Không biết tự bao giờ, ở làng Sa Động, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hình thành nghĩa trang, miếu thờ những sinh linh, oan hồn lâm nạn giữa trùng khơi. Thi thể thuyền viên, ngư dân, những người gặp nạn trên biển được dân làng Sa Động quy tập, chôn cất, dần dà ngày một nhiều lên.
Những mộ phần không tên
Từ Quảng trường biển Bảo Ninh, xã Bảo Ninh, đi dọc bãi biển tiến về phía Nam chừng 1 km, hỏi người dân làng Sa Động về một nghĩa trang khác lạ, chúng tôi được chỉ đến nghĩa trang “oan hồn”. Đây trở thành nơi chôn cất và thờ cúng những oan hồn gặp nạn trên biển Đông.
Sa Hải tự và nghĩa trang các oan hồn Sa Động được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh của Quảng Bình
Ông Trương Phương Xa - vị thủ từ nghĩa trang “oan hồn” ở làng Sa Động
Khuôn viên nghĩa trang rộng hơn 400 m2. Ngay lối vào cổng là một cái miếu bề thế cũng có cái tên khác thường: miếu “âm hồn”, hay còn gọi là “Âm hồn tự”. Ông Trương Phương Xa (SN 1946, ngụ thôn Sa Động), vị thủ từ của nghĩa trang, cho biết đây là nơi an nghỉ của 120 oan hồn lâm nạn trên biển, có cả thuyền viên, ngư dân hay những người chết trôi dạt vô danh. Mỗi khi thấy thi thể trôi dạt về biển là bà con trong làng đưa về đây chôn cất, an táng cẩn thận.
Theo ông Xa, “âm hồn tự” không biết hình thành từ bao giờ nhưng qua truyền kể của các bậc cao niên ở làng Sa Động, nó có từ khi lập làng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. “Xưa, ông bà tôi kể rằng mỗi lần ra biển thấy xác người trôi về là bà con vớt lên, chọn bãi đất trống ven biển này để chôn cất. Cứ vậy, về sau hễ có xác người trôi dạt, tấp vào đây, bà con thương lắm nên đem chôn cất và khói hương tử tế. Dần dà mỗi ngày nhiều lên và bà con gọi đây là nghĩa trang “oan hồn” - ông Xa kể.
Nghĩa trang nằm cạnh bờ biển, quanh năm sống vỗ rì rào, 120 mộ phần chẳng có bia mộ bởi chẳng ai biết chính xác tên tuổi, quê quán của người xấu số. “Dù vậy, đối với ngư dân làng biển Sa Động, phàm người xấu số khi sống phẩm hạnh thế nào không biết nhưng lúc mất thì nghĩa tử là nghĩa tận, được nhang khói thờ phụng đàng hoàng” - ông Xa nói.
Chăm lo mộ “nhập tịch”
Ông Trương Quốc Hội (62 tuổi) - người giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Sa Động 20 năm liền, một trong những người dành nhiều tâm huyết trong việc phục dựng nghĩa trang “oan hồn” nơi đây - khẳng định hầu hết các phần mộ đều không biết chính xác tên tuổi, quê quán nhưng đích thị vẫn có phần mộ của người Trung Quốc.
Ngược về quá khứ, ông Hội kể vào năm 1979, bà con trong lúc ra biển thì thấy thi thể của 2 người đàn ông trôi dạt vào vùng biển Sa Động cùng một con thuyền đánh cá bị sóng biển nhồi lên bãi. Cả 2 người đều có thân hình vạm vỡ, nước da trắng hồng, ăn mặc kiểu dân chài, một người trên 30 tuổi, người kia chừng 50 tuổi. Với kinh nghiệm đi biển và gặp mặt thường xuyên với ngư dân nước ngoài nhiều, bà con ở Sa Động khẳng định chắc nịch rằng họ là người Trung Quốc.
Còn theo ông Xa, 2 thi thể được bà con vớt lên, Hội đồng Pháp y của Bệnh viện tỉnh Bình - Trị - Thiên lúc đó đã mổ khám nghiệm tử thi và phát hiện trong dạ dày của 2 người còn mấy hạt gạo. “Lúc đó, tôi nghe thời tiết trên đài thì biết trên biển có một cơn bão. Có lẽ họ gặp nạn nhiều ngày, phải dùng những hạt gạo cuối cùng trong thuyền để chống đói” - ông Xa phỏng đoán.
Nhiều ngư dân làng biển Sa Động biết rằng người dân Trung Quốc thường hay đánh bắt trộm cá ở vùng biển nước ta. Thời điểm đó cũng là lúc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra ác liệt, người dân rất căm phẫn nhưng không vì thế mà họ bỏ bê mộ phần người Trung Quốc. “Nghĩa tử là nghĩa tận. Phàm bất cứ họ là ai, chết do đâu và người nước nào, khi không còn trên cõi đời thì bà con thương xót đưa vào nghĩa trang. Hai ngôi mộ này bà con thường hay gọi là mộ nhập tịch” - ông Hội nói.
Đã 3 thế kỷ trôi qua, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, người dân làng Sa Động không thể biết được ở nghĩa trang “oan hồn” này có bao nhiêu phần mộ người Trung Quốc như thế đang an nghỉ tại đây. Nhưng nói vậy để thấy các giá trị văn hóa, lịch sử mà nghĩa trang “oan hồn” lưu giữ qua những mộ phần bí ẩn vô danh. Trên hết, đó là lòng nhân ái, vị tha của người Việt, tạo nên giá trị văn hóa ở một nghĩa trang và miếu thờ tâm linh này.
Tấm lòng nhân ái
Người dân làng chài Sa Động chuyên sống bằng nghề đánh cá trên biển. Vùng biển Sa Động vốn hiền hòa, ưu đãi cho bà con nơi đây sản vật quý hiếm của biển cả. Với địa thế có một không hai, phía trên là cửa biển, trước mặt là sông Nhật Lệ rộng lớn và đằng sau biển cả mênh mông nên hằng năm cứ đến mùa lũ, nước sông và biển hòa thành một, cuốn trôi nhà cửa, trâu bò. Có lẽ vì thế, sau một mùa lũ, người dân Sa Động đã vớt được nhiều thi thể trên biển đưa đến nghĩa trang an táng.
Ông Xa cho biết theo thông lệ vào những ngày rằm, mùng một hằng tháng, ông thường thay mặt dân làng đến đây thắp hương, đốt vàng mã cúng bái hương hồn những sinh linh xấu số.
Rồi vào những dịp rằm tháng bảy hằng năm, người dân Sa Động đến nghĩa trang bày cỗ lễ rất lớn, xem như là ngày giỗ của những oan hồn. Họ tôn kính, cúng bái cầu mong các oan hồn phù hộ độ trì mỗi lần ra khơi đánh cá.
Theo ông Xa, từ năm 2011, theo quyết định của lãnh đạo thôn, “Âm hồn tự” được phục dựng, mang tên mới là Sa Hải tự (nghĩa là đền thờ của làng cát, sông nước). Tháng 7-2011, “Âm hồn tự” được UBND tỉnh Quảng Bình cấp bằng công nhận là một trong những di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
“Âm hồn tự” xưa hay “Sa Hải tự” nay đều chan chứa tấm lòng nhân ái của người dân làng Sa Động xưa cũng như nay đối với những sinh linh không may bỏ mình trên sông nước.
“Trước đây, nghĩa trang chỉ bằng mộ đất, người dân thường xuyên mang cuốc xẻng đến xới cỏ, làm vệ sinh từng ngôi mộ. Từ khi nghĩa trang được xây dựng lại bề thế, chúng tôi thường đến quét dọn rác và lá sạch sẽ, khói hương tươm tất cho người đã khuất” - ông Xa nói.
Cầu mong bà con ra khơi bám biển an toàn
Ông Trương Quốc Hội cho biết qua 3 lần tu sửa, hiện miếu “âm hồn” đã khang trang, trở thành nơi để khách thập phương đến viếng. Việc miếu được công nhận là di tích văn hóa lịch sử phù hợp với ý nguyện của người dân, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chính quyền địa phương đối với những di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Một người dân ở xã Bảo Ninh bày tỏ: “Bà con chúng tôi bao đời nay luôn tỏ lòng thành kính. Dù không biết họ là ai, từ phương nào đến nhưng mọi người nhắc nhau đối xử cho tử tế, xem như người trong làng. Chỉ cầu mong họ siêu thoát, độ trì bà con ra khơi bám biển an toàn”.
Bình luận (0)