là La Haver. Tất cả những trải nghiệm của chuyến đi đầu ấy mang lại bài học đầu tiên có thể gói gọn trong câu nói thốt ra khi thủy thủ-đầu bếp Văn Ba mới nhìn thấy xứ sở của những người da trắng là tư bản giàu có đang đô hộ nước mình: “Ơ, ở nước Pháp cũng có người nghèo à ?!”. Đó là phát hiện quan trọng để sau này khi đã chọn nước Pháp là môi trường hoạt động chính trị của mình thì người trai Việt ấy đã dấn thân vào cuộc chiến đấu cho những người lao khổ.

Điều đáng chú ý là, sau khi đặt chân lên nước Pháp vào tháng 7-1911, anh Nguyễn lại đi tiếp, tiếp tục làm việc trên các con tàu viễn dương để đi được nhiều nơi trên thế giới, tiếp tục trải nghiệm, dấn thân học hỏi, để hiểu biết.

Chặng rời tàu lên bờ thực sự đầu tiên lại là nước Mỹ. William J.Duiker viết một cuốn sách rất dày, khảo tả công phu cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đề cập thời gian anh Nguyễn ở Mỹ nhưng không thấy nói đến chi tiết mà vị đại diện Trường Đại học Harvard cung cấp cho Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải khi đến thăm trường (tháng 6-2005) rằng ở thành phố này có 2 trung tâm khoa học giáo dục không chỉ lớn nhất nước Mỹ là Đại học Harvard và Trung tâm Công nghệ MIT. Harvard có một thư viện bình dân  và MIT có một câu lạc bộ truyền bá kiến thức khoa học đều nổi tiếng thì người thợ bánh trẻ của khách sạn Omni Parker thường xuyên có mặt ở cả hai địa chỉ này...

Học hỏi là điều Hồ Chí Minh thực hành trong suốt cuộc đời của mình. Đi du lịch, giao kết với những trí tuệ lớn cũng là điểm son trong tiểu sử của Hồ Chí Minh. Ngay từ khi còn trẻ, những tên tuổi như danh họa Pablo Picasso, nhà văn Henry Barbus, nghệ sĩ Charlie Chaplin hay nhà điện ảnh Joris Iven đều đã từng là người quen biết... Và khi đã trở thành đảng viên Đảng Xã hội, một trào lưu chính trị rộng lớn ở châu Âu và ngay tại chính nước Pháp thì đảng viên Nguyễn Ái Quốc cũng sẵn sàng dấn thân cho những sự lựa chọn tiếp theo.

Người cộng sản khoa học

Viết về tiểu sử chính trị Hồ Chí Minh, người ta hay nhắc đến hồi ức về thời điểm được coi là bước ngoặt quyết định, khi Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương (sơ thảo) về vấn đề thuộc địa của Lênin. Đoạn hồi ký thuật tả cảnh người đảng viên Xã hội trẻ ngồi một mình trong phòng mà nói lớn như trước đám đông rằng đây là con đường sống của dân tộc. Cảm động và quan trọng khi Nguyễn Ái Quốc quyết định “đi theo con đường của Lênin”, theo Đệ tam Quốc tế.

Nhưng cũng phải nhắc lại rằng vào thời điểm ấy, anh Nguyễn vẫn chưa mấy hiểu biết về học thuyết, lý luận, chỉ lấy tiêu chí duy nhất cho việc lựa chọn giữa Đệ nhị hay Đệ tam là chỉ theo ai ủng hộ sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc mình. Thấy Lênin bênh vực dân thuộc địa và đưa ra những khẩu hiệu ủng hộ giải phóng thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc chấp nhận đi theo...

Có một thực tế với Nguyễn Ái Quốc: Kể từ khi trở thành người cộng sản thì bên cạnh cuộc đấu tranh chống ách đô hộ ngoại xâm là cuộc đấu tranh ngay trong phong trào cộng sản để xác lập được đường lối cứu nước của mình, không coi học thuyết của Mác như một giáo điều. Quan điểm đó được khẳng định bằng tư tưởng “chủ nghĩa dân tộc vẫn là một động lực lớn”. Sau cùng, Nguyễn Ái Quốc cụ thể hóa bằng Cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh (1941) và biến thành hiện thực bằng thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945... Tất cả cho thấy con đường cứu nước không khi nào có điểm dừng.

Mục tiêu đại đoàn kết dân tộc

Vận dụng nguyên lý của Lênin biến chiến tranh đế quốc thành cơ hội cách mạng nhưng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo lại có người đồng minh duy nhất là Mỹ để chống phát xít Nhật. Nhà nước Việt Nam độc lập lại không theo mô hình các Xô viết Nga hay Quảng Châu mà có lần đã thí điểm ở Nghệ Tĩnh (1930-1931). Nhà nước ấy lại vận dụng những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Tam Dân (dân tộc độc lập-dân quyền tự do-dân sinh hạnh phúc) của Tôn Trung Sơn, gần gũi với nguyên lý “một nhà nước của dân - do dân - vì dân” của A.Lincoln (Hoa Kỳ)...Và Nhà nước Việt Nam độc lập ấy trong lời tuyên ngôn của mình đã sắp đặt sự nghiệp cứu nước của mình như sự nối tiếp của nhân loại trên con đường giải phóng mà hai cái mốc tiên khởi là cuộc Cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ (1766) và Cách mạng Tư sản Pháp (1789).
Khi đã trở thành “người cầm quyền”, rồi đứng đầu một “đảng cầm quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đại đoàn kết dân tộc, không nhân nhượng quyền tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ, tìm chọn con đường phát triển đất nước. Và con đường để đi đến thành công chỉ có thể là biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc,  cũng như năm xưa lấy mục tiêu cứu nước làm chuẩn mực cho sự lựa chọn.

Điểm lại lịch sử, tất cả những thăng trầm mà dân tộc Việt Nam đã trải qua, kể cả tình hình biến động trên biển Đông như hiện nay, con đường cứu nước mỗi lần đứng trước thử thách đều phải dựa vào cái nguyên lý “đoàn kết và biết cách sửa chữa khuyết điểm” như Bác Hồ từng nói và mục tiêu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Nguyễn Ái Quốc trở thành người Marxism hay Leninism không phải với tính cách một tín đồ. Nếu Đại hội Tours (1920) là một cái mốc thì đó mới chỉ là khởi đầu cho một sự lựa chọn để bắt đầu một cuộc đấu tranh không mệt mỏi, thực hiện mục tiêu quan trọng là giải phóng dân tộc, ban đầu là khỏi ách đô hộ của ngoại bang và lâu dài hơn là giải phóng khỏi đói nghèo, hèn nhục.


Gắn biển công trình kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Ngày 2-6, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức lễ gắn biển công trình hệ  thống ăng-ten AM 122 m cho kênh phát  thanh AM 610 KHz tại trung tâm phát sóng (quận 9).

Công trình thực hiện từ tháng 2-2011, hoàn thành tháng 4-2011, trước kế hoạch 4 ngày. Giá trị gói thầu được duyệt hơn 6,2 tỉ đồng, khi hoàn thành tiết kiệm hơn 100 triệu đồng. Công trình  được Liên đoàn Lao động TPHCM công nhận là công trình “Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước,  chào mừng 82 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 – 28.7.2011)”.

Cột ăng-ten AM 122 m đi vào hoạt động sẽ phủ sóng toàn khu vực miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với chất lượng sóng phát thanh trong và nghe rõ. 
 
C.T.V

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo