Ngày mai, 14-3, Hội đồng Nghiệm thu của Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiến hành nghiệm thu lần cuối Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma “Những người nằm lại phía chân trời”, được xây dựng tại khu vực biển Bãi Dài, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Chăm chút bằng cả tấm lòng
Những ngày này, xứ cát Cam Lâm nắng nóng bỏng rát người. Thế nhưng, khi đặt chân đến Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, người ta lại có cảm giác như dịu mát hơn. Cái dịu mát khi được đón gió biển trên ngọn đồi cao với những mảng cây xanh bắt đầu tỏa bóng. Và cái dịu mát đến từ lòng người...
Hai ngày trước khi nghiệm thu, các hạng mục chính, trong đó có cụm tượng đài, đã hoàn thành. Cụm tượng cao 12 m (chưa tính đế), bề ngang 12 m. Trung tâm là hình tượng những chiến sĩ Hải quân Việt Nam, những người lính giữ vững ngọn cờ Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma năm nào. Bên trên là một vòng cung, biểu tượng cho “vòng tròn bất tử”.
Các công nhân đang tất bật thi công những hạng mục phụ trợ như quảng trường, công viên, cây xanh, bảo tàng ngầm và một hạng mục mới bổ sung sau này: khu mộ gió với việc dựng bia 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh khi bảo vệ bãi đá Gạc Ma vào ngày 14-3-1988. Đang sửa lại tấm bia cho liệt sĩ Phan Tấn Dư (quê xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên), ông Trần Trọng Kỳ, một công nhân thi công tại đây, bộc bạch: “Nghe câu chuyện về người mẹ già mong một ngày được đến nơi này thắp cho con nén hương, mình muốn mẹ anh ấy yên lòng. Những công nhân ở đây ai cũng thế. Họ tỉ mỉ chăm chút bằng cả tấm lòng tri ân các anh”.
Niềm mong mỏi của người dân
Hôm chúng tôi đến Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, vợ chồng anh Aleksei Ivanovich Chekhov (người Nga) cũng tới đây viếng thăm. Aleksei cho biết vợ chồng anh mới cưới nhau và đây là lần đầu tiên 2 người đến Việt Nam.
“Bên Nga, tôi đã đọc, đã nghe nhiều về câu chuyện những người lính Việt Nam giữ đảo Gạc Ma. Đó là những người lính quả cảm. Đất nước tôi cũng có những người lính như vậy. Tôi muốn hiểu thêm về họ nên đã chọn đến đây” - anh Aleksei bày tỏ.
Trước đó, chiều 18-2, hơn 300 cựu binh Trường Sa ở Phú Yên và Khánh Hòa cũng đã đến đây tổ chức lễ tưởng niệm những người lính, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Những nén hương được thắp lên dưới chân tượng đài dù chưa hoàn thành.
“Đây là nơi rất đỗi linh thiêng đối với chúng tôi. Bởi lẽ, đây là nơi để ghi nhớ những đồng đội của chúng tôi đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc biển, đảo của Tổ quốc trong một cuộc chiến không cân sức” - anh Nguyễn Văn Dũng, một cựu binh Trường Sa, xúc động. Anh Dũng là người bạn cùng đơn vị, cùng phòng với liệt sĩ Phan Tấn Dư. “Đúng ngày rời Cam Ranh ra Gạc Ma, tôi bị cảm cúm nên anh Dư xung phong đi thay và đã hy sinh” - anh Dũng ngậm ngùi.
Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, thành viên thường trực Ban Quản lý dự án Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - cho hay đến nay, đã có trên 30 đoàn khách trong và ngoài nước đến đây thăm viếng. Nhiều đoàn còn mang cây xanh đến trồng lưu niệm, gửi tặng hiện vật để trưng bày tại bảo tàng ngầm.
“Khu tưởng niệm này là niềm mong mỏi của người dân. Họ đến đây để nhắc nhớ, để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống khi bảo vệ từng tấc biển, tấc đảo của Tổ quốc. Họ đến đây để thấy Tổ quốc luôn ghi nhớ công ơn các anh” - ông Hòa thổ lộ.
Khánh thành nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ
Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức xây dựng trên diện tích 2,5 ha với tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 hơn 150 tỉ đồng từ sự đóng góp của người lao động, nhân dân cả nước. Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện để khánh thành giai đoạn 1 của khu tưởng niệm vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 tới.
Theo ông Nguyễn Hòa, giai đoạn 2 của khu tưởng niệm sẽ xây dựng mô hình các khu đảo Cô Lin, Len Đao và nơi để thân nhân các liệt sĩ ở lại, tham quan, nghỉ ngơi.
Bình luận (0)